Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ trì hội thảo - Ảnh: HÀ QUÂN
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng là 6% sau gần 2 năm "lỗi hẹn" với người lao động.
Tại sao phải tăng lương ngay từ 1-7-2022?
Theo ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng lương sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi giúp người lao động có thêm động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.
TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - chia sẻ tiền lương có mối quan hệ chặt chẽ với sự ổn định của thị trường lao động, sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, tiền lương của người lao động phải đi trước.
Theo ông Tiến, Viện Công nhân và công đoàn tính toán công nhân lao động trong doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Điều tra năm 2021 chỉ rõ 5% người lao động được hỏi cho biết bữa ăn có thịt cá chỉ khoảng 1-2 lần/tuần; 41% không đủ tiền mua thuốc cơ bản và không dám chữa bệnh vì không có tiền.
"Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ", ông Vũ Minh Tiến nêu.
Tháo 'nút thắt' 1-7-2022 và 1-1-2023
Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tháng 4-2022 trên 2.000 công nhân cho thấy, trên 50% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ đủ sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại…
Do đó, TS Phạm Thị Thu Lan - phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - mong muốn 8 hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho người lao động, vì gần 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Công đoàn Việt Nam ủng hộ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022; tăng lương sẽ thu hút lao động làm việc.
"Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng trung bình 0,4 - 0,5%, ngành dệt may từ 1 - 1,1%. Còn khảo sát của Trung tâm biên độ lao động chỉ rõ biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may, giày da tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là 5 - 6%", TS Lan nêu.
Giải thích câu hỏi tại sao các hiệp hội phản đối tăng lương từ 1-7-2022, TS Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động - giải thích các hiệp hội không phản đối tăng lương mà chỉ đề xuất lùi thời gian tăng sang 1-1-2023.
TS Đỗ Quỳnh Chi nêu ra các giải pháp để hài hòa lợi ích khi tăng lương - Ảnh: HÀ QUÂN
Nếu trả lương theo thời gian, thì doanh nghiệp "neo" mức lương thấp nhất cao hơn 3 - 5% so với lương tối thiểu. Khi tăng 6% cho bậc đầu tiên thì quỹ lương tăng cùng một tỉ lệ, do đó các công ty hàng chục nghìn công nhân gặp khó khăn.
"Có người làm 18 - 20 năm thì khi lương họ tăng rất cao khi lương tối thiểu vùng tăng, "nước lên thì thuyền lên", đương nhiên là công ty kêu trời", TS Đỗ Quỳnh Chi lý giải.
Nếu nhà máy trả lương theo sản phẩm thì mức lương cơ bản để đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn phí… nên tăng lương tối thiểu vùng sẽ không tăng quỹ lương ngay. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch để chuẩn bị cho tăng lương tối thiểu ngay từ 1-7-2022, do đó phần "nhô lên" từ 1-7 đến hết năm sẽ là bài toán khó nhằn.
TS Đỗ Quỳnh Chi kiến nghị các giải pháp như hiệp hội doanh nghiệp không nên chỉ tập trung kiến nghị Nhà nước lùi thời gian tăng lương mà cần đoàn kết và quay ngược thương lượng với EuroCham, AmCham; coi tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết, bất khả kháng vì quyền lợi của công nhân, để giữ chân nhân lực; doanh nghiệp chủ động đàm phán lại với nhãn hàng quốc tế để tăng giá đơn hàng, giảm thiệt hại...
Doanh nghiệp nói gì?
Ông Nguyễn Tràng Huy, đại diện Công ty may Việt Pacific, khẳng định việc tăng lương từ 1-7-2022 là hoàn toàn khả thi. Bởi trước đó, công ty này có hiện tượng công nhân rời bỏ công ty, nhiều lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…
Trong khi đó, đại diện Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội cho hay việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp do thu nhập của người lao động đã tăng gấp đôi, gấp ba so với lương tối thiểu vùng.
Theo tính toán, nếu tăng lương tối thiểu vùng 6% thì mức đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng tương ứng. Hiện doanh nghiệp này có 400 lao động, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 500 triệu đồng, nhưng là mức chi trả được.
"Cốt lõi vẫn là việc làm và doanh nghiệp xác định lao động là nguồn lực để tồn tại", vị này khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận