Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bên liên quan để đề xuất Chính phủ ban hành nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, dự kiến áp dụng từ 1-7.
Tăng lương cho người nghỉ hưu trước 1995 thế nào?
Dự kiến lương cơ sở hiện tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 30%. Như vậy, việc tăng lương hưu nhằm giảm tác động của việc tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 15% so với hiện nay, áp dụng từ ngày 1-7.
Còn người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước 1-1-1995, sau khi tăng 15% mà mức hưởng vẫn thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì tiếp tục điều chỉnh.
Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng với người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống. Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng với người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng.
Dự kiến, khoảng 300.000 người thuộc nhóm này được điều chỉnh, kinh phí khoảng 285 tỉ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí cần thiết điều chỉnh các chính sách trong 6 tháng của năm 2024 từ ngân sách nhà nước trên 3.700 tỉ đồng và nguồn quỹ bảo hiểm xã hội trên 12.500 tỉ đồng.
Bộ tính toán nếu thực hiện từ 1-7, kinh phí từ ngân sách tăng thêm gần 3.500 tỉ đồng, số người thụ hưởng trên 1 triệu người. Nguồn quỹ bảo hiểm xã hội điều chỉnh tăng khoảng 12.500 tỉ đồng, số người thụ hưởng trên 2,3 triệu người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ việc tăng lương hưu vừa đảm bảo theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vừa giảm tác động của điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1-7 tới.
Chính sách góp phần thu hẹp chênh lệch lương hưu giữa người có mức lương hưu thấp và lương hưu cao, người hưởng lương hưu trước và sau thời điểm 1-1-1995. Bởi phần lớn người nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ mất sức lao động có thời gian làm việc ngắn, tiền lương khi đi làm thấp dẫn tới lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, một số nhóm dừng hưởng chế độ, được Nhà nước cho hưởng trợ cấp hằng tháng nên mức hưởng thấp so với mặt bằng chung.
Chuyên gia, bạn đọc đồng tình với đề xuất tăng lương
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - đánh giá mức tăng 15% trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đời sống người về hưu.
Theo ông Huân, những người đang nhận lương hưu thấp chủ yếu là nhóm nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995 trở về trước. Có nhiều nguyên nhân như mặt bằng lương thấp, chế độ nâng bậc lương không thường xuyên...
Việc điều chỉnh tăng lương cho đối tượng này sẽ thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa người đương chức với người về hưu.
Bạn đọc Trần Dương bày tỏ mức tăng 15% là hợp lý trong bối cảnh lương chưa tăng mà giá cả thị trường đã tăng.
Một bạn đọc khác của Tuổi Trẻ Online ủng hộ đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì đối tượng nghỉ hưu trước 1995 đa số không còn khả năng lao động, rủi ro ốm đau bệnh tật thất thường, nhất là người neo đơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận