Apple Inc đang bị kiện vì cố tình làm chậm Iphone - Ảnh tư liệu
TAND TP.HCM vừa có thông báo trả lại đơn khởi kiện của hai luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (Đoàn luật sư TP. HCM) về việc tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bị đơn là Tập đoàn Apple (Apple Inc) có trụ sở tại Việt Nam.
Lý do theo TAND TP.HCM vì trước đó đã ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện nhưng đã hết thời hạn quy định mà nguyên đơn không thực hiện yêu cầu này. Do đó, đơn khởi kiện của hai luật sư chưa đủ điều kiện để được thụ lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết ông rất bất ngờ trước lý do mà TAND TP.HCM đưa ra để không thụ lý vụ án. Bởi sau khi nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, ông đã bổ sung đầy đủ, đúng hạn theo yêu cầu của tòa.
"Tòa án yêu cầu chúng tôi bổ sung chứng cứ chứng minh hành động cũ xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khởi kiện; xác định chính xác người khởi kiện là hai luật sư hay toàn thể người tiêu dùng Việt Nam;
Các chứng cứ chứng minh Công ty TNHH Apple Việt Nam là đại diện thương nhân cho Apple Inc; các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch thuật, công chứng.
Tất cả các yêu cầu này đều đã được chúng tôi bổ sung đúng hạn kèm theo giải trình bổ sung hồ sơ. Không hiểu tại sao tòa án lại viện lý do để trả lại đơn" - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết
Theo luật sư Hùng, ông đang cân nhắc giữa việc khiếu nại hay khởi kiện thông báo không thụ lý vụ án của TAND TP. HCM.
Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng Apple Inc cố tình làm chậm điện thoại iPhone khi người dùng cập nhật hệ điều hành mới.
Theo các nguyên đơn, Apple phát tán hệ điều hành mới buộc người tiêu dùng phải đưa ra lựa chọn: phải thay pin mới hoặc phải mua điện thoại mới. Điều này dẫn đến hệ quả giá trị tài sản (là điện thoại) của người tiêu dùng bị giảm xuống, đưa đến các thiệt hại khác về kinh tế.
Nhận thấy các vấn đề nêu trên là khuyết tật kỹ thuật của sản phẩm do nhà sản xuất tạo ra một cách cố ý, luật sư Hùng và luật sư Tùng đề nghị TAND TP.HCM căn cứ vào pháp luật của VN để bảo vệ toàn bộ quyền lợi của người VN.
Tính đến nay, đã có gần 4.800 người Việt Nam đăng ký tham gia vụ trên web do các luật sư lập ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận