Phóng to |
Gạo chuyển lên tàu xuất khẩu sang Indonesia tại cảng Tân Thuận 2, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Tại hội nghị tổng kết hoạt động xuất khẩu gạo năm 2011 và phương hướng 2012 diễn ra ở TP.HCM ngày 6-1, nhiều chuyên gia khẳng định hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng
Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, nhận định sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo sẽ gay gắt hơn trong năm 2012 và giá gạo có xu hướng giảm, do các nước nhập khẩu chủ lực đang có lượng hàng tồn kho khá lớn. Theo ông Bảy, trong nửa đầu năm 2012 Ấn Độ vẫn tích cực bán ra với giá thấp để giải quyết hàng tồn kho lớn. Ngoài ra, Pakistan và Myanmar sẽ đưa ra thị trường gạo cấp thấp với giá rất rẻ.
“Với sự cạnh tranh từ những nguồn cung cấp này, các loại gạo cao cấp của VN và Thái Lan chắc chắn sẽ tiêu thụ chậm hơn, tồn kho nhiều khả năng sẽ tăng lên...” - ông Bảy nói. Ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA - bày tỏ lo ngại khi cho rằng thị trường gạo cấp thấp của VN tại châu Phi, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của VN, nhiều nguy cơ sẽ rơi vào tay Ấn Độ và Pakistan do chính sách giá rẻ của các nhà cung cấp này.
Trong khi đó, so với những năm trước, các thị trường truyền thống của VN tại châu Á cũng giảm mạnh lượng nhập khẩu. Thông thường mọi năm, thời điểm này VN đã có hợp đồng lớn với Indonesia, Bangladesh... Tuy nhiên năm nay Indonesia ngưng mua vì đã đủ gạo, còn các thị trường khác chưa có hợp đồng. Thông tin từ VFA cho biết so với năm 2011, lượng gạo đã ký và phải giao trong quý 1 năm nay giảm hơn khoảng 700.000 tấn.
“VFA nên tính trước các phương án tạm trữ để giữ giá lúa trong nước” - ông Lê Việt Hải, giám đốc Công ty Mekong (Cần Thơ), khuyến cáo. Nhiều doanh nghiệp đồng quan điểm này khi cho rằng việc tạm trữ lúa phải thực hiện sớm để tránh nguy cơ giá lúa trong nước giảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân trồng lúa.
Cam kết người trồng lúa vẫn có lãi
Dù dự báo có nhiều khó khăn, nhưng ông Trương Thanh Phong cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của VN vẫn có không ít cơ hội trong năm 2012. Theo ông Phong, sản lượng và hàng tồn kho thế giới dự báo sẽ tăng, nhưng thương mại gạo còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, thiên tai mất mùa làm mất cân đối cung cầu cục bộ và khu vực, biến động tiền tệ và lạm phát giá lương thực ở các nước tiêu thụ chính, tác động của chính sách lương thực ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn...
Theo một số doanh nghiệp, thị trường gạo thế giới đã phân chia ba mức giá, trong đó cao nhất là gạo Thái Lan, trung bình là gạo VN và giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Dự kiến thị trường xuất khẩu 2012 sẽ có sự thay đổi đáng kể do sự cạnh tranh của Ấn Độ và sút giảm của Thái Lan. Do đó VN đang có lợi thế cao về chất lượng gạo, nhất là gạo thơm, để lấp vào khoảng trống thị trường mà Thái Lan để mất do giá bán quá cao.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng quan trọng nhất là cần duy trì và củng cố các thị trường truyền thống, sau đó mới đến mở rộng các thị trường gạo cao cấp, hạn chế sự cạnh tranh từ các nguồn cung chất lượng thấp. Trong đó ưu tiên cho các thị trường như Philippines, Malaysia, Indonesia, Bangladesh và mở rộng thị phần gạo chất lượng cao, nhất là Trung Quốc và Hong Kong, rồi mới đến thị trường châu Phi...
Ông Phong cho biết VFA đã có kế hoạch mua lúa nếu giá lúa trong nước xuống thấp. Trường hợp tiêu thụ lúa gạo chậm, giá lúa có giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, VFA sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tăng mua lúa gạo để giá lúa không xuống dưới 5.000 đồng/kg.
Nếu giá lúa có biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách như tín dụng, lãi suất để doanh nghiệp tham gia mua lúa gạo tạm trữ. “Dù tình hình có thế nào, VFA và các doanh nghiệp sẽ đảm bảo không để lợi nhuận của người dân trồng lúa xuống dưới 30%” - ông Phong khẳng định.
Xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo Theo VFA, ngoài lượng hàng tồn kho năm 2011 chuyển sang khoảng 1 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa có thể sản xuất trong năm 2012 ước tính 7 triệu tấn. Như vậy tổng cộng gạo hàng hóa năm 2012 đạt khoảng 8 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn và tồn kho chuyển sang năm 2013 là 1-1,5 triệu tấn. Số liệu của VFA cũng cho biết năm 2011 VN đã xuất khẩu 7,105 triệu tấn gạo, trị giá 3,507 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận