Con cái cần nhất vẫn là thời gian của ba mẹ bên con như thế này - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tôi làm việc với trẻ con gần 20 năm nay. Chúng tôi nhận được hàng ngàn cuộc điện thoại và thư tâm sự, comment phản hồi mỗi tháng.
Có những cuộc điện thoại của các bé lớp 9, lớp 10 rất lịch sự lễ phép, gọi tới rụt rè hỏi về thuốc phá thai, có bé nhờ tôi giải nghĩa tờ phiếu siêu âm, nghe cách nói tôi biết các em được ba mẹ quan tâm và rèn giũa khá cẩn thận.
Có bé khóc nói: "Con chỉ muốn ngủ một giấc và sẽ không thấy ai nữa. Con muốn chết". Có bé nói: "Em muốn bỏ nhà đi, chị hãy chỉ cho em nên đi đâu...".
Rồi có cả những câu hỏi đơn giản về bạn bè, về trường lớp và môn thi, khối thi. Hỏi xong em vừa khóc vừa cảm ơn tôi đã lắng nghe. Tại sao các em lại dốc ruột nói với một người xa lạ. Tại sao chỉ mới được người ta im lặng nghe thôi mà em đã xúc động như vậy?
Lúc đó ba mẹ em đang ở đâu trong em?
Rất nhiều thư, có lẽ chiếm tới phân nửa số thư trong hộp thư tâm sự, là những vấn đề trong gia đình, những mâu thuẫn với bố mẹ.
Nhiều bé kể: "Con không nói chuyện được với ai. Ba con đi làm tối ngày. Mẹ thì con chưa nói xong đã mắng té tát... Rồi ba mẹ con chả hiểu con gì cả, cứ ép con phải làm theo ý của họ. Ba mẹ ra điều kiện: con chọn nó hay chọn mẹ".
Cha mẹ nào cũng yêu con. Nhưng nhiều khi cách yêu của ba mẹ không giống cách con cái mong muốn được nhận.
Có cha mẹ làm lụng chăm chỉ để cho con có một nền tảng kinh tế vững vàng hơn mình hồi xưa. Có cha mẹ ép con học thật nhiều để mong con đỗ đạt cao, đảm bảo cuộc sống sau này. Có ba mẹ thì canh giữ con nghiêm ngặt hoặc đánh con rất đau để mong con ngoan ngoãn, nghe lời...
Trong một khóa tôi đã học có bài tập trở về tuổi thơ. Và trong số đó có một câu hỏi: "Tôi muốn cha mẹ tôi...".
Trong nhóm, hai người đóng vai cha mẹ, một người đóng vai con nói lên mong muốn của mình. Nhóm của tôi mọi người cứ lần lượt nói.
"Tôi muốn mẹ không đi trực đêm nữa". "Tôi muốn cha lắng nghe tôi hơn". "Tôi muốn cha mẹ đừng cãi nhau trước mặt tôi"."Tôi muốn cha mẹ tôi ly hôn". "Tôi muốn cha mẹ tôi là người khác".
Hôm đó tôi đã khóc nức lên khi nghe người bạn chia sẻ điều đó. Lần nào tới lượt mình bạn ấy cũng nói một câu đó (khi còn nhỏ): "Tôi muốn ba mẹ tôi là người khác".
Cảm giác muốn thay ba mẹ mình là một ba mẹ khác nó đau đớn và tuyệt vọng khủng khiếp. Có ai chọn được nơi mình sinh ra? Có ai có thể thay ba mẹ là một người khác được?
Vậy thì có những điều mình cho là đang yêu con, đang sống vì con thì ở phía người nhận, ở phía đứa con lại không phải là như vậy!
Khoảng cách thế hệ thật là khắc nghiệt. Nhất là đối với những bố mẹ 6X-7X-8X của chúng ta. Xã hội thay đổi quá nhanh, những điều quan trọng, cấp thiết của ngày mình còn nhỏ hầu như không dùng lại được hiệu quả với con mình.
Thời xưa tuổi thơ đói ăn triền miên làm ba mẹ thường để quá nhiều thời gian và tâm sức để ép con ăn, trẻ đã dư cân vẫn bị ép ăn. Thời xưa ít người được học hành tới nơi tới chốn nên giờ ba mẹ ra sức cho con đi học tối ngày, học sớm, học trước, học thêm, học sáng, học trưa, học tối. Thời xưa vất vả ra đời tự lập từ con số 0 nên giờ nhiều ba mẹ ráng cày bừa kiếm tiền cho con làm vốn trước khi ra đời, ráng kiếm cho con cái nhà, kiếm cho con vài trăm triệu đồng để dành khi đi xin việc...
Những điều mình đang dành cho con liệu con có cần không? Liệu chục năm nữa nó còn đúng không? Thật ra tôi cũng không chắc lắm.
Đẻ ra đứa con khá dễ, chỉ cần một tinh trùng gặp trứng. Nhưng để dạy được một đứa con không phải cha mẹ nào cũng làm thành công.
Có một thực tế kỳ cục rằng chúng ta khi đi làm bất kỳ nghề gì đàng hoàng thì cũng cần phải học, không cao đẳng, đại học thì trung cấp, không học trong nhà trường đào tạo chính quy thì học truyền nghề từ một người thầy, một cửa tiệm thành công nào đó.
Chỉ duy nhất có một nghề khó nhất, quan trọng nhất, phức tạp nhất thì lại chả học hành gì, đó là nghề làm cha mẹ. Một số tôn giáo tôi thấy họ cũng khá quan tâm, còn những người trong lý lịch ghi "Tôn giáo: không" như phần lớn dân số VN thì thật sự là khá thiệt thòi.
Tôi cũng dạy con sai rất nhiều.
Hồi Xu mới 2 tuổi, tôi sai lầm nhiều tới mức đã lập một topic kêu cứu trên mạng: "Tôi nuôi con sai rồi, cứu tôi với!".
Ngay từ khi mới đẻ bé Xu đã quá khó nuôi và quá bướng, nhiều người phải nói là "nó khó chưa từng thấy trong đời!". Xu phản ứng lại dữ dội những gì tôi làm. Và chính từ việc đó tôi biết được mình dốt. Có lẽ đó là may mắn vì nó làm tôi biết giật mình.
Có người bẩm sinh biết cách nghe con nói và nói con nghe, tôi thì không. Thế là tôi tìm đọc khá nhiều sách về nuôi con, dạy con, tôi đi tham gia những khóa học về nuôi dạy con.
Có những khóa học khá mắc tiền: 2,5 triệu trong một ngày, rồi 5 triệu trong hai ngày, hay 8 triệu đồng trong ba ngày. Có những khóa học phải đi rất xa, có khóa kéo dài từ 9g sáng đến 9g đêm, phải đau đầu tìm chỗ gửi con để đi. Và cũng may là có vô vàn khóa học miễn phí.
Đọc, học và lắng nghe, tất cả đều cần nhiều thời gian.
Hơn nữa, mỗi đứa con mỗi khác. Mỗi nhà mỗi khác. Ngay như trong một nhà tôi thôi, Xu và Sim là hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Những kinh nghiệm từ nuôi dạy Xu hầu như vô nghĩa với Sim.
Tôi nghĩ thật sự cần phải đầu tư thời gian vào việc học tập cách nuôi và dạy, rồi cần thời gian để thực hành cách nuôi và dạy một đứa kém mình 20, 30, 40 năm, cả thời gian để chấp nhận nó khác hẳn mình ngày xưa, học cách yêu thương cả những trái khoáy đó theo cách phù hợp nhất với nó.
Đừng ai nói bận! Nếu bạn muốn là làm được. Chỉ cần muốn, lập tức bạn sẽ tìm ra cách để thực hiện. Khi bạn xếp nó thứ hạng ưu tiên cao, bạn sẽ gạt những việc khác ra để làm bằng được. Còn khi thấy vì bận, vì cái này, kẹt vì cái kia thì có nghĩa là bạn không đang ưu tiên nó.
Tình yêu là thời gian, thời gian bạn quan sát con, lắng nghe, đi chơi cùng con, học cùng con, đồng hành cùng con, làm bạn với con, lớn lên cùng con.
Rút lại thì dù gì thì gì, tình yêu là thời gian. Con cái cần nhất vẫn là thời gian của ba mẹ!
Tặng con thời gian đi, ba mẹ ơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận