Thủ phủ phòng trọ giá rẻ quanh các khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) thời điểm này các năm trước thường khá rộn ràng. Nhưng ở thời điểm hiện tại rất khó cảm nhận được không khí đó dù chừng ba tuần nữa là hết năm âm lịch.
Đi làm tạp vụ, chạy xe ôm
Nhận lịch nghỉ Tết tròn một tháng, chị T. (23 tuổi, mẹ đơn thân) không thể ngồi yên. Hết ca tám tiếng ở công ty, chị buộc phải "tăng ca" mà trước giờ chỉ biết mỗi nghề may, việc làm thời điểm này cũng khan hiếm. Đọc trên mạng thấy có nơi cần thợ gia công quần áo và được mang hàng về làm, tiền công ổn nên T. nhắn tin hỏi thăm.
Mọi thứ êm xuôi, T. được người ta chở tới giao tận chỗ ở 200 bộ quần áo để cắt chỉ thừa. Xong xuôi họ tới nhận lại hàng và trả T. 400.000 đồng tiền công.
Mừng thầm vì việc cũng nhẹ, cố mỗi đêm thức vài tiếng có thêm chút ít nên T. nhắn xin nhận thêm 1.000 bộ và được yêu cầu "đặt cọc vì giá trị đơn hàng lớn".
Ngay khi T. vừa chuyển xong 1 triệu đồng, số máy bên kia cũng tức thời "thuê bao hiện không liên lạc được".
T. tặc lưỡi xem như "bán đi cái xui rủi" ngậm ngùi tìm việc mới. Mất một tuần chật vật T. cũng tìm được việc mới. Lần này nhận lau dọn nhà theo giờ mà T. khoe chắc tạm đủ cho ba mẹ con có "cái Tết ấm".
Anh H. (31 tuổi, công nhân KCN Tân Tạo) lật đật đi tìm việc khi nhận lịch nghỉ Tết hai tuần. Tin mình có sức vóc, H. tìm đến chợ đầu mối Bình Điền xin chân bốc vác mỗi đêm. Nhưng ngay buổi đầu tiên H. phải đi về sau khi rảo quanh chợ nhưng không ai nhận vì ai cũng có mối quen hết rồi.
Ngày vẫn làm ở công ty, H. phải chọn làm thêm ban đêm. Tìm mãi không ra, anh đành mượn tài khoản xe ôm công nghệ của người thân chạy lúc người kia nghỉ ngơi. "Đăng ký tài khoản mới cũng được nhưng không chạy đều không có điểm thưởng sẽ không được phân cuốc thường xuyên" - H. phân trần. Hai vợ chồng anh dự tính mỗi người sắm bộ đồ mới, mua cái bánh chưng, đòn bánh tét, hũ kiệu là xong Tết.
Biết tính sao đây...
Tháng 1 này, Hồng My (quê Cà Mau) tròn 28 tuổi, cũng đủ chín năm sống đời công nhân giày da ở KCN Tân Tạo. Năm vừa qua, My không biết đến tăng ca là gì nên chỉ được thưởng Tết tượng trưng cũng không khiến My quá bất ngờ. Thế nhưng khi nghe công ty thông báo cho nghỉ Tết đến 24 ngày, bắt đầu từ 17 tháng chạp âm lịch, khiến My bàng hoàng.
Không được tăng ca, Hồng My nói hoàn toàn có thể thông cảm với công ty bởi thiếu đơn hàng là tình cảnh chung của nhiều công ty. Nhưng giờ "bị" nghỉ Tết một lúc gần cả tháng trời khiến cô áp lực lắm. "Tết nhất đụng đâu cũng tiền, một năm 12 tháng mà nghỉ một lèo cả tháng trời thực sự rất khó khăn, mà lương còn tượng trưng nữa, Tết biết tính sao đây" - Hồng My thở dài.
Trường hợp khác, anh Đăng (33 tuổi) cũng dân miền Tây và đang làm công nhân cơ khí tại quận Bình Tân cho biết bỏ ngỏ kế hoạch về quê đón Tết dù công ty đã thông báo cho nghỉ Tết từ 17 tháng chạp đến hết ngày 10 tháng giêng. Anh kể hằng năm công ty cho nghỉ khoảng 12 ngày, nhiêu đó đủ thời gian để vui xuân đón Tết "nạp năng lượng" chuẩn bị cho một năm làm việc mới.
Nhưng khi nghe công ty thông báo chính thức nghỉ Tết 25 ngày, anh nói coi như "mất toi" một tháng khiến kế hoạch về quê của anh chắc cũng tiêu tan theo. "Về nghỉ Tết nhưng tiền nhà trọ vẫn phải đóng, thêm đủ thứ phải lo nên chưa biết sao, thôi cứ tới đâu hay tới đó" - Đăng nói.
Nhìn góc khác, chị Liên - công nhân KCN Tân Tạo - nói nghỉ Tết cả tháng là cơ hội. Năm nay chị sẽ về Quảng Trị sau hai cái Tết xa gia đình. "Mấy năm rồi nghỉ ngắn, về cũng tốn kém nên tui ở lại đi bưng bê hàng quán dịp Tết cũng được kha khá. Năm nay cho nghỉ dài về quê tiện hơn, mà giờ ở lại chắc gì đã có việc làm thêm" - chị Liên cười.
Chợ Tết Công đoàn phục vụ lao động khó khăn
Hàng ngàn công nhân và lao động khó khăn ở Đà Nẵng đã đến mua sắm tại chợ Tết Công đoàn do Liên đoàn Lao động Đà Nẵng tổ chức. Kéo dài đến ngày 21-1, phiên chợ đặc biệt này có hơn 70 gian bán hàng đồng giá, bình ổn giá giảm 5 - 50% so với giá thị trường cùng nhiều ưu đãi khác.
Chợ còn phục vụ cắt tóc, tư vấn, giới thiệu việc làm cũng như các chương trình văn hóa văn nghệ, trò chơi có thưởng phục vụ người lao động.
Liên đoàn Lao động Đà Nẵng sẽ hỗ trợ gần 20.000 suất quà (500.000 đồng/suất) cho đoàn viên khó khăn dịp Tết 2024, tặng hơn 30.000 phiếu mua hàng (3 tỉ đồng) cho người lao động mua sắm tại chợ Tết Công đoàn.
Chị Nguyễn Thị Hải (47 tuổi) làm tại Khu công nghiệp Liên Chiểu chọn mua một vài món bánh mứt mang về làm quà nói: "Nhiều người tôi quen ở các công ty khác mất việc phải về quê từ sớm. Mình còn việc, được lo cả sắm Tết thế này là niềm vui lớn lắm".
San sẻ khó khăn cùng người ở trọ
Nhiều chủ trọ tại TP.HCM đã chuẩn bị tiệc tất niên, tặng quà, lì xì cho người lao động sắp tới. Bà Kim Hồng - chủ khu lưu trú số 48 (quận Bình Tân, TP.HCM) - tự làm mứt dừa, chuẩn bị quà tặng động viên công nhân trong khu lưu trú, tính cả việc tổ chức chương trình lô tô, đố vui bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị.
Cả năm qua, khu lưu trú của bà Hồng có khi trống 10/38 phòng. Dù xung quanh có tăng song bà vẫn giữ nguyên giá 1 triệu đồng/phòng, rồi đăng ký định mức điện, nước giá rẻ cho toàn khu trọ để chia sẻ thêm với công nhân.
Còn ông Nguyễn Thành Tâm - chủ một khu lưu trú tại TP Thủ Đức - khoe đang chuẩn bị cho bữa tiệc tất niên 25 bàn đãi mọi người trong khu trọ ngày 27-1 tới. Tổng số tiền tiệc, quà tặng buổi này tới 120 triệu đồng nhưng đây là truyền thống khu trọ hằng năm nên ông quyết giữ dù năm qua khá khó khăn với nhiều món "đậm chất Bình Định" quê ông Tâm như ram tôm đất, nem chả, gà, bánh hỏi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận