Bác sĩ khám mắt và tư vấn cho người bệnh trước khi quyết định bắn laser trị cận thị - Ảnh: T.LŨY
Xin bác sĩ giải thích vì sao có những người mắt bị cận thị, độ tăng lên liên tục? Như con tôi mỗi lần đo độ cắt kính từ 6-12 tháng thì mỗi bên mắt tăng hơn 1 độ (có một mắt kèm theo bị loạn thị).
Tuy nhiên cũng có những người rất lâu mới tăng độ? Nguyên nhân do bệnh khác nhau, hay do đeo kính không đúng? Bác sĩ có thể cho biết có nên bắn laser trị mắt cận không? Nếu bắn thì sau này có bị cận tái phát không?
Bác sĩ CK II Trần Văn Kết - giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ - chia sẻ:
Hiện nay do môi trường học tập, làm việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, hay đọc sách, học hành trong điều kiện ánh sáng, tư thế ngồi chưa đúng, tỉ lệ cận thị đặc biệt là ở trẻ dưới 18 tuổi tăng cao.
Trong trường hợp con bạn độ cận tăng liên tục, đối với trường hợp trẻ dưới 18 tuổi thì do quá trình học tập, đọc sách lâu và nhiều, chữ nhỏ, tiếp xúc máy tính nhiều…
Khi đó trục nhãn cầu phát triển không ổn định thì độ cận sẽ tăng, nhưng đa phần tăng độ cận do điều tiết. Khi bạn muốn biết điều tiết tăng hay do trục nhãn cầu tăng thì bạn phải đi khám để bác sĩ nhỏ giãn và khám liệt điều tiết mắt.
Nếu thời gian từ 3-6 tháng mà độ cận tăng lên nửa độ thì nên đi khám và nhỏ giãn xem tăng độ cận do điều tiết mắt hay độ cận thật tăng. Nếu như điều tiết mắt thì phải dùng thuốc điều trị điều tiết và có chế độ sinh hoạt cho bé;
Nếu độ cận do trục nhãn cầu phát triển không đều thì cũng nên đi khám để có kế hoạch điều trị cho bé cũng như cho đeo kính đúng.
Hiện nay ở thị trường việc cắt kính có "du di' về độ cận, khách cắt kính thường muốn giảm một chút vì ngại đeo độ cận cao mặc dù như vậy không đúng. Bên cạnh đó, các cửa hàng cắt kính đo theo độ điều tiết mắt, không phải đã chắc do cận chính thức như vậy.
Vì thế cha mẹ nên cho bé đi khám để được tư vấn thường xuyên, khoảng 3 tháng khám một lần (nếu không có gì bất thường) từ đó có kế hoạch ngăn chặn độ cận tăng, sau 6 tháng nếu độ cận tăng khoảng 0,25 - 0,5 thì có thể phẫu thuật được, với điều kiện cháu trên 18 tuổi.
Trường hợp đã bắn laser trị cận thì trẻ vẫn có thể tái cận tùy mức độ làm việc bằng mắt. Thường nếu bắn ở độ tuổi dưới 21 tuổi, tỉ lệ tái cận cao hơn. Cụ thể tỉ lệ tái cận lên tới 20% (nếu phẫu thuật trị cận từ 18-21 tuổi) tùy theo mức độ làm việc bằng mắt.
Còn nếu trên 21 tuổi, nhãn cầu đã phát triển tương đối ổn định, độ cận hầu như không tăng và khó tái phát vì khi mổ laser đã chuẩn rồi.
Tuy nhiên trước khi bắn laser, bác sĩ cũng phải khám và kiểm tra kỹ từng trường hợp, không phải ai cận cũng bắn laser trị cận. Khi dùng kỹ thuật bắn laser chuẩn thì có thể 10 năm, 20 năm có tái phát thì bác sĩ có thể bật ra bắn lại bình thường.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận