Những hình ảnh viết, vẽ bậy gần kín trên rùa đá ở chùa Thiên Mụ - Ảnh: NHẬT LINH
Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lê Thanh Liêm (vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, nơi xây dựng nghị định này).
* Thưa ông, nghị định 38 có giúp quản lý tốt hơn trong xu thế chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm?
- Nghị định 38 ra đời để tăng cường việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, do pháp luật về nội dung đã thay đổi rất nhiều như vừa rồi có Luật thư viện, nghị định 110 về quản lý lễ hội, nghị định 54 về quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, nghị định 144 về nghệ thuật biểu diễn. Và cũng vì lý do muốn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, mức phạt phải tăng nặng mới đảm bảo thực thi tốt.
Nghị định mới đã tăng mức phạt từ 20-30%, cá biệt có trường hợp tăng 100%, ví dụ hành vi sử dụng nội dung trái thuần phong mỹ tục (bạo lực, đồi trụy) trong các chương trình của trò chơi điện tử không kết nối Internet.
* Trong nghị định còn có những khái niệm có thể gây mơ hồ trong việc vận dụng, có thể dẫn tới những thực thi không thống nhất giữa các cơ quan, các địa phương do quan điểm, cách hiểu khác nhau, ví dụ như hành vi biểu diễn nghệ thuật "không phù hợp với giới tính", "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo"... Thật khó để nói hành vi biểu diễn nào là "không phù hợp với giới tính"?
- Về lý thuyết bao giờ pháp luật cũng trễ hơn so với thực tiễn vì thực tế cuộc sống rất đa dạng, phong phú. Pháp luật về nội dung cũng khó quy định cụ thể hơn. Việc xử lý phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Nhưng các quy định cố gắng ngày càng cụ thể, chi tiết hơn trong phạm vi có thể. Nghị định 38 không tự đặt ra những hành vi này để xử phạt mà căn cứ vào pháp luật về nội dung. Ví dụ hành vi xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo thì đã được quy định trong Luật tôn giáo như một trong những hành vi cấm.
Và tất nhiên vẫn phải có những quy chuẩn chung và quy chuẩn này lại phải xét trên nhiều yếu tố. Ví dụ như một hành vi riêng lẻ thì khác với hành vi có khả năng tạo thành trào lưu gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Ông Lê Thanh Liêm
* Khi luật không rõ ràng, rất dễ xảy ra tình trạng lạm quyền của những người thực thi pháp luật?
- Ngày nay quyền của người bị xử phạt được pháp luật quy định khá rõ, chỉ là mọi người thường chưa sử dụng hết quyền của mình thôi. Pháp luật trao cho họ quyền như quyền yêu cầu người xử phạt phải chứng minh lỗi của họ.
Nên người thực thi pháp luật cũng phải thận trọng, có luận giải kỹ càng, căn cứ vào bối cảnh xã hội của hành vi, động cơ, hậu quả của hành vi vi phạm. Nếu quyết định hành chính sai là cơ quan quản lý phải có trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là trong xử phạt vi phạm hành chính, người thực thi pháp luật có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là những hành vi mà chưa thể rõ ràng được.
Người xử phạt phải dựa vào quan điểm phổ biến trong xã hội để xác định thế nào là xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, không phù hợp giới tính... Trong trường hợp còn băn khoăn, phải hỏi ý kiến các cơ quan có liên quan, thậm chí có thể trưng cầu ý kiến.
Nghị định 38 có nhiều điểm đáng chú ý
* Phạt tiền từ 25-30 triệu đồng đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính theo quy định của pháp luật, đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 6-12 tháng.
* Phạt tiền từ 45-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, cộng với hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động biểu diễn trong 12-24 tháng.
* Với những người đẹp thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 20-25 triệu đồng và nếu người này sử dụng danh hiệu của cuộc thi ở nước ngoài chưa được cơ quan trong nước chấp thuận để quảng bá cho mình thì còn bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận sẽ bị phạt từ 25-30 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
* Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận