28/10/2014 11:00 GMT+7

​Tăng quyền cho viện kiểm sát để tránh oan sai

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 27-10, thảo luận về dự thảo Luật tổ chức viện KSND (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến như trên.

Theo nhiều đại biểu, việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan điều tra viện kiểm sát và trao quyền công tố cho viện kiểm sát từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm sẽ giúp giảm bớt oan sai, bức cung, nhục hình...

Theo dự thảo luật, cơ quan điều tra của viện KSND có thẩm quyền điều tra tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Ủng hộ quy định này, nhưng đại biểu Phạm Văn Gòn (TP.HCM) cho rằng như vậy là chưa đủ.

Theo ôn Gòn, có những hành vi phạm tội khác về chức vụ có liên quan và cũng là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà cơ quan điều tra viện kiểm sát không có thẩm quyền điều tra.

Chẳng hạn như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi...

Tòa án không được từ chối yêu cầu của người dân

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Theo ông Cường, một trong những nội dung mới của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Quy định này phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng như về trách nhiệm của Chính phủ, TAND trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Hơn nữa, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

V.V.THÀNH

Do vậy, ông Gòn đề nghị trao cho cơ quan điều tra viện kiểm sát thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm về chức vụ được quy định từ điều 285 đến điều 291 của Bộ luật hình sự.

“Ngoài ra, cần giao cho cơ quan điều tra viện kiểm sát thẩm quyền điều tra một số vụ án tham nhũng do một số cơ quan khác tiến hành nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay” - ông Gòn đề nghị.

Ðại biểu Hà Công Long (Gia Lai) phân tích: “Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ, lọt thông tin về bắt giam, khám xét, kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản. Các đại biểu đều rõ thông tin bắt Dương Chí Dũng bị lộ đã gây hậu quả như thế nào”. Ông Long đề nghị mở rộng và quy định rõ thẩm quyền điều tra để cơ quan điều tra viện kiểm sát có thể tiến hành điều tra các hành vi liên quan đến chạy án.

Liên quan đến quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của viện KSND, đại biểu Long cho rằng lâu nay lấy lý do đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự nên không trao cho viện kiểm sát quyền này, nhưng qua thực tế nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc.

“Việc giao thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho viện KSND không hề ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của đương sự mà chỉ có tốt hơn, bảo đảm hơn về cơ chế bảo vệ lợi ích nhà nước, xã hội” - ông Long bày tỏ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Ðình Quyền cũng bình luận: “Nếu trao cho cơ quan điều tra viện kiểm sát quyền khởi tố vụ án dân sự, có thể chúng ta đã không mất 4.000 tỉ đồng trong vụ Huyền Như”...

Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền khẳng định qua giám sát thì thấy bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tiền tố tụng (xác minh tin báo tố giác tội phạm), nhưng hiện nay viện kiểm sát lại không được giữ quyền công tố, không được kiểm soát từ giai đoạn này.

Vì vậy, trao cho viện kiểm sát giữ quyền công tố từ giai đoạn này là hợp lý. Ðây cũng là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trường Dân (đại tá, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) không đồng tình:

“Tôi nhận thấy quy định quyền công tố của viện KSND được thực hiện ngay từ khi giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là không phù hợp. Vì nó sẽ chồng chéo với hoạt động của cơ quan điều tra”.

Theo đại tá Dân, việc kiểm tra, xác minh tin báo tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động thuộc chuyên ngành điều tra, được tiến hành trong khoảng thời gian dài, khó khăn, phức tạp, cần phải có quá trình điều tra, xác minh, làm rõ nội dung thông tin mới kết luận được một cách chính xác.

“Tôi đề nghị không giao cho viện KSND thực hiện nhiệm vụ này. Nếu giao cho viện KSND thì viện KSND sẽ làm thay cơ quan điều tra” - ông Dân đề nghị.

Ảnh: Việt Dũng
Tôi đồng ý là không được để lọt tội, nhưng chuyện không được làm oan một con người còn quan trọng hơn rất nhiều
Ông BÙI MẠNH HÙNG

Xuất hiện nhân chứng muốn minh oan cho Lê Bá Mai

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết như trên trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng 27-10.

Theo ông Hùng, liên quan đến vụ án Lê Bá Mai hay còn gọi là “kỳ án vườn mít”, trong phiên thảo luận trước đó tại Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng không có yếu tố để tái thẩm, giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết ngay sau khi bị tuyên án chung thân vào ngày 30-8-2013, đến ngày 5-9-2013 thì Lê Bá Mai đã gửi đơn kêu oan.

Bố mẹ của Lê Bá Mai cũng liên tục gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước, lãnh đạo các cơ quan trung ương có liên quan. Các luật sư bào chữa cho Lê Bá Mai cũng đã gửi đến viện trưởng Viện KSND tối cao đơn đề nghị giám đốc thẩm.

“Tôi thiết nghĩ nếu đồng chí viện trưởng chưa nhận được đơn kêu oan của bản thân Lê Bá Mai thông qua hệ thống trại giam, thì khi nhận đơn của bố mẹ Lê Bá Mai, các cơ quan chức năng phải kiểm tra thông tin trên và có báo lại trả lời cho gia đình biết” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay đã có một nhân chứng (là người dân địa phương ở gần nơi diễn ra vụ án) đứng ra cung cấp thông tin minh oan cho Lê Bá Mai.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Hùng cho biết chi tiết: bà Nguyễn Thị Hảo là một bộ đội phục viên quê ở Bắc Giang, lấy chồng người dân tộc S’Tiêng ở tại nơi Lê Bá Mai sinh sống.

Bà Hảo cho biết sau khi xảy ra vụ án, nhờ biết tiếng S’Tiêng bà đã nắm được nhiều thông tin, sau khi đối thoại với người dân tại đó, bà khẳng định Lê Bá Mai không phải là thủ phạm.

Bà Hảo đã từng được điều tra viên lấy lời khai, tuy nhiên khi bà Hảo đề nghị được ghi âm lời khai thì điều tra viên không cho phép. Các phiên tòa xét xử vụ án của Lê Bá Mai sau đó, bà Hảo cũng không được thông báo và mời đến tòa. Hiện bà Hảo đã làm đơn đề nghị làm rõ lại vụ án này.

“Tuy nhiên điều làm cho tôi phải đưa ra thông tin này trước Quốc hội là vì sau khi làm đơn, bà Hảo đã nhận được những tin nhắn đe dọa, yêu cầu ngừng ngay việc bà đang làm. Lo sợ sự an toàn tính mạng, bà Hảo đã rời gia đình trở về quê tại Bắc Giang sinh sống, không dám ở lại Bình Phước nữa” - ông Hùng nói.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Những thông tin trên đủ để cho tòa án và viện kiểm sát phải xem xét lại vụ án này”.

V.V.THÀNH - VIỄN SỰ

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên