>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
Đại sứ Võ Anh Tuấn phát biểu tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc - Ảnh tư liệu VÕ ANH TUẤN |
Nhưng nhiệm kỳ tổng thống Đảng Dân chủ Jimmy Carter cởi mở hơn người tiền nhiệm Gerald Ford. Việt Nam đã gia nhập thành công Liên Hiệp Quốc ngay trong thời gian này”- nguyên đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng tâm sự.
Tình hình có thể đột phá nếu không xuất hiện các yếu tố địa chính trị bất ngờ...
Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc, Mỹ không phủ quyết
Lần giở những tấm ảnh lịch sử đặc biệt đã ố màu thời gian, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn vẫn chưa quên kỷ niệm mà ông chính là người trong cuộc.
“Sau nhiều nỗ lực đầy khó khăn, Việt Nam đã gia nhập Liên Hiệp Quốc ngày 20-9-1977. Có thể khẳng định thái độ của Mỹ rất quan trọng trong vấn đề này, vì các lần trước chính việc phủ quyết của Mỹ đã trực tiếp làm thất bại nỗ lực của Việt Nam dù đa số lá phiếu khác đều thuận”- ông Tuấn kể.
Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nghị quyết kết nạp Việt Nam được 106 nước “bảo trợ” với số lượng áp đảo tuyệt đối. Sang Hội đồng Bảo an, 41 nước trong và ngoài hội đồng phát biểu ủng hộ Việt Nam. Lá phiếu thường trực quan trọng của Mỹ không còn dùng quyền phủ quyết.
“Đúng 16g (giờ New York), chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Tư Lazar Mojsov gõ nhẹ búa lên bàn và tuyên bố phiên họp toàn thể bắt đầu.
Ông chậm rãi và long trọng đọc một văn bản ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa to lớn đối với tổ chức quốc tế toàn cầu này: Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí quyết định kết nạp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”- ông Võ Anh Tuấn kể cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay chào đón thành viên thứ 149.
Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên giữa bầu trời New York, tung bay cùng 148 lá cờ khác ở trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tổng thư ký Kurt Waldheim trang trọng tuyên bố: “Ngày 20-9-1977, ngày mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kết nạp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là ngày có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả Liên Hiệp Quốc.
Sau cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ giành độc lập tự do, nhân dân Việt Nam sẽ tham gia vào những cố gắng của Liên Hiệp Quốc nhằm thiết lập hòa bình và công lý trên thế giới”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trân trọng đáp lời: “Mấy chục năm qua, tuy chưa tham gia Liên Hiệp Quốc, nước Việt Nam bằng xương bằng máu đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, phấn đấu không mệt mỏi nhằm thực hiện các mục tiêu cao cả”.
Đặc biệt, chỉ ít ngày sau, ngày 5-10-1977, tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã chúc mừng Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhân sự kiện ý nghĩa này.
Hàng triệu người Campuchia đã bị tàn sát dưới chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Ngay năm 1975, quân Khmer Đỏ đã tấn công Phú Quốc, chiếm đảo Thổ Chu và thảm sát hơn 500 người Việt trên hòn đảo này - Ảnh tư liệu |
Bước ngoặt
Trong lúc các nhà ngoại giao Việt Nam Phan Hiền, Nguyễn Cơ Thạch đang nỗ lực ở Paris, New York, Tokyo để xây dựng con đường phát triển thời hậu chiến cho đất nước, thì tình hình biên giới Tây Nam ngày càng nóng bỏng với sự đánh phá, tàn sát người Việt của quân Khmer Đỏ.
Thực tế này đã gây trở ngại rất lớn cho lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
“Đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi! Việt Nam vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài với bao xương máu, đổ nát, không ai mong muốn lại có cuộc chiến mới này”- thiếu tướng Ngô Huy Phát, Bộ Quốc phòng, người đương thời của dòng lịch sử đầy máu lửa này, tâm sự.
Theo ông, ngay từ năm 1975, Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot và sự tiếp tay của Trung Quốc đã đánh phá các tỉnh biên giới phía Nam. Khởi đầu là tàn sát dân thường ở các hòn đảo, rồi lan dần lên biên giới đất liền. Cường độ đánh phá ngày càng ác liệt và man rợ khủng khiếp.
Cuối năm 1978, trước tình thế bắt buộc không thể tránh khỏi, Việt Nam phải phản công quân Khmer Đỏ và đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Đặc biệt, ngày 3-11-1978, tổng bí thư Lê Duẩn ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev.
Hiệp ước gồm 9 điều, trong đó điều 6 thỏa thuận nếu một bên bị tấn công hoặc đe dọa tấn công thì hai bên sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng các biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hòa bình, an ninh của hai nước.
Cũng trong năm này, Việt Nam gia nhập COMECON, Hội đồng Tương trợ kinh tế của các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Trước những diễn biến mới đó, chuyến công cán ngoại giao quan trọng của thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến New York không gặt hái được kỳ vọng mong đợi. Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke vẫn giữ thái độ lịch sự ngoại giao nhưng đã thay đổi lập trường đàm phán.
“Trước những chuyển biến mới, chính phủ Jimmy Carter hoãn lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, dù trước đó Mỹ là nước chủ động đề xuất nhiều giải pháp cởi mở và Việt Nam cũng đồng ý vô điều kiện”, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm.
Mỹ đặt lại điều kiện Việt Nam phải làm rõ ba vấn đề: 1/ Phải làm rõ sự thù địch của Việt Nam với Campuchia, 2/ Thực chất Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Việt Nam với Liên Xô ra sao. 3/ Vấn đề thuyền nhân.
Trong trật tự thế giới hai cực Yalta, việc Liên Xô và Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị là bình thường như bao quốc gia đã thực hiện.
Tuy nhiên Mỹ, Trung Quốc và một số nước đã cho rằng Việt Nam đã “mở bàn đạp” cho Liên Xô đặt chân vào địa bàn chiến lược Đông Nam Á. Hạm đội Thái Bình Dương luôn sẵn sàng ở quân cảng hiểm yếu Cam Ranh.
Đặc biệt, sự trợ giúp tích cực của Trung Quốc cho đội quân Pol Pot và thái độ thù địch ngày càng căng thẳng hơn với Việt Nam đã đẩy Mỹ chọn lựa ván bài chính trị mới - ván cờ địa chính trị đầy quyền lợi thực dụng của nước lớn.
Điều này được chính tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter khẳng định trong hồi ký của mình: “Bước đi với Trung Quốc có tầm quan trọng tối cao, cho nên sau vài tuần đánh giá, tôi quyết định hoãn cố gắng về Việt Nam cho đến khi hiệp định của chúng ta ký với Bắc Kinh”.
Từ góc nhìn độc lập, hai học giả Úc là Grant Evans và Kelvin Rowley trong cuốn sách Red brotherhood at war (Chiến tranh giữa những người anh em đỏ) cũng nhìn nhận sự xoay chiều của Chính phủ Mỹ bất lợi cho Việt Nam.
Hai tác giả là giảng viên đại học này không chỉ dựa vào tư liệu mà đi thực tế ở Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Dương để tìm kiếm bản chất sự thật.
Giải thích bước ngoặt chính sách ngoại giao của Mỹ đối Việt Nam, họ khẳng định: “Lý do thật sự ngoài sự thù địch chống cộng đối với chính phủ Hà Nội, một nhân tố có tầm quan trọng ngày càng tăng là họ sợ việc bình thường hóa với Việt Nam làm tổn thương mối quan hệ đang phát triển với Trung Quốc”.
Đầu tháng 1-1979, Mỹ ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cuối tháng này, Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, hội kiến tổng thống Jimmy Carter và tuyên bố sẽ “dạy cho Việt Nam bài học”...
_____________
“Không quan hệ ngoại giao. Không buôn bán. Không viện trợ”. Đó là chính sách cứng rắn đối với Việt Nam của Ronald Reagan khi trở thành chủ nhân tòa Bạch Ốc.
Kỳ tới: Siết chặt đinh ốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận