26/06/2019 10:57 GMT+7

Tăng huyết áp ở trẻ em

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Khi nói đến bệnh tăng huyết áp chúng ta thường tập trung vào người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp ở trẻ em - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: lifepressmagazin.com

Khi nói đến bệnh tăng huyết áp chúng ta thường tập trung vào người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp.

Ước tính có khoảng 3,5% trẻ em ở Mỹ bị tăng huyết áp, nhưng tỉ lệ thực tế có thể cao hơn, bởi vì có nhiều trường hợp không được phát hiện.

Chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em

Năm 2017, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn cập nhật cho các bác sĩ nhi khoa trong việc chẩn đoán bệnh tăng huyết áp ở trẻ em. Không giống như đo huyết áp ở người lớn, không có một định nghĩa cụ thể nào về mức huyết áp bình thường ở trẻ em dựa trên việc chỉ đọc huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương.

Thay vào đó, những chỉ số huyết áp được coi là bình thường phụ thuộc vào tuổi, giới tính và chiều cao của trẻ.

Hướng dẫn mới cung cấp một bảng số liệu huyết áp bình thường dựa trên giới tính và tuổi của trẻ.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả trẻ em nên đo huyết áp hàng năm kể từ khi được 3 tuổi. Nếu bác sĩ xác định huyết áp của trẻ là cao, bạn sẽ cần đưa trẻ quay lại để kiểm tra một vài lần nữa. Bác sĩ nhi khoa cũng có thể yêu cầu con bạn đeo một thiết bị di động được gọi là máy đo huyết áp 24 giờ. Nếu kết quả huyết áp vẫn cao như vậy, trẻ sẽ được chẩn đoán là tăng huyết áp ở trẻ em.

Bác sĩ nhi khoa cũng sẽ cần đầy đủ thông tin về tiền sử sức khỏe của trẻ bao gồm chế độ ăn, mức độ hoạt động thể chất, các hoạt động ở nhà, ở trường và những tác nhân có thể gây căng thẳng cho trẻ.

Các kiểm tra bổ sung như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm thận có thể cần thiết để giúp xác định nguyên nhân của tăng huyết áp ở những bệnh nhi.

Các triệu chứng của tăng huyết áp ở trẻ em

Tăng huyết áp ở trẻ, cũng giống như ở người lớn, thường không có bất kỳ triệu chứng gì. Do đó, việc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ rất quan trọng để được theo dõi huyết áp ít nhất một năm một lần kể từ khi trẻ được 3 tuổi.

Thỉnh thoảng, trẻ em bị tăng huyết áp nghiêm trọng có thể có các triệu chứng như đau đầu, giảm thị lực, nhìn đôi, đau ngực, đau bụng và các vấn đề về hô hấp.

Nguyên nhân của tăng huyết áp ở trẻ em

Tăng huyết áp ở trẻ em có thể phát sinh từ một số yếu tố nguy cơ hoặc một đứa trẻ có thể bị tăng huyết áp thứ phát, kết quả của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, như bệnh thận, dị tật tim hoặc rối loạn giấc ngủ.

Tăng huyết áp nguyên phát xảy ra độc lập, không liên quan đến các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào. Đây là loại huyết áp cao phổ biến hơn ở những trẻ lớn, thường ở độ tuổi lớn hơn 6. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp nguyên phát bao gồm tăng huyết áp bẩm sinh do di truyền hoặc do tiền sử gia đình, bị thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2 và tăng cholesterol hoặc triglyceride.

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trong số các trẻ 7 tuổi, có khoảng hơn 50% số ca tăng huyết áp trẻ em có nguyên nhân là béo phì. Con số này tăng lên 85-95% ở tuổi vị thành niên. Hình thành các thói quen sức khỏe tích cực, bao gồm một chế độ ăn lành mạnh ít natri và nhiều trái cây, rau củ; tăng cường các hoạt động thể lực, là cần thiết trong những năm đầu của cuộc đời để ngăn ngừa tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác.

Khi nào tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở trẻ em?

Trẻ em và trẻ vị thành niên bị tăng huyết áp có thể vẫn tiếp tục bị tăng huyết áp khi trưởng thành trừ khi được điều trị.

Các biến chứng tim mạch liên quan đến tăng huyết áp trẻ em bao gồm phì đại tim, có thể tiến triển thành suy tim. Nếu tăng huyết áp vẫn còn dai dẳng ở tuổi trưởng thành, trẻ em có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, cơn đau tim, suy tim và bệnh thận.

Điều trị cho trẻ em và trẻ vị thành niên

Điều đầu tiên cần làm để điều trị tăng huyết áp cho trẻ em là thay đổi lối sống.

Nếu béo phì là nguyên nhân, bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn bắt đầu xây dựng một kế hoạch giảm cân cho trẻ. Hạn chế muối trong chế độ ăn của trẻ sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch. Điều này có thể thực hiện được bằng cách hạn chế sử dụng muối ăn và thận trọng khi mua các thực phẩm đóng gói. Nhiều thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn chứa một lượng muối dư thừa lớn, vì vậy hãy đọc bảng giá trị dinh dưỡng một cách cẩn thận trước khi mua. Tập thể dục cũng quan trọng để làm giảm huyết áp của trẻ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên cho trẻ hoạt động thể chất 60 phút một ngày.

Nếu việc thay đổi lối sống là không đủ, bác sĩ nhi khoa có thể khuyến cáo các thuốc hạ huyết áp. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bác sĩ nhi khoa chỉ cho trẻ sử dụng thuốc hạ huyết áp khi mà việc thay đổi lối sống không có hiệu quả hoặc nếu trẻ có một tình trạng sức khỏe khác, ví dụ như tiểu đường hoặc bệnh thận.

Hãy thực hiện theo hướng dẫn của các bác sĩ một cách cẩn thận và con bạn cần tiếp tục được theo dõi để đảm bảo chắc chắn rằng huyết áp đang được kiểm soát tốt.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên