03/07/2024 00:01 GMT+7

Tăng lương tối thiểu có làm Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh?

Việc Việt Nam vừa tăng lương tối thiểu và nhiều nước Đông Nam Á cũng đang có kế hoạch tăng lương đặt ra lo ngại khu vực sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh sản xuất toàn cầu đang dịch chuyển.

Một xưởng may tại Hà Nội, Việt Nam - Ảnh: ATSUSHI TOMIYAMA

Một xưởng may tại Hà Nội, Việt Nam - Ảnh: ATSUSHI TOMIYAMA

Trong bối cảnh các trung tâm sản xuất lớn ở Đông Nam Á trong nửa cuối năm nay có kế hoạch tăng lương tối thiểu, báo Nikkei Asia nhận định điều này buộc các doanh nghiệp sẽ phải suy nghĩ lại về chiến lược, khi khu vực ngày càng thu hút đầu tư và đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tăng lương tối thiểu làm mất lợi thế cạnh tranh?

Báo Nikkei đưa tin Việt Nam từ ngày 1-7 tăng lương tối thiểu thêm 6% trên khắp cả nước. Người lao động tại hai thành phố là TP.HCM và TP Hà Nội sẽ có mức lương tối thiểu 4,96 triệu đồng (khoảng 193 USD)/tháng, tăng khoảng 80% so với một thập kỷ trước.

Theo Nikkei, việc tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng 6,9% trong quý 2-2024 so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, phản ánh qua sản xuất mạnh mẽ đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với các nước khác trong khu vực, với hầu hết ở mức trên 200 USD.

Nikkei nhận định việc liên tục tăng lương tối thiểu có thể sẽ đe dọa đến một trong nhiều lợi thế chính của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam có nhiều doanh nghiệp trong các ngành cần sử dụng nhiều lao động như may mặc hay lắp ráp.

"Lo ngại về chi phí lao động tăng, nhiều công ty đang xem xét mở rộng bên ngoài các khu đô thị lớn", ông Akira Miyamoto, tổng giám đốc của Công ty Sufex Trading, cho biết.

Sufex Trading là một công ty trung gian có trụ sở tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm mặt bằng tại các khu công nghiệp.

Cùng lúc đó, ông Miyamoto nhấn mạnh chi phí nhân công chưa phải là trường hợp tăng duy nhất.

"Giá đất tại các khu công nghiệp đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở khu vực xung quanh TP.HCM", ông Miyamoto thông tin.

Các nước trong khu vực cũng tăng lương

Theo Nikkei, Thái Lan cũng là một cường quốc sản xuất khác trong khu vực đang có kế hoạch tăng lương.

Bất chấp sự phản đối của ngành sản xuất, Thái Lan dự kiến tăng lương tối thiểu lên 400 baht (10,9 USD)/ngày, tăng 14% so với mức từ 300 - 350 baht/ngày hiện nay.

Mức tối thiểu mới này đồng nghĩa với việc người lao động Thái Lan sẽ kiếm được ít nhất khoảng 237 USD/tháng.

"Chính sách đẩy mức lương tối thiểu lên 400 baht mỗi ngày trên toàn quốc là không thực tế. Nó không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Thái Lan", Phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Poj Aramwattananont nói trong một thông cáo.

Ông Poj tin rằng mức lương tối thiểu mới sẽ khiến Thái Lan mất khả năng cạnh tranh công nghiệp.

Trong khi đó, Philippines hôm 1-7 cũng cho biết họ sẽ tăng mức lương tối thiểu ở khu vực Metro Manila lên 645 peso (11 USD) mỗi ngày, tăng 6% so với mức 610 peso hiện tại, và điều này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-7.

Như vậy, lao động Philippines sẽ kiếm được khoảng 241 USD/tháng cho mức tăng mới.

Tại Malaysia, mức lương tối thiểu trong năm nay khả năng cao sẽ không tăng. Hồi năm 2022, mức lương tối thiểu trên toàn quốc của Malaysia đã tăng lên 1.500 ringgit (318 USD) mỗi tháng.

Thủ tướng Thái Lan nói sẽ giảm giá điện, tăng lương tối thiểuThủ tướng Thái Lan nói sẽ giảm giá điện, tăng lương tối thiểu

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin khẳng định từ đây đến cuối năm, chính phủ sẽ đẩy mạnh chính sách giảm chi phí sinh hoạt, giảm dần giá điện, đồng thời tăng lương tối thiểu hằng ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên