"Chúng tôi có 1.000 điểm bán là 1.000 điểm bán hiệu quả, tính chất Saigon Co.op không theo hình thức, mà đi theo chất lượng, theo xu hướng sản xuất xanh, sạch để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng" - ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh tại "Hội nghị các nhà cung cấp" diễn ra ngày 30-3.
Cùng nhau siết chặt chất lượng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phan Văn Dũng - phó tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết Vissan có 27 năm là đối tác chiến lược với Saigon Co.op, ngân sách xúc tiến, quảng bá mà công ty dành cho SG Co.op đã chiếm 30% trong tổng chi phí xúc tiến, quảng bá của Visan hằng năm, và dự kiến năm 2023 con số này sẽ tăng lên 50%. Qua đó, đơn vị kỳ vọng doanh thu tại Saigon Co.op tăng từ 6-15% so với năm ngoái.
Để làm được điều này, ông Dũng cho biết ngoài đa dạng hàng hóa với hàng trăm sản phẩm đưa vào kênh bán lẻ, đơn vị luôn đề cao sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn để đáp ứng tiêu chí của Saigon Co.op và phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng.
"Sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến luôn có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra, giám sát chất lượng thường xuyên thông qua việc lấy mẫu", ông Dũng khẳng định.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân - cho biết theo từng năm, sản phẩm đưa ra luôn được đơn vị cải thiện về chất lượng để đảm bảo tiêu chí từ đơn vị phân phối và nhu cầu người tiêu dùng.
"Từ nguồn thức ăn, con giống đã phải an toàn và sạch bệnh, tiếp đến là dây chuyền xử lý phải đảm bảo cho ra sản phẩm trứng chất lượng, diệt khuẩn gần như tuyệt đối khi đưa vào siêu thị", bà Huân khẳng định.
Theo đại diện bộ phận kinh doanh Saigon Co.op, để đưa hàng vào siêu thị, ngoài các quy định về nguồn gốc, giấy tờ liên quan, các doanh nghiệp phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ sẽ tiếp tục giám sát chất lượng thông qua việc lấy mẫu thường xuyên và định kỳ.
"Hàng hóa trước khi nhập vào mỗi kho hàng tại các tỉnh, vùng phải thực hiện việc sàng lọc sản phẩm, tiếp đến là kiểm nghiệm, nếu đạt thì chuyển về kho trung tâm, tại đây chúng tôi tiếp tục kiểm nghiệm chất lượng, nếu đạt mới chuyển đi các điểm bán. Chưa kể, định kỳ 6 tháng một lần chúng tôi lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên để loại trừ các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là thực phẩm", vị này khẳng định.
Cũng theo Saigon Co.op, để hỗ trợ nhà cung cấp vừa và nhỏ, hiện đơn vị đã lập ra phòng quản lý chất lượng với quy mô lớn, có trách nhiệm kiểm soát và hỗ trợ, hướng dẫn các nhà cung cấp vừa và nhỏ tiếp cận được với các tiêu chí về an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Cùng nhà cung cấp phát triển
Ông Vũ Anh Khoa, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết chiến lược giai đoạn 2023-2025 của Saigon Co.op là cùng các NCC phát triển phục vụ người tiêu dùng cả nước, thậm chí là quốc tế hóa những sản phẩm tốt nhất và hiệu quả cao nhất.
"Cải tiến vận chuyển, kho bãi là nhiệm vụ chính trong thời gian tới. Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường việc xây dựng kho tập trung, đưa ra nhiều dịch vụ kho bãi, thậm chí cùng liên kết với NCC để xây dựng các mô hình kho bãi, đây là cách tốt nhất để quản lý hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Khoa nhấn mạnh.
Với dịch vụ tài chính, 2023 Saigon Co.op sẽ cung cấp một số dịch vụ, hỗ trợ tài chính... để đối tác thanh toán nhanh hơn, thời gian ngắn hơn.
Đặc biệt, đối với nhãn hàng riêng, đây là thương hiệu đã khẳng định hiệu quả kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Do đó, tới đây nhãn hàng riêng là một trong những chiến lược quan trọng nhất được đơn vị đầu tư phát triển.
Với vấn đề cơ sở vật chất, trong năm 2023 - 2025, đơn vị sẽ dành một khoản kinh phí lớn để phát triển thêm một loạt điểm bán mới, bao gồm siêu thị và các điểm bán nhỏ hơn ở nhiều tỉnh thành, đồng thời cải tạo cơ sở vật chất hiện có ở các điểm bán.
Hỗ trợ nhà cung cấp ra thị trường ngoại
Trong khi đó, về vấn đề xuất khẩu, đại diện Saigon Co.op cho biết luôn mong muốn là cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
"Saigon Co.op đã cam kết với thành phố đẩy mạnh hoạt động này nên sẽ dành khoản kinh phí lớn để tăng cường đầu tư, phát triển thương mại ra thế giới. Nếu nhà cung cấp đủ đáp ứng điều kiện ra thị trường, thời gian tới chúng ra sẽ phát triển mạnh.
Với thị trường Singapore, hiện Saigon Co.op hỗ trợ xuất khẩu với giá trị đạt hơn 100 triệu USD/năm, và sắp tới sẽ tăng mạnh khai thác thị trường lớn như Mỹ, EU...", ông Khoa định hướng.
Khi nói về quy mô, ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết sẽ mở rộng quy mô hiện diện thêm nhiều tỉnh thành với mục tiêu phủ sóng cả nước và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó hướng tới tiêu dùng xanh, nghĩa là sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Tăng cường sản phẩm "xanh"
Theo ông Khoa, định hướng của đơn vị trong thời gian tới sẽ tăng mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, gắn NCC với vùng nguyên liệu để ổn định sản lượng và chất lượng. Đặc biệt, sẽ đề cao việc phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ các sản phẩm "xanh", nghĩa là sản phẩm thân thiện với môi trường, tích cực với sức khỏe người tiêu dùng.
Cụ thể, theo lãnh đạo Saigon Co.op, hiện nay đơn vị đang đẩy mạnh kết nối vùng, theo chương trình UBND TP ký kết. Theo đó, thông qua kết nối sẽ xác định vùng nào thổ nhưỡng phù hợp theo vùng đó để gia tăng sản xuất hàng hóa chất lượng, đạt chất lượng hữu cơ và duy trì phát triển bền vững.
"Như Đà Lạt có lợi thế về cà rốt, khoai tây, rau ôn đới; Đồng Tháp, Đông Nam Bộ lợi thế cây ăn quả... Qua làm việc với các địa phương, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí vốn... để thiết lập ngay vùng sản xuất an toàn, địa phương hỗ trợ giám sát, nhắc nhở đơn vị sản xuất để làm sao đạt được các tiêu chuẩn theo quy định.
Đây là xu hướng sản xuất thiên về dòng hữu cơ, hỗ trợ về kỹ thuật để hướng dẫn doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh, sạch... để không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận