Ba bị cáo nghe tòa tuyên án (từ trái qua): Lê Ngọc Tâm, Lê Minh Phát và Lê Tấn Khỏe - Ảnh: DUY THANH |
Theo đó, bị cáo Lê Minh Phát (26 tuổi, nguyên công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) bị phạt 7 năm 6 tháng tù tội “cố ý gây thương tích”, 1 năm tù tội “bắt người trái pháp luật”, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Lê Tấn Khỏe (16 tuổi, ở xã Vạn Long) bị phạt 3 năm tù tội “cố ý gây thương tích”.
Bị cáo Lê Ngọc Tâm (33 tuổi, nguyên công an xã Vạn Long) bị phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm.
Bị cáo Phát và cha mẹ bị cáo Khỏe liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình em Thạch tổng cộng hơn 211 triệu đồng, cụ thể mỗi bên phải trả gần 106 triệu đồng.
So với mức án của phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất do TAND huyện Vạn Ninh tuyên, thì mức án của Phát bị tuyên lần này nặng hơn 1 năm 9 tháng tù, bằng với mức án đề xuất cao nhất của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đối với bị cáo này. Hai bị cáo còn lại mức án như cũ.
Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Phát không mâu thuẫn với bị hại Tu Ngọc Thạch, lẽ ra khi nghe xích mích giữa Thạch và Khỏe có thể dẫn đến đánh nhau thì cần phải báo cho lãnh đạo công an xã Vạn Long, nhưng Phát tự ý truy bắt, dùng tay, chân đánh vào đầu, mặt, người của Thạch nhiều lần, gây thương tích nghiêm trọng. Hơn thế, Phát phạm tội với Thạch khi nạn nhân là trẻ em, không còn khả năng tự vệ vì bị Phát còng tay, hành vi của Phát có tính côn đồ, nên cần phải xử lý nghiêm khắc.
Hành vi phạm tội của bị cáo Khỏe cũng nghiêm trọng, xem thường sức khỏe, tính mạng người khác, nhưng bị cáo phạm tội khi còn là trẻ em nên được xem xét giảm án.
Bị cáo Tâm phạm tội đối với trẻ em, nhưng có nhân thân tốt, đã hai lần ngăn không cho Phát đánh Thạch, nên được xem xét cho hưởng án treo.
Về đề nghị của các luật sư đối với việc khởi tố ông Võ Ngọc Hòa, trưởng Công an xã Vạn Long tội “bắt người trái pháp luật” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tòa cho là không có căn cứ.
Tòa cho rằng ông Hòa không chỉ đạo và không biết Phát, Tâm bắt Thạch. Việc chỉ đạo ghi lời khai của Thạch là đúng chức trách, nhiệm vụ nên không phải là mặc nhiên đồng tình với việc bắt người. Biết Phát đánh Thạch nên ngay ngày hôm sau ông Hòa đã tổ chức kiểm điểm đối với Phát.
Trưởng công an xã Vạn Long cũng không biết tình trạng thương tật của Thạch ở mức độ nào nên không đưa đi cứu chữa. Hành vi của ông này không cấu thành các tội như các luật sư đề nghị.
Đối với ông Huỳnh Trung Thắng, phó trưởng Công an xã Vạn Phước, tòa cũng nhận định là không đủ yếu tố cấu thành tội “bắt người trái pháp luật”. Lý do là ông Thắng chỉ nghe bị cáo Tâm điện thoại đề nghị phối hợp để bắt nhóm thanh niên đánh nhau ở xã Vạn Long đang chạy về xã Vạn Phước nên đã phối hợp, khi phát hiện ra Thạch đã kéo ra và giao ngay cho Phát.
HĐXX cho rằng ông Thắng bắt Thạch là khách quan, vì công việc chung, đúng theo quy chế phối hợp của công an các xã phía bắc Vạn Ninh.
Như TTO đã phản ánh, chiều 29-12-2013, do có mâu thuẫn từ trước nên Khỏe đã dùng vỏ chai nước khoáng thủy tinh ném trúng đầu Thạch. Sau đó một thời gian ngắn, Tâm nghi Thạch đi tìm Khỏe đánh trả nên đã điện thoại cho Phát đi bắt, gọi ông Thắng phối hợp.
Khi bắt được Thạch tại xã Vạn Phước và tại phòng làm việc Công an xã Vạn Long, Phát đã dùng tay, chân đánh, đá, đấm nhiều cái vào đầu, mặt, người Thạch. Rạng sáng 30-12-2013, Thạch ngất xỉu, được gia đình đưa đi cấp cứu, sáng 31-12-2013 thì tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Vụ án được TAND huyện Vạn Ninh xử sơ thẩm lần thứ nhất vào tháng 11-2014. Tháng 3-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm tuyên trả hồ sơ điều tra lại vì cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận