Cô Thu Hiền (cầm micro) giới thiệu các thành viên dự án gắn bó trong 2 năm qua tại buổi họp mặt - Ảnh: L.ĐIỀN
Khởi động từ năm 2016, dự án trong hai năm qua đã "lẳng lặng" mang sách đến 40 huyện trong nhiều tỉnh thành, ưu tiên cho các huyện miền cao, vùng sâu, nghèo và "khát" sách.
Chúng tôi biết thói quen đọc sẽ hình thành phần nhiều từ giáo dục gia đình, nên mỗi chuyến đi tôi đều chú ý khuyến khích các cặp vợ chồng cùng đọc sách với con.
Cô Thu Hiền - trưởng ban dự án Sách hay cho học sinh tiểu học
Chúng ta đang ở vùng trũng
Sáng 13-12, với sự tham gia tổ chức của Hội Xuất bản Việt Nam - văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM, các thành viên dự án Sách hay cho học sinh tiểu học đã họp mặt để nhìn lại quá trình vừa qua, chia sẻ các nội dung dự án và kêu gọi cộng đồng chung tay lan tỏa các giá trị tốt đẹp của sách.
Theo số liệu công bố tại buổi họp mặt, trong 3 năm gần đây, người Việt Nam mỗi năm chỉ đọc 0,8 cuốn sách và có đến 26% dân số Việt Nam không đọc sách.
Một chương trình giới thiệu sách cho các em do nhóm dự án Sách hay cho học sinh tiểu học thực hiện - Ảnh: BTC
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng "sức đọc của Việt Nam đang ở vùng trũng của Đông Nam Á, đây là điều rất buồn không chỉ cho người đọc mà cho cả một dân tộc".
Ở chiều hướng tích cực, chính thực trạng này là cơ sở để mấy năm trở lại đây xuất hiện nhiều nhóm, nhiều chương trình vận động sách cho các vùng khó khăn, đưa sách đến với những bạn đọc không đủ điều kiện trang trải cho việc đọc.
"Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học này là một cuộc lội ngược dòng, để đưa sách về tận nơi đang còn các em học sinh đói sách. Hội Xuất bản đã đề ra mục tiêu quan trọng là Hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, và để thực hiện được mục tiêu này, chính là cần đồng hành, chung tay với các chương trình khuyến đọc, hỗ trợ sách và làm thiện nguyện như nhóm dự án đây" - ông Lê Hoàng nhận định.
Cháy hết mình với sách
Cô Thu Hiền giao lưu cùng các bạn học sinh tiểu học ở Trường Nguyễn Bá Ngọc, Tân Biên, Tây Ninh trong chương trình của dự án - Ảnh: BTC
Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học có 12 trong 19 thành viên là nhà giáo. Khâu được dành thời gian và tâm sức nghiêm túc nhất là chọn sách để tặng.
Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền - trưởng ban dự án, chúng ta đưa sách đến cho các em phải là những quyển sách có giá trị. Đó là sách hướng dẫn về kỹ năng, sách bổ sung kiến thức, sách khơi gợi và nuôi dưỡng tình cảm giữa các em với ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè; sách hướng dẫn luật đi đường, cách thức đề phòng và chống bạo hành; sách nuôi dưỡng ước mơ được đến những vùng đất xa, những quốc gia khác nữa; sách kinh điển, danh tác thế giới; sách về các danh nhân...
Và hành trình mang sách đến các trường tiểu học của các huyện còn đúng với câu "cách cho hơn của đem cho". Ấy là sau khi kỳ công chọn sách như vậy, mỗi chuyến đi trao , nhóm đều thực hiện một chương trình vừa có tính chất giao lưu giới thiệu sách với các em, vừa có giá trị như một buổi hội thảo cùng thầy cô và đại diện chính quyền sở tại.
Không kể là nơi rẻo cao phía Bắc như Vị Xuyên, Mèo Vạc, Đồng Văn, hay vùng miền Trung tại Tuyên Hóa, Quảng Trạch, hải đảo như Lý Sơn, cực Nam như Hòn Đất... nhóm đã "cháy hết mình" trong việc truyền nhiệt huyết và niềm yêu mến đọc sách cho các em.
Mỗi cuộc giao lưu là một lần các bài học sâu sắc từ trang sách tuôn chảy, là dịp để các em học sinh thán phục về các nhân vật từ sách đã bước ra, cầm tay nâng bước từng cá nhân ngoài đời để họ trưởng thành, đi lên và trở thành người hữu dụng...
Chứng kiến những lần "cháy hết mình với sách" của cô Thu Hiền và nhóm dự án, ông Đinh Hoàng Triều - đại diện TTC Edu, đơn vị tài trợ dự án - cho rằng chính nghệ thuật giải quyết vấn đề: tại sao phải đọc sách, đọc sách như thế nào để có hiệu quả, vai trò của sách trong cuộc sống hiện đại... của nhóm đã thuyết phục không chỉ các thầy cô mà cả những vị đại diện chính quyền sở tại có mặt tại chương trình tặng sách của dự án.
Dự án triển khai theo hình thức: mang sách về cho tất cả các trường tiểu học trong một huyện cụ thể sau khi đã kháo sát. Và ở đây, Hội Xuất bản Việt Nam giữ vài trò kết nối hỗ trợ các bên.
Đến nay, dự án đã triển khai được ở 41 huyện, gồm 795 trường. Tại mỗi trường sẽ được tặng ít nhất là 142 quyển sách và 50 tạp chí. Hiện tổng giá trị sách và tạp chí dự án đã tặng là 4.704.448.600 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận