Nhà vượt lũ của người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Tại cuộc hội thảo khoa học về nhà ở an toàn cho vùng bão, lũ do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức hôm qua 11-12, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần tăng mức hỗ trợ để người nghèo có thể tiếp nhận hỗ trợ nhà ở.
Đã có hơn 19.300 hộ dân được hỗ trợ xây nhà chống lũ
Những năm qua, quyết định 48 năm 2014 của Thủ tướng đặt mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Theo đó, 13 tỉnh thành duyên hải miền Trung thuộc diện tham gia thực hiện chương trình, trải dài từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận. Điều kiện được hỗ trợ là hộ dân chưa có nhà ở kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà.
Tổng số hộ dân được hỗ trợ tại 13 địa phương hơn 21.600 hộ, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân làm nhà ở 1-16 triệu đồng/hộ tùy khu vực. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 15 triệu đồng/hộ với lãi với suất ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay 10 năm, thời gian ân hạn 5 năm.
Cũng theo quyết định 48, nhà ở phòng tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng tránh bão, lụt phải đảm bảo có sàn vượt lũ cao hơn 1,5m so với mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích sàn sử dụng tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố. Nhà trong vùng ngập lụt, đồng thời bị ảnh hưởng của bão thì mái làm bằng bêtông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng tránh bão.
Tính đến hết tháng 10-2020, các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.350 hộ trong tổng số 21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt 89,6%. Có 6/13 địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người dân vùng lũ theo quyết định 48 gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và TP Đà Nẵng.
7 tỉnh còn lại gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đều có tỉ lệ hoàn thành đạt trên 75%.
Người dân xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) tránh lũ nhiều ngày trên căn nhà an toàn cộng đồng trong cơn lũ lịch sử vào tháng 10 vừa qua - Ảnh: NGỌC HIỂN
Khó tìm ngôi nhà chống lũ hoàn hảo
Tại hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tại miền Trung đang có 4 loại nhà ở chống chọi với lũ: nhà chòi tránh lũ, nhà phao nổi, nhà sàn chống lũ, nhà có gác xép lửng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định không có mô hình nhà nào hoàn hảo chống chọi với bão lũ.
Theo ông, có 2 loại nhà chống chọi với bão, lũ phổ biến hiện nay là nhà nổi và nhà ở cố định có gia cố thêm gian chống lũ.
Theo Thứ trưởng Hiệp, trong hàng chục mô hình nhà ở an toàn cho người dân ở vùng bão, lũ hiện nay, ở góc độ quản lý nhà nước, cần phải xây dựng được chính sách mới thay thế các chính sách đã cũ và không còn phù hợp. Vấn đề đặt ra với nhà chống lũ phải đảm bảo xây lại tốt hơn, an toàn hơn nhưng phải rẻ hơn để phù hợp với đa số người dân.
Ông Hiệp dẫn chứng trong quyết định 48 năm 2014 của Thủ tướng về hỗ trợ nhà ở chống lũ cho dân, mức đỉnh lũ được hỗ trợ là 3,6m nhưng thực tế đỉnh lũ ở miền Trung vừa qua đã vượt xa đỉnh lũ 3,6m, có nơi lên đến 8m. Như vậy, loại nhà nổi sẽ hợp lý hơn nhà kiên cố.
"Vấn đề đặt ra cho nhà nổi là có chỗ ở chuẩn chứ không phải ghép mấy cái thùng phuy vào, nhìn rất tạm bợ. Tạm bợ đến mức người dân chỉ dùng để làm kho. Với nhà nổi chống bão, lũ còn là vấn đề an toàn. Nếu làm nhà to, diện tích trên 40m2 thì không an toàn, nhưng nếu làm nhỏ 5-7 năm mới phải dùng đến cũng lãng phí" - ông Hiệp nêu ý kiến.
Ông Lương Văn Hùng - thành viên đồng sáng lập Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững (Sống Foudation) - cho rằng không thể đưa ra một mẫu nhà chống lũ chung cho miền Trung. Mỗi vùng có đặc điểm lũ, bão khác nhau, giá thành xây dựng thực tế khác nhau, thói quen và đặc điểm sinh hoạt của người dân cũng khác nhau.
Số liệu của Bộ NN&PTNT ghi nhận ở miền Trung có hơn 230.000 ngôi nhà không an toàn trước bão và gần 160.000 ngôi nhà không an toàn trước lũ. Mức hỗ trợ người nghèo làm nhà tránh lũ, tránh bão theo quyết định 48 quá thấp so với đơn giá xây dựng hiện nay khiến nhiều người dân vùng lũ không đủ điều kiện làm nhà an toàn.
Mở rộng đối tượng cho vay xây nhà tránh lũ
Ông Hà Quang Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết để có cơ sở nhân rộng mô hình nhà ở phòng tránh bão lũ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo bảo đảm an toàn về nhà ở, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã kiến nghị cho phép nghiên cứu, sửa đổi quyết định 48 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2015 - 2020.
Đồng thời, mở rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 28 tỉnh ven biển, tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương lên mức 40 triệu đồng/hộ, nâng mức cho vay ưu đãi lên tối đa 25 triệu đồng/hộ. Đồng bộ chương trình hỗ trợ nhà ở chống lũ với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ nhà ở khác.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng phải nâng cao điều kiện tối thiểu về chất lượng nhà ở thông qua việc ban hành nâng chuẩn thiết kế diện tích sàn tránh bão, lụt tối thiểu lên 12-15m2. Bổ sung mô hình nhà tránh bão, tránh lũ cộng đồng hoặc cải tạo, nâng tầng trụ sở cơ quan hành chính, trường học, nhà văn hóa hiện có để sử dụng làm nhà tránh bão lũ cho người dân trong mùa mưa bão. Mỗi xã có 1 công trình tránh bão lũ cộng đồng, thực hiện bằng vốn đầu tư công.
Sử dụng hiệu quả bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Xuân Hòa - phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản VN - cho biết từ năm 2012-2018, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi VN".
Kết quả là đã lập được bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 kèm báo cáo thuyết minh cho 22 tỉnh, thành có núi đồi, chủ yếu từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc. Từ bản đồ hiện trạng, đề án đã cụ thể hóa được 15 bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 cho 15 tỉnh, thành miền núi từ Nghệ An trở ra.
Ông Hòa cho rằng hai loại bản đồ có giá trị sử dụng khác nhau, trong đó bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 giúp địa phương hình dung một cách tổng quan về tình hình trượt lở đất đá tại địa phương để đề ra hướng giải quyết.
Còn bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Đề nghị các địa phương hiện thực hóa việc sử dụng hiệu quả của hai bản đồ này để chủ động di dân sớm.
XUÂN LONG ghi
Cần khoảng 28.060 tỉ đồng
Ông Hà Quang Hưng cho biết theo tính toán của Bộ Xây dựng thì nhu cầu vốn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình khoảng 28.060 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ theo quyết định 48 khoảng 13.990 tỉ đồng, bao gồm 10.660 tỉ đồng vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và cận nghèo xây dựng nhà ở, khoảng 3.330 tỉ đồng (50% vốn) ngân sách trung ương cấp thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi, 50% còn lại ngân hàng tự huy động.
Vốn xây dựng nhà tránh bão, lũ cộng đồng khoảng 14.070 tỉ đồng. Dự kiến sẽ xây dựng 1 nhà cộng đồng/xã, tính sơ bộ 28 tỉnh thành ven biển có khoảng 2.100 xã. Mỗi nhà cộng đồng có 2 tầng, diện tích khoảng 500m2/tầng, bảo đảm cho khoảng 200 người, vốn đầu tư khoảng 6,7 tỉ đồng/nhà.
Nhà phao nhiều năm qua phát huy hiệu quả cao khi lũ ở vùng núi xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - Ảnh: QUỐC NAM
Cần nhà tránh lũ kiểu "3 trong 1"
Sau nhiều mùa bão lũ, Quảng Bình đã triển khai các mô hình nhà tránh lũ ở một số vùng thường xuyên xảy ra bão lũ và đã phần nào chứng minh được hiệu quả.
Tuy vậy những ngôi nhà tránh lũ này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu được an toàn của người dân.
Nhà phao cho vùng nước ngập
Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, mô hình nhà tránh lũ ra đời từ 10 năm qua và trong từng ấy thời gian, gần như mùa mưa lũ nào xã này cũng có trên 500 nhà bị ngập tận nóc nhưng gần như chưa có tai nạn nào về người hay mất tài sản do lũ. "Những thống kê này đã tự nói lên được tính hiệu quả của mô hình nhà tránh lũ", lãnh đạo xã này nói.
Mô hình nhà tránh lũ của Tân Hóa đang áp dụng là kiểu nhà phao với kết cấu khá đơn giản với bộ khung gồm hệ thống thùng phuy nhựa gắn dưới sàn nhà và hai cột thép kiên cố ở hai bên. Hệ thống thùng phuy sẽ giúp nhà nổi lên khi nước lên, còn hai cột thép kiên cố hai bên sẽ cố định khung nhà để chỉ cho phép nhà trồi lên - hạ xuống chứ không bị nước cuốn trôi.
"Hiện gần như nhà nào ở vị trí thường xuyên ngập lũ của xã cũng đã làm nhà phao tránh lũ. Mỗi nhà trị giá khoảng 30-50 triệu đồng. Cứ nước lũ về là cả gia đình chuyển từ nhà trệt qua nhà phao và sống như bình thường trên lũ", lãnh đạo xã này nói tiếp.
Vùng nước chảy xiết, sóng to phải nghĩ cách khác
Bà Dương Thị Trình (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong số ít hộ của xã này được chọn hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng để xây nhà chống lũ theo nghị định 48 của Chính phủ. Bà Trình vay thêm nơi khác một ít để xây một ngôi nhà tránh lũ dù nhỏ nhưng kiên cố với 2 tầng.
Trận lũ vừa qua, khi 90% thôn bị ngập, ngôi nhà tránh lũ này chính là nơi trú ngụ của gia đình bà suốt mấy ngày nước dâng. Bà còn cho mấy hộ quanh xóm qua trú nhờ cho đến khi nước xuống.
Ông Đặng Đại Tình - chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - nói phương án tối ưu cho những vùng thấp trũng thường lũ lớn như Lệ Thủy không thể là nhà phao như cách đang áp dụng và phát huy hiệu quả ở vùng Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Đặc tính lũ ở vùng Lệ Thủy là chảy xiết, sóng to. Hơn nữa, vùng Lệ Thủy nhiều năm mới lũ lớn một lần trong khi diện tích đất đai từng hộ ở đây nhỏ hẹp, nhà cửa san sát không có đất làm nhà phao, cũng không thể bố trí chỗ cất giữ để tránh hư hỏng khi không sử dụng.
Ông Tình cũng nói hiện toàn huyện có hơn 1.500 nhà vượt lũ theo quyết định 48 của Chính phủ và chương trình GCF. Số nhà này cũng đã đem lại hiệu quả lớn cho người dân trong đợt lũ vừa qua khi trở thành nơi tránh lũ cho không chỉ gia đình mà còn cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên, ông Tình cho rằng những mô hình nhà tránh lũ này vẫn còn hạn chế là chỉ phục vụ được cho một số ít người. Ông Tình cho rằng phải xây dựng những ngôi nhà tránh lũ cộng đồng có sức chứa lớn và đặt ở các khu dân cư trọng yếu để đảm bảo tính kịp thời. Nước lên là người dân chủ động chạy qua nhà tránh lũ ngay.
Để hạn chế lãng phí cho mô hình nhà tránh lũ cộng đồng loại lớn này khi không có lũ, ông Tình cho rằng phải xây dựng theo mô hình "3 trong 1" và phải kết hợp luôn với chủ trương mới đây nhất của Bộ Quốc phòng yêu cầu mỗi địa phương có lực lượng dân quân tự vệ thì phải xây dựng trụ sở hoạt động.
"Đó sẽ là ngôi nhà vượt lũ có sức chứa khoảng 300 người, vừa kết hợp làm nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa là trụ sở của lực lượng dân quân địa phương khi không có lũ" - ông Tình nói.
Thấm thía giá trị nhà chống lũ
Ông Dương Công Nhân - chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy - nói phải ở trên đỉnh lũ ở Lộc Thủy thời điểm nước dâng vùn vụt như tối 18-10 vừa qua mới thấm thía hết giá trị của một ngôi nhà tránh lũ. Hiện xã có một ngôi nhà tránh lũ cộng đồng ở thôn An Xá - nơi tránh lũ an toàn cho khoảng 30 - 40 người trong buổi tối lũ dâng.
Ngoài ra còn có khoảng 40 ngôi nhà tránh lũ khác của các gia đình tự xây theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ từ năm 2014 và chương trình xây nhà tránh lũ GCF.
"Chừng đó mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tránh lũ an toàn của một xã có trên dưới 5.000 dân. Số còn lại vẫn phải chơi vơi trên nóc nhà hoặc di tản một phần qua trụ sở ủy ban, trường học" - ông Nhân bày tỏ.
QUỐC NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận