06/08/2024 14:28 GMT+7

Tăng lương, ứng dụng công nghệ để hết 'khát' điều dưỡng

Thiếu điều dưỡng không chỉ là vấn đề của các bệnh viện ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đang tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề này.

Nhật Bản đang thiếu trầm trọng điều dưỡng - Ảnh: NIKKEI ASIA

Nhật Bản đang thiếu trầm trọng điều dưỡng - Ảnh: NIKKEI ASIA

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng nhưng tuyển dụng vẫn khó trăm bề. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được nhiều bạn đọc chỉ ra.

"Học phí cao, ra trường lương thấp, học cao đẳng, đại học mà vị trí làm việc không bằng ai. Áp lực công việc cao, trực đêm thường xuyên, không lo cho gia đình được, tự bỏ tiền ra để nâng cao trình độ mà lương không bù lại được", bạn đọc Tuấn Đỗ viết.

Một độc giả khác cũng chia sẻ: "Cái nghề chưa được coi trọng, từ trả lương đến thái độ ứng xử của đồng nghiệp bác sĩ và người nhà bệnh nhân".

Thực tế chuyện này không chỉ xảy ra tại Việt Nam.

Có đến 90% điều dưỡng ở Nhật là nữ và họ gặp khó khăn khi phải cân bằng cuộc sống gia đình, con cái với lịch trình làm việc khắt khe, thường bao gồm ca trực đêm.

Một khảo sát phát hành tháng 3 năm nay của Liên minh Công nhân tỉnh và thành phố toàn Nhật Bản đăng trên nhật báo The Mainichi cho thấy gần 80% điều dưỡng, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm lâm sàng và nhân viên văn thư làm việc tại các bệnh viện công từng nghĩ tới thôi việc.

Nhật Bản có thể thiếu 300.000 điều dưỡng vào năm 2025, theo số liệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong khi đó, Đức có thể thiếu 280.000 đến 690.000 điều dưỡng vào năm 2049, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức.

Và các nước này đã phải nỗ lực tìm nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu điều dưỡng.

Ứng dụng công nghệ giảm lượng công việc

Vấn đề có thể phần nào được giải quyết nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, theo Journal of Public Health and Emergency.

Khả năng phản hồi tức thời và cá nhân hóa của ChatGPT giúp ứng dụng này có thể hỗ trợ các công việc hành chính y tế và cung cấp công cụ giáo dục để đào tạo điều dưỡng.

ChatGPT có thể giảm thiểu rào cản ngôn ngữ ở các cơ sở y tế, giúp các điều dưỡng nước ngoài tương tác, hỗ trợ các bệnh nhân và đồng nghiệp nói tiếng Nhật.

Theo Sompo Holdings, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất của Nhật Bản và là nhà điều hành của khoảng 280 viện dưỡng lão khắp cả nước, các phương pháp phân tích dữ liệu mới đang giúp giảm khối lượng công việc và cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp.

Sompo đã hợp tác với Palantir, một doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ về phân tích dữ liệu lớn (Big Data), để phát triển phần mềm kết hợp AI và phân tích dữ liệu liên quan đến giấc ngủ, chế độ ăn uống, điều trị và hoạt động thể chất.

Sompo trang bị các cảm biến đo chuyển động cơ thể, nhịp thở và nhịp tim để đánh giá tình trạng giấc ngủ tại tất cả các giường bệnh ở một cơ sở tại Tokyo. Các cảm biến này cho phép điều dưỡng có thêm công cụ để dự đoán thời điểm người bệnh có thể cần hỗ trợ trong đêm.

Phân tích dữ liệu giúp điều dưỡng có thể dành 2-3 giờ mỗi ngày để giao tiếp với bệnh nhân, thay vì phải xử lý các thủ tục giấy tờ hoặc thực hiện các cuộc kiểm tra không cần thiết.

Sompo nói rằng bằng cách triển khai công nghệ này, khối lượng công việc có thể giảm 15% và chi phí giảm 60.000 USD/năm.

Ken Endo, giám đốc điều hành mảng kinh doanh chăm sóc điều dưỡng và người cao tuổi của Sompo, cho rằng việc sử dụng dữ liệu lớn có thể cải thiện chất lượng chăm sóc và cho phép điều dưỡng "tập trung vào những gì chỉ con người mới có thể làm được".

Việc cải thiện điều kiện nơi làm việc có thể tạo động lực cho nhân viên và nâng cao địa vị xã hội của điều dưỡng, ông nói với The Financial Times.

Tăng lương, ứng dụng công nghệ để hết 'khát' điều dưỡng- Ảnh 3.

Các điều dưỡng ở Đức - Ảnh: DEUTSCHLAND.DE

Tăng lương, trợ cấp đào tạo điều dưỡng

Liên minh Công nhân tỉnh và thành phố toàn Nhật Bản đề xuất cần phải đảm bảo số lượng nhân sự tương ứng với khối lượng công việc, bên cạnh việc tăng lương ở các cơ sở y tế công và cơ sở y tế do chính phủ điều hành.

Hội đồng xúc tiến cải cách quy định nói trên báo Nikkei Asia rằng Nhật Bản nên để các y tá tự mình xử lý nhiều công việc hơn, thay vì phụ thuộc vào bác sĩ.

Hội đồng này khuyến nghị chia sẻ nhiệm vụ của bác sĩ và điều dưỡng. Cơ quan chức năng nên có những hướng dẫn cụ thể về những việc điều dưỡng có thể tự làm mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ, chẳng hạn như quản lý thuốc.

Hội đồng cũng kêu gọi sử dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật số giúp tăng năng suất.

Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện để tuyển dụng điều dưỡng.

Chính phủ cũng tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc của điều dưỡng. Cụ thể là xem xét lại hệ thống ca trực, trong đó nhấn mạnh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, đảm bảo điều kiện làm việc bền vững cho điều dưỡng.

Ở Đức, chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt như tăng lương cho điều dưỡng, trợ cấp sinh viên ngành điều dưỡng.

Tháng 3 năm nay, Đức tăng lương cho nhân viên điều dưỡng làm việc tại các cơ sở y tế công.

Việc tăng lương được thực hiện theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, lương sẽ được tăng thêm 200 euro. Tiếp theo đó tăng thêm 5,5%.

Chính phủ Đức còn thông qua dự thảo Đạo luật tăng cường đào tạo điều dưỡng (Nursing Studies Strengthening Act), theo schengen.news.

Đạo luật này đưa ra một số cải cách nhằm tăng tính hấp dẫn của ngành điều dưỡng, bao gồm đơn giản hóa việc công nhận các bằng cấp nước ngoài và trợ cấp đào tạo cho sinh viên. Sinh viên điều dưỡng sẽ nhận một khoản trợ cấp trong thời gian đào tạo.

Làm sao hết "khát" điều dưỡng?Làm sao hết 'khát' điều dưỡng?

Nhiều bệnh viện đang rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng nhưng tuyển dụng lại khó trăm bề. Để giải quyết bài toán này, các bệnh viện đã chủ động đăng tuyển và ráo riết gửi yêu cầu đến các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên