22/02/2017 11:27 GMT+7

Tăng giám sát để ngăn thực phẩm bẩn

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH
TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH

TTO - Phần lớn các diễn giả đồng thuận chia sẻ như trên tại tọa đàm “Hướng giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn”, do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức sáng 21-2.

Cần tăng giám sát và xử lý nghiêm để người dân có thực phẩm sạch hằng ngày. Trong ảnh: cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở ĐBSCL - Ảnh: Khoa Nam
Cần tăng giám sát và xử lý nghiêm để người dân có thực phẩm sạch hằng ngày. Trong ảnh: cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở ĐBSCL - Ảnh: Khoa Nam

Ta đang giết đồng bào ta, nói có vẻ ghê gớm, nhưng thật sự có không ít người vì hám lợi, biết hàng hóa nguy hiểm vẫn mua về kinh doanh

NSƯT Kim Xuân

Vẫn còn thực tế “ám ảnh” về thực phẩm không an toàn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn để các tiêu chuẩn sản xuất phải được thực thi, giữ vững chất lượng an toàn cho thực phẩm khi cung ứng cho xã hội.

Nơm nớp với thực phẩm bẩn

Là một người nội trợ, NSƯT Kim Xuân cho rằng để chuẩn bị được một bữa ăn ngon, sạch cho gia đình vẫn là... thách thức.

Trước đây, chỉ cần ra chợ mua thực phẩm là có cảm giác an toàn. Nhưng bây giờ thì không thể như vậy được nữa. Bà Xuân băn khoăn khi nhiều người chỉ vì chút lợi nhuận mà sẵn lòng đi mua những thứ độc hại về bán cho dân mình.

Cho rằng người tiêu dùng lo lắng là chính đáng, ông Phạm Thế Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ thông tin ngay hạt gạo, nông dân nhiều nơi vẫn có những hành động đáng lo ngại: “Lúa gần chín rồi nhưng họ phun thuốc để cho hạt lúa giữ nước lại, tăng trọng hạt gạo”.

Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao vừa công bố, việc sử dụng chất cấm, các hóa chất độc hại trong quá trình trồng, chế biến hay bảo quản thực phẩm vẫn là nỗi lo của rất nhiều gia đình.

Một nỗi lo khác, theo các chuyên gia, là thực phẩm nhiễm vi sinh, độc tố chứa sẵn trong đất trong quá trình nuôi, trồng... Trong khi đó, điều này rất khó phát hiện, khó kiểm tra.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm

Ông Mã Vĩnh Trường An, giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty thực phẩm La Cusina, chia sẻ chính việc thiếu thông tin cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có cảm giác bất an với thực phẩm nói chung.

Theo ông Trường An, bất kỳ sản phẩm nào đưa ra thị trường, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý nhà nước quy định như công bố chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kể với mặt hàng thịt chế biến, mỗi lô hàng xuất ra thị trường còn phải có giấy kiểm định thú y... cùng nhiều thủ tục khác.

Cho biết doanh nghiệp mình không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của VN mà còn cố gắng đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, ông Trường An cho rằng đó chính là trách nhiệm doanh nghiệp và cũng là cách các doanh nghiệp tự bảo vệ mình.

“Xã hội đang sợ hãi thực phẩm bẩn. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là sản xuất ra thực phẩm sạch để xua tan đi nỗi sợ hãi đó”, ông Trường An nói.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, công nhận việc quản lý chất lượng hàng hóa chưa bao giờ là bài toán đơn giản. Ông Hoàng Anh nêu hiện đã phải áp quy trình kiểm soát ba lớp để bảo đảm hàng hóa vào hệ thống phải an toàn.

“Chúng tôi sẵn sàng ngưng kinh doanh đối với các sản phẩm có tranh cãi về chất lượng. Như gà dai từ Hàn Quốc, tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc, Saigon Co.op đã ngưng kinh doanh, chấp nhận thiệt thòi về doanh thu”, ông Hoàng Anh nói.

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho rằng cái lo của người tiêu dùng là họ chưa có cách nào để kiểm chứng chất lượng sản phẩm ngoài những gì doanh nghiệp tự công bố. Ông Thành nêu quy định kiểm tra an toàn thực phẩm của VN khá tốt nhưng vấn đề thực thi vẫn là câu hỏi lớn.

“Việc kiểm soát được quy trình sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc gần như là xu hướng bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay” - chuyên gia về thực phẩm khẳng định.

Cần tăng giám sát...

Ông Vũ Thế Thành nêu thực tế các chất bảo vệ thực vật có trong danh mục được lưu hành phần lớn đều an toàn.

“Nhưng vì sao người nông dân lại mua được rất nhiều loại thuốc không có trong danh mục, với tính năng “hủy diệt” siêu mạnh, siêu nhanh? Nông dân mua ở đâu, cơ quan nào quản lý để việc tùy tiện mua và sử dụng như vậy?”, ông Thành để ngỏ câu hỏi.

Ông Phạm Thế Bình nêu an toàn thực phẩm không còn là chuyện mỗi gia đình, doanh nghiệp mà Chính phủ cũng đã xắn tay vào cuộc. VN đã có các tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Bình cho rằng điều cần nhất là phải tăng giám sát, minh bạch để đảm bảo quy trình được thực thi.

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, nói so với 20 năm trước, hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quản lý chất lượng đã phát triển khá xa, có phần bám sát nhu cầu cuộc sống.

Không chỉ tuân thủ các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, bây giờ người tiêu dùng còn xét thêm những yếu tố nhà sản xuất có trách nhiệm với xã hội và với môi trường, nguyên liệu có truy xuất được nguồn gốc không...

“Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao sẽ xem đây như là một trong những điều kiện tăng thêm trong lần xét bình chọn danh hiệu Hàng VN chất lượng cao với các doanh nghiệp” - bà Hạnh nói.

Cần minh bạch quy trình sản xuất

“Ngộ độc thực phẩm trước mắt thực sự không đáng ngại bằng số hóa chất được sử dụng bừa bãi trong nuôi trồng nông sản, đang tích tụ qua thời gian”- chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành lo ngại.

Theo ông Thành, trước đây, chất lượng sản phẩm được kiểm định ở khâu sau cùng, nhưng xu hướng hiện nay là kiểm tra từng công đoạn, trong mỗi công đoạn đó doanh nghiệp phải chứng minh được rằng làm cách nào để tuân thủ các tiêu chuẩn.

“Cái quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng nhất sản phẩm, muốn vậy phải có quy trình sản xuất minh bạch” - ông Thành nói.

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên