20/08/2024 23:30 GMT+7

Tăng sử dụng máy móc thông minh giúp sản xuất đồ gỗ bứt phá

Việc sử dụng máy móc tự động, phần mềm kỹ thuật số trong sản xuất đồ gỗ thông minh có thể thay thế 45% lao động thủ công, qua đó tăng năng suất ít nhất 30-40%.

Tăng sử dụng máy móc thông minh để giúp sản xuất đồ gỗ bứt phá - Ảnh 1.

Đầu tư máy móc hiện đại sẽ giúp tăng giá trị xuất khẩu cho ngành sản xuất đồ gỗ - Ảnh: N.TRÍ

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi giới thiệu Triển lãm quốc tế về giải pháp nội thất thông minh (SFS Vietnam 2024), tổ chức vào chiều 20-8 tại TP.HCM.

Phát biểu tại họp báo, ông Trần Ngọc Liêm, giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, cho biết sau khi sụt giảm năm 2023, tình hình xuất khẩu gỗ, sản phẩm đồ gỗ và nội thất của Việt Nam đã phục hồi mạnh trong năm 2024. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và nội thất đạt 10,7 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ 2023.

Trong đó, nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như Mỹ tăng 26%, Trung Quốc tăng 39%, Canada tăng 25%, Anh tăng 18%, Đức tăng 44%, Ấn Độ tăng 66%...

Dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nhưng theo ông Liêm, kim ngạch xuất khẩu của ngành hiện vẫn thấp hơn so với 7 tháng năm 2022.

"Ngành gỗ vẫn còn những khó khăn khi xung đột giữa các quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp. Sau dịch COVID-19, các tiêu chuẩn, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu; tiêu chuẩn môi trường, lao động… được nhà nhập khẩu chú ý trở lại, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp", ông Liêm nhận định.

Trong bối cảnh đó, ông Liêm đánh giá triển lãm SFS Vietnam 2024 là rất cần thiết, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận công nghệ mới và nguồn nguyên liệu hợp pháp của thế giới ngay tại Việt Nam.

Giải thích về khái niệm giải pháp nội thất thông minh, ông William Pang, giám đốc điều hành Pablo Publishing & Exhibition, đồng tổ chức SFS Vietnam 2024, cho biết việc sử dụng máy móc tự động, phần mềm kỹ thuật số có thể thay thế 45% lao động thủ công, qua đó tăng năng suất ít nhất 30 - 40%. 

Đồng nghĩa với việc sản lượng và chất lượng sẽ cao hơn, thời gian sản xuất được rút ngắn hơn.

"Triển lãm sẽ tập hợp tất cả các máy móc chế biến gỗ thông minh, hiện đại nhất từ các thương hiệu toàn cầu. Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất đồ gỗ nóng nhất trong khu vực và thế giới vẫn muốn đầu tư vào ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam", ông William Pang nhận định.

Bà Dương Thị Tú Trinh - tổng giám đốc Công ty CP TMDV B.I.F.A (Bình Dương) - cho rằng thị hiếu khách hàng luôn thay đổi mỗi ngày, đặc biệt các thị trường tiêu thụ đồ gỗ hàng đầu như Mỹ, châu Âu... thường xuyên đưa ra các chuẩn mới.

Do đó, việc tăng áp dụng máy móc là rất cần thiết, nhằm đưa ra, đáp ứng được nhiều mẫu mã mới, giá thành cạnh tranh. Đây được xem là yếu tố sống còn của ngành đồ gỗ trong giai đoạn mới, giải pháp giúp ngành bứt phá.

Theo ban tổ chức, SFS Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ 27 đến 30-11 tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương. Triển lãm dự kiến quy tụ gần 300 gian hàng của hơn 180 nhà triển lãm đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 10.000 lượt khách tham quan.

Sản phẩm triển lãm tại SFS Vietnam 2024 bao gồm 5 danh mục: máy móc và thiết bị chế biến gỗ; nguyên vật liệu và vật tư sản xuất gỗ; dụng cụ và phụ kiện chế biến gỗ; hóa chất xử lý và hoàn thiện bề mặt; công nghệ đổi mới và phần mềm sản xuất.

Đặc biệt, ban tổ chức cho biết sẽ tạo một khu vực gian hàng chung miễn phí để các tỉnh tham gia. Ngoài ra, hỗ trợ mỗi tỉnh 4 gian hàng để các doanh nghiệp nhỏ được tham gia trưng bày, triển lãm.

Tăng sử dụng máy móc thông minh để giúp sản xuất đồ gỗ bứt phá - Ảnh 2.Sau năm lãi kỷ lục, vì đâu loạt ‘ông lớn’ đồ gỗ, vật liệu xây dựng làm ăn đi xuống?

Thị trường bất động sản suy giảm, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng khó khăn trong tiêu thụ, khách hàng thận trọng hơn trong chi tiêu, giá bán giảm... là những nguyên nhân được nêu ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên