15/06/2015 00:10 GMT+7

​Tăng cường kiểm dịch động vật để phòng chống MERS-CoV

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Những người trực tiếp tiếp xúc với lạc đà, dơi và các sản phẩm của chúng phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thú y vừa gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đề nghị kiểm soát và ngăn chặn hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV).

Để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam, đồng thời chủ động phòng vi rút lây nhiễm cho người, Cục Thú y đề nghị chủ động phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế; phối hợp với các đơn vị có liên quan của ngành y tế để tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu, sân bay, bến cảng, đường mòn, lối mở khu vực biên giới chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để kiểm soát chặt và xử lý nghiêm mọi trường hợp vận chuyển trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ lạc đà vào trong nước tiêu thụ.

hinh-2-1434343661.jpg

Yêu cầu người trực tiếp làm công tác kiểm dịch tại các địa bàn trên phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp và thực hiện vệ sinh cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành y tế tuyên truyền hướng dẫn những người trực tiếp tiếp xúc với lạc đà, dơi và các sản phẩm của chúng (người chăn nuôi, người chăm sóc, bác sĩ thú y tại các vườn thú,…) phải sử dụng bảo hộ cá nhân phù hợp và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Được biết, MERS-CoV là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở người, tỷ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Nguồn gốc của vi rút hiện chưa rõ ràng, một số nghiên cứu cho rằng vi rút có nguồn gốc từ dơi, sau đó lây truyền qua lạc đà và gây nhiễm cho người.

Cơ chế lây bệnh chủ yếu do người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (qua dịch cơ thể, nước bọt). Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, thịt lạc đà chưa được nấu chính và sữa lạc đà chưa được tiệt trùng có thể là nguồn mang vi rút MERS-CoV và gây bệnh cho người.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên