Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Justin Trudeau đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm Canada; chúc mừng Thủ tướng Justin Trudeau về thành công của Hội nghị G7 và G7 mở rộng.
Thủ tướng cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Canada trên cương vị nước chủ nhà, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc xử lý các thách thức toàn cầu.
Đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Canada về sự ủng hộ quý báu dành cho nhân dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Đồng thời, thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Canada.
Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada tại khu vực, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam vào thành công của Hội nghị G7 mở rộng.
Đặc biệt, Thủ tướng Justin Trudeau đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác nâng cao khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương.
Quan hệ thực chất, hiệu quả
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Justin Trudeau đánh giá cao những phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Canada thời gian qua, trong đó nổi bật là việc hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện (tháng 11-2017), cùng ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, tháng 3-2018) và đang chuẩn bị phê chuẩn hiệp định này.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích chung cả trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tạo thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tập tại Canada; Canada lập văn phòng đại diện về giáo dục tại Việt Nam; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, chế biến nông sản, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Canada phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho thịnh vượng của Canada và Việt Nam và sự phát triển của quan hệ hai nước...
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ bà con người Việt ở Canada. Theo đại sứ Nguyễn Đức Hòa, cộng đồng người Việt Nam tại Canada hình thành sớm, từ những năm 1960-1970. Đến nay có khoảng 240.000 người, phần lớn có công ăn việc làm ổn định, thành đạt.
Bày tỏ cảm động trước sự có mặt của đông đảo bà con từ khắp vùng miền Canada, có người từ Vancouver xa 5.000km cũng "lặn lội" tới dự cuộc gặp, Thủ tướng nói ông luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến, trân trọng tình cảm của bà con hướng về quê hương đất nước.
"Bà con kiều bào là máu thịt, là sức mạnh của đất nước" - Thủ tướng khẳng định.
Đấu khẩu tại G7 và thượng đỉnh Mỹ - Triều
Khẩu chiến giữa Mỹ với Canada, Pháp, Đức diễn ra kịch liệt, với những công kích nặng nề dành cho nhau sau những căng thẳng do chính sách thuế nhập khẩu nhôm, thép của Washington.
Cố vấn kinh tế trưởng Larry Kudlow của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-6 tố Thủ tướng Canada Justin Trudeau "đâm sau lưng" Mỹ khi giải thích việc Washington rút khỏi tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Ông Trump sau khi rời Hội nghị G7 tại Quebec (Canada) cũng đăng đàn Twitter chê ông Trudeau "rất kém cỏi và không thành thật", nói rằng thủ tướng Canada đã có "tuyên bố sai trái" trong cuộc họp báo sau hội nghị.
Lập tức, Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố bức ảnh nữ thủ tướng Đức và các nhà lãnh đạo khác đứng vây quanh tổng thống Mỹ đang ngồi. Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chỉ trích ông Trump hủy hoại mối liên kết của châu Âu.
"Thật ra cũng không thực sự ngạc nhiên. Chúng ta đã chứng kiến điều này ở Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và Thỏa thuận hạt nhân Iran. Chỉ trong vài giây, ông ta có thể tàn phá niềm tin chỉ với một mẩu tweet 280 chữ, nhưng để gầy dựng sẽ mất rất lâu" - ông Maas nói.
Bà Merkel trước đó cũng tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả quyết định áp thuế của Mỹ nhằm vào mặt hàng nhôm và thép.
Các thành viên khác của G7 khẳng định sẽ ủng hộ tuyên bố chung. Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Chúng tôi đã dành hai ngày để đưa ra một tuyên bố chung và các cam kết. Chúng tôi tuân theo chúng và bất cứ ai từ bỏ chúng là đang thể hiện sự bất nhất và mâu thuẫn".
Trong cuộc điện đàm sau đó giữa ông Macron và người đồng cấp Trump nhằm xoa dịu căng thẳng, ông Trump tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" khi nói thẳng EU còn tệ hơn Trung Quốc về vấn đề thương mại, theo CNN. Tổng thống Mỹ trước nay luôn cho rằng châu Âu giăng bẫy Washington với các thỏa thuận thương mại bất lợi.
Lo ngại lớn nhất khiến ông Trump quay lưng với tuyên bố chung G7 là phần về thương mại.
Tuy nhiên, nó cũng liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Ông Kudlow cho biết việc ông Trump quyết định rút khỏi tuyên bố chung G7 là để giữ thể diện trước cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore.
"Tổng thống Mỹ sẽ không để thủ tướng Canada xoay ông vòng vòng trước cuộc gặp. Ông sẽ không cho phép thể hiện sự yếu đuối nào trong chuyến đàm phán với Triều Tiên" - ông Kudlow bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận