04/09/2015 07:53 GMT+7

Tăng lương tối thiểu 12,4%, các bên chưa hài lòng

THANH HÀ  (thanhha@tuoitre.com.vn)
THANH HÀ ([email protected])

TT - Phiên họp cuối cùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia sáng 3-9 chốt được mức tăng 12,4% cho lương tối thiểu năm 2016.

Biểu đồ tăng lương tối thiểu từ năm 2013 - 2016 - Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Tấn Đạt
Biểu đồ tăng lương tối thiểu từ năm 2013 - 2016 - Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Tấn Đạt

Tuy phương án được thông qua nhưng cả hai bên đại diện cho người lao động và chủ sử dụng lao động đều tỏ ra chưa hài lòng.

Theo ý kiến của cả hai bên, dường như mức tăng lương này chưa đủ để giải quyết khó khăn cho người lao động nhưng lại gia tăng áp lực đáng kể lên các doanh nghiệp.

Thỏa thuận phút chót

Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đều mang đến phiên họp cuối cùng phương án đưa ra ở lần họp trước với khoảng cách đáng kể là 16,8% và 10%.

Cho đến phiên giải lao giữa giờ, quan điểm của cả hai bên đều tỏ ra khá kiên quyết khi ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch TLĐLĐ VN, tuyên bố chỉ chấp nhận tỉ lệ tăng lương tối thiểu năm 2016 thấp nhất cũng phải bằng mức tăng của năm 2015 (14,3%). Trong khi đó, phía VCCI chỉ chịu “nhích” lên 10,7%.

Phải thêm vài giờ thảo luận gay gắt dưới sự điều khiển của chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân, đến 12g30 hội đồng mới chốt được phương án tăng 12,4% so với năm 2015 với mức tăng cụ thể từ 250.000 - 400.000 đồng tùy theo từng vùng, thấp hơn so với đề xuất cuối cùng của TLĐLĐ VN là 50.000 đồng.

Tỉ lệ này được thống nhất và đưa ra bỏ phiếu, kết quả có 92% thành viên hội đồng ủng hộ. Theo ông Huân, đây là tỉ lệ tán thành cao nhất đối với phương án tăng lương tối thiểu của các thành viên hội đồng trong ba năm qua.

Phương án tăng lương tối thiểu sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ phê duyệt trước khi công bố chính thức vào tháng 10. Mức lương tối thiểu mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2016.

Ông Phạm Minh Huân tỏ ra rất hài lòng với thỏa thuận đạt được vào phút chót với sự đồng thuận của cả hai bên mà không cần dùng đến quyền quyết định của chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia như dự báo trước đó.

Theo ông Huân, tuy tỉ lệ thấp hơn mức 14,3% của năm 2015, nhưng xét về con số tuyệt đối, mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016 bằng với mức tăng của năm 2015.

Nếu quy định lương tối thiểu quá cao, sát với lương trung bình thì sẽ không còn cơ chế thương lượng, chủ và thợ chỉ còn thấy lương tối thiểu mà áp vào. Chúng ta sẽ xây dựng mức lương tối thiểu sao cho đạt 60% lương trung bình, tỉ lệ còn lại dành để thỏa thuận, thương lượng

Phạm Minh Huân

Ông Phạm Minh Huân (chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia)

Nhất trí nhưng chưa hài lòng

Ông Mai Đức Chính nói đây chỉ là một bước nhượng bộ tạm thời, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này. Còn TLĐLĐ VN vẫn kiên quyết với mục tiêu phải sớm đạt mức lương tối thiểu đủ đảm bảo mức sống tối thiểu.

Trong khi đó, đại diện cho VCCI, phó chủ tịch Hoàng Quang Phòng cho biết giới doanh nghiệp sẽ tiếp tục kiến nghị việc xem xét lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu sao cho hợp lý hơn, để không quá sức chịu đựng của phần lớn doanh nghiệp.

“Chúng tôi không thỏa mãn nhưng cũng chấp nhận kết quả này. Mức tăng này thật sự vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị xem xét lộ trình tăng lương tối thiểu trong những năm tới phải hợp lý hơn” - ông Phòng nói.

Chúng ta đang phấn đấu thực hiện mục tiêu của Luật lao động là đến năm 2017 lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu, do đó tỉ lệ tăng lương phải tính thêm một phần đủ bù khoảng cách nàyMai Đức Chính
Ông Mai Đức Chính ​(phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN)

 

Nỗi lo hậu tăng lương tối thiểu

Nỗi lo lắng lớn nhất của các doanh nghiệp là quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tính trên tổng thu nhập của người lao động sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2016. Đây chính là “gánh nặng” khiến các doanh nghiệp lo ngại trước việc tăng lương tối thiểu, vì đây là việc đồng nghĩa với phí đóng BHXH sẽ tăng ngay lập tức.

Ông Mai Đức Chính cũng nhìn nhận: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao gấp 1,5 lần lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu tăng lần này cơ bản không tác động đến vấn đề trả lương cho người lao động mà chủ yếu là ở chỗ doanh nghiệp sẽ tăng chi phí đóng BHXH cho người lao động. Trước đây đóng trên mức 3,1 triệu đồng thì bây giờ đóng trên mức 3,5 triệu đồng”.

Về phần mình, ông Hoàng Quang Phòng nói: “Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp để tiếp tục kiến nghị về việc có thể điều chỉnh mức đóng BHXH cũng như giảm nhẹ, giãn lộ trình thực hiện các chính sách liên quan về BHXH để giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp”.

Phải dãn lộ trình lương tối thiểu đủ đáp ứng mức sống tối thiểu vì phần lớn doanh nghiệp đang rất khó khăn. Phải để doanh nghiệp tồn tại được thì mới có điều kiện đảm bảo được quyền lợi, lo được cho cuộc sống người lao động

Hoàng Quang Phòng

Ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch VCCI)
THANH HÀ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên