04/10/2023 08:23 GMT+7

Tăng kiểm soát túi ni lông

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết từ năm 2006 TP.HCM đã thành lập Quỹ tái chế, nay gọi là Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động thu gom, tái chế chất thải.

Nhiều người dân tại TP.HCM vẫn thường dùng túi ni lông đựng thực phẩm khi đi chợ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người dân tại TP.HCM vẫn thường dùng túi ni lông đựng thực phẩm khi đi chợ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc nộp thuế của các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy nhằm hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm này.

Theo sở, trong khoảng 9.000 tấn rác phát sinh hằng ngày, có đến 1.800 tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ có 200 tấn được thu hồi tái chế. Trong đó các chợ truyền thống chiếm đến 60% rác thải nhựa khó phân hủy trên địa bàn.

Chưa hạn chế được túi ni lông, vì sao?

Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương - cho biết cơ quan này đặt mục tiêu sử dụng túi thân thiện đạt 50% năm 2022 và 65% năm 2023 tại các chợ. Nhưng tới nay chỉ đạt hơn 17%.

"Sở sẽ cùng ngồi lại với các đơn vị để đánh giá vì sao các giải pháp đưa ra chưa thành công, từ đó chọn giải pháp tốt để thí điểm, nhân rộng", ông Phương nói.

Theo ông Lê Quang Thiện - trưởng ban quản lý chợ Tân Định (quận 1), tỉ lệ tiểu thương sử dụng túi ni lông khó phân hủy còn nhiều vì giá thành rẻ, dễ tiếp cận. Dù thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg nhưng giá bán sản phẩm này chỉ có 25.000 - 30.000 đồng/kg.

"Với giá thành của các loại túi thân thiện môi trường lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg, các nhà sản xuất những sản phẩm này không thể cạnh tranh được", ông Thiện nói.

Giải thích lý do giá bán sản phẩm túi ni lông lại thấp hơn mức thuế, ông Giang Văn Hiển - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết theo quy định tại nghị định 69 năm 2012, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự sản xuất hoặc mua bao bì để đóng gói sản phẩm do mình sản xuất, gia công sẽ không phải chịu thuế. Nhiều tiểu thương "lách" thuế bằng cách thuê doanh nghiệp nào đó sản xuất bao bì nhựa gia công.

Việc khoán thuế cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến chủ trương đánh thuế cao nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông bị vô hiệu hóa. Do đó theo ông Hiển, cơ quan này sẽ chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chức năng kiểm soát kỹ việc kê khai thuế đối với túi ni lông khó phân hủy, phối hợp đề xuất giải pháp nhằm chống thất thu ngân sách.

Phải tái chế theo tỉ lệ hoặc nộp tiền

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết từ năm 2006 TP đã thành lập Quỹ tái chế, nay gọi là Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động thu gom, tái chế chất thải. Từ năm 2013, các mô hình thí điểm giảm sử dụng túi ni lông được triển khai tại một số quận.

Năm 2014, TP đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm sử dụng 85% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy.

TP.HCM cũng rất quan tâm đến vấn đề kinh tế tuần hoàn, triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân TP về tác động tiêu cực của chất thải. Tuy nhiên, chi phí cho tái chế khá cao, không hiệu quả kinh tế nên không thu hút được đầu tư...

Do vậy Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa. Theo đó, các tổ chức cũng như cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì theo tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc. Doanh nghiệp có thể tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

"Đây là công cụ hết sức quan trọng trong khung pháp lý đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành", bà Mỹ nói và cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc nộp thuế của các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Hướng tới du lịch xanh, sạch, an toàn

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thông tin từ năm 2022, 100% khách sạn 4-5 sao trên địa bàn đều đã có sự chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Những năm qua các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng được khuyến khích chuyển đổi dần sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn du lịch ASEAN.

Thuế mỗi ký 50.000 đồng, sao túi ni lông bán tràn lan giá thấp?Thuế mỗi ký 50.000 đồng, sao túi ni lông bán tràn lan giá thấp?

Chương trình “Dân hỏi chính quyền trả lời” chủ đề Công tác bảo vệ môi trường, vấn đề rác thải nhựa do HĐND TP.HCM tổ chức sáng 1-10 đã đặt ra nhiều câu hỏi rất hay về quản lý rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên