Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Sữa mẹ cung cấp các dưỡng chất cơ bản cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt trong sữa mẹ có chứa các kháng thể, vi khuẩn có lợi, giúp tăng cường hệ miễn dịch của con. Do đó, cách tốt nhất để con khỏe mạnh, ít bị các bệnh nhiễm trùng đường ruột là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và người mẹ cần ăn đủ 4 nhóm chất, giữ tinh thần thoải mái để duy trì nguồn sữa mẹ.
Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, hệ vi khuẩn đường ruột của bé dễ bị mất cân bằng, nguy cơ các vi khuẩn có hại lưu trú trong đường ruột sẽ tăng lên khiến hệ tiêu hóa yếu đi.
Lúc này, trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn vì bắt đầu biết lẫy, bò, đi, cầm nắm đồ vật cho vào miệng... nên khả năng trẻ mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp... cao hơn rất nhiều. Do đó, bên cạnh việc duy trì cho trẻ bú mẹ đến ít nhất 2 tuổi, cha mẹ hãy tập cho trẻ một thói quen ăn uống thật lành mạnh.
Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hàng ngày đều có thể chế biến cho trẻ ăn bổ sung; trừ rượu, bia và các loại gia vị chua, cay. Để trẻ ăn ngon miệng, đủ chất, trong một chén cháo hoặc chén bột cần phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm sau: tinh bột (các loại gạo, bột mì, khoai...); chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa,...); chất béo (các loại dầu, mỡ, lạc, vừng,...); vitamin và chất khoáng (các loại rau, củ, quả,...).
Nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Đây là nhóm thực phẩm rất giàu vitamin, chất khoáng và các chất chống oxy hóa, không chỉ giúp cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch mà còn có thể phòng chống những căn bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim ở tuổi trưởng thành. Các loại rau xanh trẻ nên ăn là súp lơ xanh, cải chíp, cải xoăn, đậu Hà Lan,... hoa quả nhiều vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, dứa... Bên cạnh đó, sữa chua cũng có khả năng hỗ trợ sức khỏe, tăng cường hệ tiêu hoá rất tốt cho trẻ.
Hãy tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước mỗi ngày. Nước giúp đào thải các chất cặn bã khỏi cơ thể; vì vậy, việc đi tiểu không thường xuyên cũng làm suy yếu hệ miễn dịch. Tránh cho bé uống nước ngọt, nước có chứa caffein; nên cho bé uống nước trái cây hơi pha loãng, nước đun sôi để nguội.
Ngủ đủ giấc
Nhiều kết quả nghiên cứu ở người trưởng thành cho thấy, thiếu ngủ có thể khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn do sự suy giảm khả năng tự vệ của hệ miễn dịch trước sự tấn công của vi khuẩn và những tế bào ung thư, làm cho lượng các tế bào ung thư bị tiêu diệt một cách tự nhiên giảm đi. Theo ý kiến của bác sĩ Kathi Kemper, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục sức khỏe trẻ em thuộc Bệnh viện nhi Boston - Mỹ, vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong cơ thể của trẻ em.
Trẻ em cần được chăm sóc kỹ để tránh nguy cơ bị mất ngủ vì tất cả những hoạt động có thể trở nên khó khăn hơn khi trẻ chỉ ngủ được những giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Trẻ cần ngủ bao nhiêu thì đủ? Trẻ mới sinh cần ngủ khoảng 18 giờ mỗi ngày, trẻ mới tập đi cần ngủ khoảng từ 12 đến 13 giờ, những trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo cần ngủ khoảng 10 giờ. Nếu trẻ không ngủ trong cả ngày hoặc không ngủ trưa, các bậc phụ huynh nên cho con mình đi ngủ sớm hơn vào buổi tối.
Tập thể dục thường xuyên
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục sẽ làm gia tăng lượng tế bào sát thủ tự nhiên (một thành phần chính của hệ miễn dịch, có chức năng tiêu diệt các khối u và những tế bào bị nhiễm vi rút trong cơ thể) ở người trưởng thành. Những hoạt động thể chất thường xuyên cũng sẽ mang lại các lợi ích tương tự ở trẻ em. Do đó, các bậc cha mẹ nên cố gắng rèn luyện thói quen tập thể dục cho trẻ bằng cách cho trẻ tham gia tập luyện cùng với mình.
Theo bác sĩ Renee Stucky, trợ lý giáo sư về vật lý trị liệu và hồi phục chức năng thuộc trường ĐH Y khoa Missouri, Mỹ thì: “Tập thể dục cùng nhau sẽ tốt cho sức khỏe của cả gia đình so với việc cho trẻ ra ngoài và tự chơi một mình”.
Những hoạt động gia đình vui vẻ, phổ biến nhất là đạp xe đạp, đi bộ, trượt ván, bóng rổ và tennis...
Bảo vệ trẻ trước bệnh dịch
Đánh bại vi trùng mang mầm bệnh không được xem là cách tăng cường hoạt động cho hệ miễn dịch, nhưng đây lại là biện pháp khá tốt, giúp giảm thiểu sự căng thẳng đối với hệ miễn dịch của trẻ. Cần nhắc nhở trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh của trẻ trước và sau mỗi bữa ăn, sau những lần chơi đùa ngoài trời, vuốt ve vật nuôi trong nhà, ngoáy mũi, sử dụng phòng vệ sinh hay vừa trở về nhà sau khi tan học...
Tránh khói thuốc
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc và phần lớn các loại chất độc này đều có thể gây kích ứng hoặc giết chết các tế bào trong cơ thể. Trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nguy hiểm từ việc hít khói thuốc lá hơn so với người lớn vì nhịp thở của chúng nhanh hơn. Trong khi đó, hệ thống lọc thải chất độc tự nhiên trong cơ thể trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Hít khói thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ, bệnh viêm phế quản, viêm tai và hen suyễn. Khói thuốc lá còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trí thông minh và hệ thần kinh của trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận