Các thầy cô giáo trường công ở TP.HCM hi vọng khi có thu nhập tăng thêm, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Trong ảnh: một tiết học của cô trò Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại hội nghị phản biện dự thảo đề án này do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 2-3, nhiều đại biểu đặt vấn đề phải đánh giá cán bộ thực chất, tránh "dĩ hòa vi quý".
Dù quy định thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá, nhưng cuối cùng hằng năm cũng phải bỏ phiếu, bình chọn. Còn bỏ phiếu, bình bầu thì còn “dĩ hòa vi quý”
Ông Đỗ Văn Đạo (phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM)
Làm sao tránh bình quân, cào bằng
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, giám đốc Học viện Cán bộ TP, đặt vấn đề: "Không chừng sau khi đánh giá, cán bộ công chức lại tâm tư, lại thấy không công bằng. Có khi thêm được thu nhập mà mất đoàn kết, làm cho hoạt động của đơn vị bị ảnh hưởng".
Từ nỗi lo này, ông Ngân đề xuất phải có đề án đánh giá cán bộ công chức kèm theo đề án về tăng thu nhập.
Để thu nhập tăng thêm được chi cho người xứng đáng, ông Châu Minh Tỷ - nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP - đề nghị phải có cách đánh giá cán bộ, công chức sát thực tế.
"Nếu không, với cách đánh giá như hiện nay thì cuối cùng ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, việc tăng thêm thu nhập lại thành ra bình quân, cào bằng" - ông Tỷ nói.
Trước nhiều ý kiến về cách đánh giá cán bộ, ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ TP, cho rằng việc này không thể thoát ly khỏi quy định chung. Tuy nhiên, ông Đạo thừa nhận hiện nay việc đánh giá cán bộ còn nhiều bất cập.
Theo ông Đạo, để đánh giá cán bộ sát thực tế, thủ trưởng đơn vị chỉ nên đánh giá cấp phó và cấp trưởng phòng.
Còn trưởng phòng đánh giá nhân viên trong phòng. Với cách làm này, người thủ trưởng phải nắm bắt công việc của đội ngũ. Về lâu dài phải gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ.
Nhắc tới tinh giản biên chế, ông Đạo nói các thủ trưởng thường hay kêu thiếu biên chế. "Nhưng đó là do các thủ trưởng không bỏ tiền túi ra để trả lương. Chứ nếu đặt mình là người chủ tư nhân thì sẽ có cách sử dụng thời gian, nhân sự, hội họp khác".
Đề nghị tạm ứng thu nhập tăng thêm hằng tháng
Theo dự thảo đề án, trước mắt hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 được đề xuất là: năm 2018 tối đa 0,6 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa là 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.
Ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị tăng mức tối đa bằng 1,8 lần tiền lương càng sớm càng tốt.
PGS.TS Võ Trí Hảo (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng không nên áp dụng cứng nhắc hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập như đề án.
Ông Hảo đề nghị đối với đơn vị đạt hiệu quả tốp đầu của TP có thể cho phép áp dụng mức tăng 1,8 lần, tốp giữa tăng 1,2 lần, tốp cuối tăng 0,6 lần.
"Tôi hi vọng sau năm 2021, TP.HCM sẽ xin được nghị quyết mới để nâng trần 1,8 lần lên 3,6 lần, chứ mức tăng 1,8 lần vẫn còn rất thấp so với đặc thù nhiều công việc như ở TP" - ông Hảo nói.
Một số ý kiến khác đề nghị việc xét thu nhập tăng thêm theo tháng, quý, đồng thời cho tạm ứng 60%, chứ không chờ xét theo kết quả đánh giá công chức cả năm.
Thu nhập tăng thêm lệ thuộc vào cân đối ngân sách
Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Ảnh: Tự Trung
Bà Lê Ngọc Thùy Trang (phó giám đốc Sở Tài chính TP) giải thích lộ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm từ 0,6-1,8 lần tiền lương như dự thảo đề án là vì TP phải cân đối ngân sách.
Tuy nhiên, trong phần nguyên tắc của đề án cũng đã nêu rõ, căn cứ vào nhu cầu và nguồn kinh phí cải cách tiền lương của TP từng năm, UBND TP có thể trình HĐND xem xét điều chỉnh hệ số này.
Về tạm ứng và chi trả thu nhập tăng thêm hằng tháng như một số đại biểu đề xuất, bà Trang cho biết khi đề án này được thông qua thì cán bộ công chức viên chức sẽ có hai loại thu nhập tăng thêm.
Đó là thu nhập tăng thêm từ quy định hiện hành và từ đề án này. Thu nhập tăng thêm theo quy định hiện hành có thể tạm ứng 60%.
Còn thu nhập tăng thêm theo đề án này chỉ được chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc theo năm, nên không thể giải quyết tạm ứng hằng tháng được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận