01/06/2019 11:00 GMT+7

Tăng giờ làm thêm: Cần nhìn ở góc độ chất lượng cuộc sống

VŨ TRUNG KIÊN
VŨ TRUNG KIÊN

TTO - Quốc hội đang bàn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động. Tăng giờ làm thêm (từ 200-300 giờ hiện nay lên 400 giờ/năm) đã hợp lý chưa là một trong những nội dung đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Tăng giờ làm thêm: Cần nhìn ở góc độ chất lượng cuộc sống - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - đã phát biểu đầy xót xa: "Nếu nói chúng tôi đồng thuận với việc tăng là rất đau lòng, bởi việc làm thêm nó vắt kiệt sức của .

Nhưng nếu công đoàn không đồng thuận thì người lao động sẽ phản ứng. Vì sao phản ứng? Bởi vì tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình, vì vậy họ muốn làm thêm giờ".

Đại biểu này cũng dẫn ra thực tế người lao động làm thêm giờ quá quy định là rất phổ biến, thậm chí làm nhiều gấp 2-3 lần. Có doanh nghiệp tăng giờ làm thêm đến 1.000 giờ/năm, trong khi luật hiện hành chỉ cho tối đa 300 giờ/năm.

Nhìn ra các nước, giờ làm thêm cũng không phải thấp. Như ở Hàn Quốc giờ làm thêm mỗi năm được quy định là 624 giờ, Indonesia là 728 giờ... Tuy nhiên, ngược lại thì giờ làm việc chính thức lại không cao.

Indonesia giờ làm chính thức chỉ 40 giờ/tuần, Hàn Quốc cả giờ chính thức và giờ làm thêm chỉ tối đa 2.446 giờ mỗi năm.

Ở Việt Nam, nếu phương án này được thông qua, tổng số giờ cả chính thức và làm thêm cũng khá cao vì chúng ta quy định ngày làm việc 8 tiếng và mỗi tuần 48 tiếng.

Đất nước còn nghèo, mức sống thấp, người lao động cũng muốn làm thêm để thêm thu nhập. Nhưng người Việt có đủ sức khỏe tăng ca triền miên trong điều kiện làm việc và ăn uống hiện tại? Đó cũng là điều cần tính kỹ cho lâu dài.

Quy định, nhất là những quy định liên quan đến con người, đến sức khỏe của hàng chục triệu con người là điều cần cân nhắc. Những ai thường làm thêm giờ? Đa phần là anh chị em công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngoài thể trạng và sức khỏe của người Việt Nam còn hạn chế thì điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp này không phải tất cả đều tốt.

Không phải người lao động nào cũng có nhu cầu và đủ sức khỏe đáp ứng việc tăng ca liên tục. Tăng giờ làm thêm, tăng thu nhập là thực tế nhưng cũng là cách các chủ doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc ép người lao động làm thêm.

Có những người làm thêm đến suy kiệt sức khỏe, bệnh tật và cuối cùng tự nghỉ việc hoặc bị sa thải một cách "rất hợp lý".

Nếu được tăng thêm giờ làm, doanh nghiệp sẽ hạn chế tuyển dụng lao động mới; điều này cũng sẽ gây áp lực về mặt xã hội rất lớn về cơ hội việc làm. Tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận người lao động.

Ai cũng cần tăng lương nhưng chất lượng cuộc sống không chỉ có làm việc và làm việc nhiều hơn. Cùng với tăng giờ làm, chúng ta chưa thể giảm giờ làm chính thức. Vậy có gì để "bù đắp" cho cuộc sống của người lao động?

Dự thảo này cần cân nhắc nhiều hơn nữa ở góc độ chất lượng cuộc sống của người lao động. Luật sẽ nhân văn nếu hướng đến giải pháp cho các nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí, tái tạo sức khỏe để người lao động có thể làm việc, cống hiến dài lâu.

Mừng cho ai?

Quy định tăng giờ làm sẽ "cởi trói" cho một số doanh nghiệp sản xuất theo đơn hàng, theo thời vụ, mùa vụ. Doanh nghiệp mừng, nói vậy không sai nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều mong cầu chuyện này.

Ngoài việc tăng giờ, doanh nghiệp cũng quan tâm đến điều quan trọng hơn: đó là tăng năng suất, giảm giờ làm, sẽ tiết kiệm chi phí (điện, hao mòn thiết bị)...

Trên thực tế, nhiều nơi công nhân làm thêm 500-600 giờ/năm hoặc hơn nữa. Luật xuất phát từ thực tế nhưng nếu chỉ để "hợp thức hóa" thực tế thì chưa đủ. Các quy định trong luật phải điều chỉnh bất hợp lý từ thực tế, hướng đến môi trường lao động sản xuất tốt hơn, có lợi hơn cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Đã có quá nhiều ý kiến nêu vấn đề tính thu nhập lũy tiến. Chẳng hạn khi người lao động làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%; từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%... Đây là một giải pháp có lợi cho người lao động nhưng dù có được vậy cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt.

Lâu dài cần có những quy định buộc các doanh nghiệp phải tính toán kế hoạch sản xuất, chi phí nhân công hợp lý chứ không huy động người lao động làm thêm giờ quanh năm suốt tháng...

Luật cũng cần những quy định bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết của người lao động. Bởi vì họ luôn yếu thế hơn trong quan hệ lao động. Làm thêm giờ phải được sự đồng thuận của người lao động, không phải nói chung chung, cần thể hiện trong hợp đồng, thỏa thuận bằng văn bản giữa người lao động và doanh nghiệp.

Cần những quy định cụ thể hơn, không chỉ quy định về lương, tiền mà rất cần quy định về chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau những ngày, những đợt tăng ca, để bảo vệ sức khỏe con người.

Đừng để người lao động rơi vào tình cảnh kiệt sức, tự xin thôi việc vì không thể đáp ứng lịch tăng ca quá dày, quá nhiều.

LƯU NGỌC

Tăng giờ làm thêm: phải trả tiền công lũy tiến

TTO - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: tổ chức đại diện người lao động bất đắc dĩ đồng tình với phương án nới khung giờ làm thêm tối đa (từ 300 lên 400 giờ/năm) bởi thu nhập của người lao động đang quá thấp.


VŨ TRUNG KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên