22/01/2024 13:45 GMT+7

Tăng chuyến bay dịp Tết, thêm nỗi lo chậm trả hành lý

Hãng bay tăng chuyến dịp Tết, nhiều nỗi lo về chậm trả hành lý ở băng chuyền sẽ xảy ra ở một số thời điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Khu vực băng chuyền hành lý ga quốc nội Tân Sơn Nhất đông nghẹt khách. Có thời điểm ùn tắc, trả hành lý chậm hơn so với quy định - Ảnh: CÔNG TRUNG

Khu vực băng chuyền hành lý ga quốc nội Tân Sơn Nhất đông nghẹt khách. Có thời điểm ùn tắc, trả hành lý chậm hơn so với quy định - Ảnh: CÔNG TRUNG

Một thông tin dịp Tết đáng chú ý được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra khi điều chỉnh tăng tham số cất hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Khung giờ ban ngày (6h đến 23h55) từ 44 chuyến/giờ thành 46 chuyến/giờ, các khung giờ đêm (00h00-5h55) từ 40 chuyến/giờ thành 42 chuyến/giờ.

Ùn tắc cục bộ, lo kéo dài thời gian trả hành lý

Sau khi tăng thêm chuyến bay cho các hãng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết do nhu cầu lớn dự kiến vượt qua cao điểm Tết năm 2023, có thời điểm và có khu vực lưu lượng vượt công suất thiết kế nhà ga hành khách nội địa của Tân Sơn Nhất. Như vậy, Cục Hàng không nhận định "có khả năng một số thời điểm tại nhà ga nội địa sẽ bị ùn tắc cục bộ, hành khách có thể nhận hành lý chậm hơn bình thường".

Quá tải là điệp khúc thường thấy dịp cao điểm đi lại lễ, Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất. Trong năm qua, sân bay này đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ vào dịch vụ hành khách. Tuy nhiên, hạ tầng ọp ẹp, khó cơi nới, không gian tiện ích cho khách hàng lép vế so với dịch vụ buôn bán, ăn uống. Cứ đến cao điểm đi lại không tránh khỏi ùn tắc, giảm được chỗ này lại xuất hiện "kẹt" chỗ mới.

Theo ghi nhận, nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất có 6 băng chuyền hành lý. Trên băng chuyền có màn hình thông tin số hiệu chuyến bay, thời gian dự kiến trả hành lý. 

Theo thời gian áp dụng trả hành lý chuyến bay quốc nội 10 phút, quốc tế 20 phút. Tuy nhiên, có thời điểm khách hàng chờ 30 - 45 phút vẫn chưa có hành lý.

Không vui khi hành lý nứt vỡ hoặc thất lạc

Nhiều khách hàng có trải nghiệm không vui đợi chờ lấy hành lý quá lâu, chưa kể khi nhận lại hành lý, vali bị nứt vỡ, thất lạc... Hãng bay thuê công ty dịch vụ mặt đất ở các khâu như check-in, bốc xếp hành lý, xe chở khách ra vào máy bay.

Chẳng hạn, khách đi Vietnam Airlines ở Tân Sơn Nhất thì dịch vụ mặt đất do Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (Viags) phục vụ. Tương tự, chuyến bay Vietjet, Vietravel Airlines ở Tân Sơn Nhất do Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn đảm nhận. Điểm mới năm nay, Hãng Pacific Airlines tự phục vụ dịch vụ mặt đất cho chính hãng và đối tác mới là Bamboo Airways.

Đi lại dịp Tết, hành khách thường mang nhiều hành lý xách tay và ký gửi. Trong ảnh: Khách lên máy bay của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đi lại dịp Tết, hành khách thường mang nhiều hành lý xách tay và ký gửi. Trong ảnh: Khách lên máy bay của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc tăng chuyến bay không tránh khỏi nỗi lo công ty mặt đất quá tải, dẫn đến tình trạng chậm trả hành lý.

Giải pháp trước mắt của cơ quan quản lý hàng không là khuyến cáo khách chủ động nắm bắt thông tin chuyến bay để có kế hoạch di chuyển phù hợp nhất. Đồng thời, hành khách hợp tác chặt chẽ với các nhân viên hướng dẫn và nhân viên làm thủ tục trong nhà ga để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của mọi người, dẫn đến chậm trễ chuyến bay và ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền phục vụ khách tại sân bay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo công ty dịch vụ mặt đất tại Tân Sơn Nhất cho biết đã huy động lực lượng nhân viên từ Nội Bài vào TP.HCM để tăng cường nhân sự phục vụ trước Tết. Ngoài ra, trang thiết bị như xe đẩy, xe buýt, xe thang... được đảm bảo hoạt động ổn định. Vấn đề bốc xếp hành lý, vị này cho biết bổ sung thêm người, luân phiên theo ca để người lao động không quá mệt mỏi.

Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin có 1.246 phương tiện, trang thiết bị phục vụ mặt đất tại 17 sân bay trực thuộc ACV. 

Công ty này đã yêu cầu các cảng chủ động rà soát, sắp xếp trang thiết bị đảm bảo dây chuyền khai thác liên tục, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách. Do đó, ACV thúc các cảng thực hiện nhanh nhất trả hành lý cho khách tại các sân bay.

Lưu ý cần thiết tránh lỡ chuyến bay dịp Tết vì... thủ tục

Để chuyến bay đi lại dịp Tết suôn sẻ, các doanh nghiệp hàng không khuyến nghị khách cần chú ý các giấy tờ và quy định khi đến sân bay.

Về giấy tờ tùy thân: kiểm tra còn thời hạn sử dụng. Hành khách đi cùng trẻ em từ 14 tuổi trở lên, nếu chưa kịp làm căn cước công dân hoặc bị mất, cần đến cơ quan công an nơi cư trú làm giấy xác nhận nhân thân để tránh việc bị từ chối thực hiện chuyến bay.

Đặc biệt lưu ý giấy khai sinh (bản gốc hoặc sao y công chứng), giấy chứng sinh đối với trẻ em, trẻ sơ sinh…

Hành khách có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 VNeID trên điện thoại để làm thủ tục cho các chuyến bay nội địa, thay vì sử dụng giấy tờ thông thường như căn cước công dân.

Đối với hành khách đi chuyến bay quốc tế, lưu ý hộ chiếu phải còn hạn trên 6 tháng. Thời gian làm thủ tục trước thời điểm khởi hành 120 phút đối với chuyến bay quốc nội và 180 phút đối với chuyến bay quốc tế.

Quầy thủ tục sẽ đóng 40 phút trước giờ khởi hành đối với chuyến bay quốc nội và 50 phút trước giờ khởi hành đối với chuyến bay quốc tế; cửa ra tàu bay sẽ đóng 15 phút trước giờ bay.

Khâu an ninh soi chiếu: không nên đeo mắt kính đen, áo khoác

Sau khi làm xong thủ tục, đề nghị hành khách nhanh chóng hoàn tất kiểm tra an ninh và ra cửa khởi hành; không ra ngoài sảnh để tránh bị trễ chuyến bay.

Trong quá trình xếp hàng kiểm tra an ninh, nếu hành khách nhận thấy có thể chậm giờ chuyến bay, liên hệ với nhân viên để yêu cầu được hỗ trợ. Vì lý do an ninh, hành khách không nên đeo kính đen, để áo khoác, mũ, giày dép, thắt lưng, đồng hồ, vật dụng cá nhân vào khay đưa qua máy soi, không để tài sản của mình chung khay với người khác.

Trong quá trình soi chiếu, hành khách chủ động theo dõi, kiểm tra lại hành lý trước khi rời khỏi điểm soi chiếu để tránh thất lạc, cầm nhầm tài sản. Chất lỏng, máy tính xách tay, máy tính bảng để vào khay riêng, không để chung với hành lý xách tay khi đưa qua máy soi.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vốn 11.000 tỉ đồng sẽ là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vốn 11.000 tỉ đồng sẽ là 'thành phố hàng không'

Đây là khẳng định của ông Lê Khắc Hồng, trưởng ban dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khi nói về dịch vụ ở nhà ga mới này.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên