Một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất như vậy khi thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vào ngày 23-11. Cũng tại buổi thảo luận, không ít nội dung của dự luật này vẫn chưa được nhiều ĐB ủng hộ.
Đề xuất lương hưu lên gần 80% tiền đóng BHXH
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho hay trong nhiều năm qua, dư luận luôn quan tâm đến những thay đổi trong chính sách BHXH. Nhất là những năm gần đây chính sách bảo hiểm có xu hướng hạn chế quyền chủ động của người lao động.
Chúng ta đang bận cân nhắc bài toán thu chi nhằm đảm bảo hoạt động lâu dài của quỹ BHXH. Các giải pháp đưa ra đều đang hướng đến việc kéo dài độ tuổi lao động, tăng thu, giảm chi nhưng lại giảm mức lương hưu của người lao động.
Từ năm 2018, tỉ lệ được hưởng lương hưu được điều chỉnh tối đa là 75%, nữ từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm. Quy định này đang kéo giảm mức lương hưu của người lao động, làm giảm động lực thu hút người lao động ở lại với hệ thống an sinh xã hội đã dày công xây dựng.
Do đó, bà Thúy đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu tăng mức lương hưu được hưởng hằng tháng để thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh. Cụ thể, cứ tăng thêm mỗi năm đóng bảo hiểm sẽ tăng thêm 2,3% mức hưởng và mức tối đa không quá 79,5%.
Cũng theo bà Thúy, tỉ lệ lương hưu tối đa của nước ta cao hơn so với các quốc gia khác nhưng do căn cứ mức lương đóng BHXH không cao, đa số chỉ đóng ở mức tối thiểu vùng dẫn đến việc hưởng lương hưu cũng rất thấp.
Do đó, để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực thu hút người lao động ở lại tham gia lâu dài với BHXH, bà Thúy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách an sinh như hưởng chính sách dưỡng lão, hỗ trợ 100% chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo dành cho nhóm lao động tham gia suốt quá trình đóng BHXH...
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cũng cho hay dự thảo luật sửa đổi quy định mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng được tính bằng 0,5 lần mức lương bình quân đóng BHXH. Trong khi đó, theo bà Bảo Trân, số người hưởng lương hưu với tỉ lệ 75% rất ít, chủ yếu là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm thiểu tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần, bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ lương hưu 75%, bằng hai lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng cho những năm đóng BHXH cao hơn, thay vì 0,5 lần như Luật BHXH 2014 và dự thảo sửa đổi đang quy định.
Cũng ủng hộ việc giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu chỉ đóng trong 15 năm, lương hưu trí rất thấp và đó là một bất cập xã hội đang gặp phải.
Vì vậy, ông Hòa đề nghị quy định sau khi người đóng đủ BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu tối thiểu từ 45% mức đóng BHXH chứ không phải 20% hay giảm xuống 15% như dự luật là không hợp lý.
Nghỉ hưu sớm, mỗi năm bị trừ 2% là quá cao!
Dự thảo luật cũng quy định người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2% tỉ lệ hưởng. Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), mức trừ này quá cao và bà đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng.
"Quy định này ở một góc độ nào đó tạo thiệt thòi cho người lao động. Bởi chiều ngược lại, mức trợ cấp một lần tính theo số năm đóng BHXH cao hơn mà BHXH phải trả cho người lao động là 0,5 lần mức bình quân đóng tiền lương cho mỗi năm cao hơn", đại biểu nêu.
Theo bà Kiều, độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.
Ngoài ra, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp, với lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%, tương đương hơn 2 triệu đồng.
Một điểm lưu ý, dự luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Theo đại biểu Kiều, đây là điều mà người lao động đang băn khoăn, lo ngại về khả năng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai. Vì vậy, bà đề nghị xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ trừ 1% tỉ lệ hưởng, thay vì 2% như hiện hành.
Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng BHXH cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định, ngoài các ngành nghề được nêu tại dự luật. Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cũng nhấn mạnh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định chỉ nên giảm 1% vì mức giảm 2% theo quy định trên là quá cao. Từ đó, bà đề nghị sửa quy định.
Trong khi đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, với những người đóng dư thời gian (trên 30 năm với nữ, 35 năm với nam), mỗi năm đóng thêm chỉ nhận được 0,5 tháng lương đóng BHXH là không hợp lý. Do đó, ông Hòa đề nghị nâng mức hưởng lên thêm 1% đối với mỗi năm đóng tăng thêm.
Người lao động có quyền rút BHXH một lần
Một vấn đề khác nhận được nhiều quan tâm, tranh luận của đại biểu là hai phương án rút BHXH một lần được Chính phủ trình. Đại biểu Phạm Thị Kiều cho hay dự thảo luật đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 chỉ cho những người tham gia BHXH trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực, đủ điều kiện được rút. Với những người tham gia sau thời gian luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) lại không được, như vậy chưa đầy đủ.
Với phương án 2 cho tất cả người lao động rút BHXH một lần nhưng chỉ được 50%. Tuy nhiên, theo bà Kiều, nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng thấp nên khi rút BHXH một lần, số tiền ít sẽ không giải quyết được khó khăn.
Do đó, cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH một lần nhưng vẫn đảm bảo để họ có thể ổn định đời sống sau khi ngừng việc. Chẳng hạn, nên có phương án sử dụng nguồn quỹ BHXH để thành lập quỹ cho vay với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần. Khi đó, người lao động chỉ được rút phần đã đóng, phần còn lại được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng cả hai phương án của Chính phủ đều chưa phù hợp. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.
Do đó, bà Cầm kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), nên cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng cần có phương án trung gian. Cụ thể, khi người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng.
"Chi phí đó người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH", ông Thịnh đề xuất và cho rằng nên có giải pháp trung gian như vậy, cùng với các chính sách khác sẽ hấp dẫn được người lao động bằng các lợi ích.
Đề xuất xử lý trốn đóng BHXH như trốn thuế
Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Nhiều nước quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý BHXH.
Hành vi trốn, chậm, nợ đọng BHXH được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ì, trốn, chậm đóng kéo dài. Do đó, bà Thúy cho rằng nếu áp dụng kinh nghiệm này của các nước, hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng nếu quy định như dự thảo, doanh nghiệp có thể lợi dụng để đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Đảm bảo người dân có lương hưu khi về già
Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc xây dựng các phương án rút BHXH một lần cần hướng đến hai mục tiêu. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là quyền được rút bảo hiểm. Thứ hai, phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.
Cũng theo ông Dung, rất khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, mà sẽ tiếp tục đề xuất hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. Qua thảo luận, lấy ý kiến của người lao động, Tổ chức Lao động quốc tế và ý kiến thảo luận tại Quốc hội, tinh thần là tiếp tục điều chỉnh quy định được thiết kế theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng trước hay sau, sau khi luật có hiệu lực. Trong đó phương án 2 trong dự thảo luật là phương án tối ưu.
Cụ thể, cho phép người lao động được rút BHXH một lần nhưng không được quá 50% tổng thời gian đóng. Đây là quy định về thời gian đóng chứ không phải mức đóng. 50% còn lại được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH. Khi người lao động quay trở lại tham gia được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia, khi đến tuổi nghỉ hưu người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận