Tại hội thảo "Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương", do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tổ chức vào ngày 19-12, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã cùng chia sẻ những góc nhìn định hình mới cho TP Đà Lạt.
Đà Lạt học được gì từ Singapore, Thái Lan và Malaysia?
Ông Hà Năng Việt - phó tổng giám đốc thương mại Công ty CP Hàng không Vietjet - cho biết ngay từ những ngày đầu mới khai thác, hãng đã xem Đà Lạt là điểm đến du lịch hấp dẫn của VN. Hãng đang khai thác nhiều đường bay đến Đà Lạt. Trong đó có 6 đường bay thường, duy trì khoảng 120 chuyến bay đi đến mỗi tuần, cung cấp tương ứng 1.300 ghế từ các nơi đến với Đà Lạt.
"Sự sôi động của ngành du lịch sự kiện thông qua các lễ hội, buổi hòa nhạc sẽ đưa Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế hơn nữa. Trong kế hoạch tương lai, chúng tôi luôn đặt Đà Lạt là trọng tâm để cùng phát triển du lịch ra quốc tế", ông Hà Năng Việt chia sẻ.
Có ba ngày trải nghiệm Đà Lạt, TS Jackie Ong - giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam - cho biết cảm thấy bất ngờ với những tiềm năng mà Đà Lạt đang sở hữu, đặc biệt là các giá trị văn hóa và tài nguyên trong bối cảnh ngành văn hóa càng lúc càng có vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo TS Ong, các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia đã có nhiều mô hình hiệu quả về phát triển ngành văn hóa rất hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Singapore - quốc đảo khá nhỏ, diện tích đất hạn chế - đã chọn cách tiếp cận là ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo kết hợp với giá trị truyền thống văn hóa, tích hợp nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, văn hóa, truyền thông, giải trí, dùng công nghệ và chuyển đổi số để tạo ra giá trị nghệ thuật số.
Chính phủ Singapore cũng mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, tích hợp thiết kế đô thị có tính bền vững và bảo tồn văn hóa với nhiều hoạt động tại khu phố người Hoa, tổ chức Liên hoan phim quốc tế Singapore, các chương trình âm nhạc… Thái Lan lại thành công trong việc bảo tồn di sản văn hóa đồng thời kết hợp du lịch hiện đại để phát triển kinh tế.
Với lợi thế sở hữu rừng nhiệt đới, đảo và núi non, Malaysia đẩy mạnh các hoạt động gắn với thiên nhiên như Lễ hội âm nhạc rừng nhiệt đới. "Ba quốc gia, ba chiến lược khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu chung: phát triển bền vững và quảng bá bản sắc văn hóa và họ tạo được nguồn thu, thu hút du khách từ các giá trị bản địa", TS Ong đúc kết.
Hợp tác công - tư để phát triển du lịch
Đem đến hội thảo câu chuyện của địa phương, bà Apinya Iamampha, phó thống đốc thành phố Suphanburi (Thái Lan) - địa phương nằm trong Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO - cũng đang triển khai kế hoạch phát triển 20 năm nhằm đưa du lịch kết hợp với văn hóa trở thành trụ cột kinh tế. Quá trình này được thực hiện bởi sự hợp tác công tư, cùng với sự tham gia của chính quyền và các bên liên quan sẽ là yếu tố then chốt để tạo ra các giá trị bền vững.
"Một khi trao quyền cho tư nhân làm, các lễ hội quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và đặc biệt nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ người dân, du khách", bà Apinya Iamampha chia sẻ. Theo TS Minh Nhật, Đà Lạt nổi bật nhất với nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc... sẽ là những điểm nhấn của di sản văn hóa và cần tập trung vào các giá trị này để tránh bị dàn trải.
Bà Nguyễn Thùy Vinh, trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và truyền thông DatVietVAC, cho biết mô hình hợp tác công - tư trong việc tổ chức các sự kiện âm nhạc cũng sẽ giúp thành phố tối ưu được nguồn lực và tăng nguồn thu. "Thay vì tự đứng ra tổ chức vận hành, TP Đà Lạt có thể phối hợp với những đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú mang đến những combo trải nghiệm cho du khách và quảng bá trên các nền tảng số", bà Vinh đề xuất.
Ông Đặng Quang Tú, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết sau khi được vào Mạng lưới thành phố sáng tạo, Đà Lạt đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để thực hiện các cam kết thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO theo lộ trình đến năm 2027 góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa địa phương. "Chúng tôi xem đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của người dân, của TP Đà Lạt, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ và những người yêu âm nhạc", ông Tú nói.
Ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng sau hội thảo này, Đà Lạt cần đặt ra những yêu cầu cao hơn cho kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa cũng như du lịch xanh. "Chỉ có cách tăng cường hợp tác công - tư, huy động sự tham gia của các bên liên quan thì chúng ta mới quản lý và khai thác hiệu quả các tiềm năng của Đà Lạt, không chỉ trong tổ chức các sự kiện mà còn bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa", ông Phạm S nói.
* Ông ĐẶng Đức Hiệp (bí thư Thành ủy Đà Lạt):
Đà Lạt "sang, xịn" với công nghiệp văn hóa
Đà Lạt không chỉ kỳ vọng du khách đến Đà Lạt đông hơn, vượt con số 10 triệu khách/năm, mà còn kỳ vọng du khách sẽ vui vẻ hơn để chi tiêu nhiều hơn. Đông hơn và chi tiêu nhiều hơn nhưng không tăng phát thải là một thách thức với Đà Lạt.
Trong nhiều tính toán của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt, chỉ có công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cùng du lịch xanh mới có thể thay đổi cốt lõi du lịch Đà Lạt. Đà Lạt, nói theo một cách dân dã, là sẽ "sang hơn, xịn hơn" nhờ phát triển công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo.
* Nhạc sĩ Quốc Trung (người sáng lập và điều hành Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa):
Đầu tư nhân sự để chuẩn bị cho công nghiệp văn hóa
Các show diễn, đêm nhạc của Đà Lạt cần dựa trên những nét đặc trưng và những lễ hội ấy mang tinh thần của địa phương, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra cảm hứng cho cộng đồng, để người dân cảm thấy lễ hội là một phần của họ, qua đó đóng góp vào sự thành công chung, đặc biệt là cảm xúc.
Nhưng lễ hội không nhất thiết chỉ có thể làm ở sân vận động hay quảng trường. Trên thế giới có nhiều thành phố, thị trấn nhỏ cũng diễn ra các sự kiện lễ hội âm nhạc, như tại Thụy Sĩ hay Canada. Khi làm về công nghiệp văn hóa, phải hiểu đây là lĩnh vực sáng tạo, nên điều quan trọng là phải tạo ra đội ngũ sáng tạo.
Với lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt cần có đầu tư, chiến lược và thời gian mới phát triển thành nền công nghiệp mũi nhọn. Quốc gia trong khu vực làm điều này rất thành công là Singapore. Chính phủ nước này tổ chức rất nhiều tour diễn kéo dài hàng tuần và mời nhiều ca sĩ nổi tiếng đến biểu diễn để phát triển du lịch.
Trường hợp show diễn của công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift, Singapore đã trả riêng cho ca sĩ này 18 triệu USD chỉ để cô diễn tại đảo quốc sư tử, nhưng thu lại hàng trăm triệu USD từ du khách.
* Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Đăng Di:
Những sự kiện phim ảnh mang dấu ấn, đặc trưng của TP Đà Lạt
Thành phố Busan (Hàn Quốc) bên cạnh một liên hoan phim quốc tế danh giá còn có một liên hoan phim giả tưởng, kinh dị là Liên hoan phim Bucheon dựa trên những cá tính của thành phố này. Vì thế, nếu Đà Lạt muốn làm một liên hoan phim cũng cần phải tận dụng được những đặc trưng độc đáo của mình.
Đà Lạt là thành phố đầy ma mị và quyến rũ, cũng là thành phố của tình yêu và lãng mạn. Trên thế giới, nhiều thành phố đã biết tận dụng các tính chất đặc trưng để tổ chức liên hoan phim riêng, mang dấu ấn khó quên. Một liên hoan phim ở Đà Lạt về dòng phim cảm giác mạnh, tại sao không? Thử hình dung: Trong không khí se lạnh, cùng xem một bộ phim ma hoặc kinh dị, sau đó cùng nhau đi ăn đêm, thưởng thức ẩm thực bản địa. Đó là một trải nghiệm khó quên với bất kỳ du khách nào. Đà Lạt có đủ yếu tố hội tụ để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim và du khách quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận