TTCT - Dự thảo Luật đất đai sửa đổi giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất cho tòa án các cấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất và tài sản gắn liền với đất cho tòa án các cấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đó là một tinh thần xem tranh chấp đất đai thực sự là quan hệ tranh chấp dân sự, không kể là đất đã có giấy chủ quyền hay chưa. Như vậy, không còn trường hợp tranh chấp đất đai nào thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND.TS. Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Luật ĐHQG, Thanh Đạm"Đó là một hướng đi đúng, nhưng cũng sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định" - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) trao đổi với TTCT.Giải quyết bằng quy tắc pháp luật về tài sảnVới tinh thần này của dự thảo, có phải người sử dụng đất (dù chưa được Nhà nước công nhận) đã được nhìn nhận ở tư thế khác?Thực tế đã có rất nhiều trường hợp, việc tiếp cận đất đai xuất phát từ nhu cầu chủ động của người dân và hoàn toàn độc lập với ý chí của Nhà nước. Do sinh kế, bản năng sinh tồn mà người dân chủ động tiếp cận đất đai, định vị mình trong quan hệ với đất, qua thời gian họ khẳng định tư thế của mình trong quan hệ với đất và yêu cầu Nhà nước thừa nhận tư thế đó. Cách tiếp cận đất đai trên hoàn toàn phù hợp với quy luật về tiếp cận đất đai trong luật nguyên sơ. Mặc dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân tiếp cận quyền sử dụng đất luôn trong tâm thế là người chủ động, tự kiến lập miếng đất họ đang chiếm giữ thành tài sản dân sự. Như vậy, việc xác lập quyền sử dụng đất không chỉ xuất phát từ sự chủ động của Nhà nước trong việc ra những quyết định giao đất cho thuê đất.Khi Nhà nước thu hồi đất thì phải bồi thường chứ không có chuyện đất chưa có giấy chủ quyền thì người sử dụng đất chỉ được hỗ trợ. Đã xem quyền sử dụng đất là tài sản như nhau thì thân phận người sử dụng đất cho dù có giấy hay không có giấy là như nhau, đều đủ điều kiện bồi thường như những tài sản khác bị thiệt hại. Quy định hiện hành chỉ xem người sử đụng đất chưa có giấy chủ quyền là chiếm dụng đất bất hợp pháp, khi đất bị thu hồi chỉ được hỗ trợ không được bồi thường. Quan niệm này không còn hợp thời nữa, đã đến lúc Nhà nước dũng cảm thừa nhận thực tại này mà có những ứng xử khác đi.Từ "tư thế khác" đó, tranh chấp giữa những người sử dụng đất cũng phải được giải quyết bằng cách khác?Một khi đã nhìn nhận thực tại trên, khi có tranh chấp tức có nhiều chủ thể trong tư thế chiếm hữu tranh giành một tài sản không rõ chủ sở hữu. Quan hệ này phải được giải quyết tại tòa án, giải quyết theo Luật dân sự. Tòa án dựa vào quy tắc của Luật dân sự, là những quy tắc thâm sâu nhất của pháp luật tài sản, đặc biệt là quy tắc chiếm hữu ngay tình liên tục, công khai để xử là hợp tình hợp lý.Nhiều người lo tòa án sẽ không có đủ thông tin khi xét xử những vụ tranh chấp đất chưa có giấy chủ quyền?Có cái gì bắt đầu dễ đâu. Đất chưa có giấy chủ quyền thì hồ sơ về đất đai cũng chưa chắc có ở UBND. Quá trình xét xử và chính bản án của tòa sẽ tạo ra hồ sơ cho đất, là những hồ sơ thông tin ban đầu của phần đất bị tranh chấp và các diện tích đất liên quan. Đây mới là hồ sơ bền vững và chính xác.Tòa phải tiếp nhận chứng cứ dân gianHiện tại, thời gian xét xử nhiều vụ tranh chấp đất đai kéo dài 5-7 năm, thậm chí 10 năm. Phía tòa án phải làm gì để cải thiện tiến độ xét xử?Giải quyết tranh chấp đất đai ở tòa án. Ảnh: BANNONLAWGROUPĐể rút ngắn thời gian xét xử các vụ tranh chấp đất đai cần sự hợp tác của nhiều phía, tòa án không thể một mình xử lý hết. Một khi đã xem là tranh chấp dân sự thì chuyện thắng thua là chuyện của các bên chứ không phải của tòa. Tòa chỉ ngồi xử theo chứng cứ. Nếu các bên muốn vụ việc được xét xử sớm thì phải cung cấp chứng cứ để tòa có cơ sở xét xử.Để tòa án giải quyết tranh chấp đất đai là con đường tất yếu mà hệ thống pháp luật về tổ chức tòa án và tố tụng phải sửa đổi. Tòa án chỉ là trọng tài, không phải bên đi thu thập chứng cứ thay đương sự. Hết thời hạn theo luật định, tòa đem vụ án ra xét xử theo những chứng cứ mà các bên cung cấp. Bên nào không cung cấp được chứng cứ bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc chứng cứ yếu hơn thì sẽ bị xử thua. Như vậy tòa án sẽ không quá tải, không phải kéo dài thời gian xét xử một vụ việc quá lâu.Nếu các bên tranh chấp chỉ là người dân bình thường thì khả năng tìm kiếm thông tin của vụ việc không bằng tòa án?Người dân không thể đổ lỗi cho thiết chế công quan liêu để chối bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của mình. Tất nhiên, thực tế cũng có những tài liệu về quản lý nhà nước mà người dân không được quyền biết, không thuộc danh mục được công khai, cung cấp cho công chúng. Nhưng chứng cứ không chỉ có ở các cơ quan quản lý nhà nước.Mặt khác, chứng cứ lưu tại cơ quan chức năng chưa chắc đã chính xác. Đã nói đất chưa có giấy tờ, chưa có đăng ký thì cơ quan chức năng cũng khó có tài liệu, chứng cứ lưu trữ.Trong điều kiện hiện tại, Nhà nước quản lý đất đai còn nhiều lỗ hổng thì việc người dân tự chiếm dụng đất, quản lý, canh tác trên đất, tạo quyền thực tế đối với miếng đất thì mọi bằng chứng chiếm dụng đất chỉ dựa vào bằng chứng thực tế, nói nôm na là bằng chứng dân gian. Ví dụ, một khu đất của Nhà nước nhưng Nhà nước không quản lý, người dân đã chiếm dụng, quản lý và canh tác liên tục, lâu dài đủ điều kiện quy định thì nay muốn công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất phải chứng minh mình ở, canh tác trên đất, làm ra của cải vật chất từ đất kể từ thời điểm nào đó mà không có ai đuổi. Đôi khi vé xe đò chở người dân đến lập nghiệp có lưu ngày tháng năm hay bảng viết tay tính toán tiền bán nông sản từ đất có xác định ngày tháng cũng là chứng cứ. Một khi đã gọi là tranh chấp dân sự thì tòa án phải chấp nhận những chứng cứ dân gian như vậy chứ giấy tờ chính thống thì lấy đâu ra! Tòa án phải mở ra để chấp nhận những loại chứng cứ dân gian để giải quyết tranh chấp chứ không chỉ cứng nhắc đòi hỏi những chứng cứ "giấy trắng mực đen con dấu đỏ".■Đồ họa: Tấn đạt UBND giải quyết tranh chấp đất đai: bất hợp lýHiện tại, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu với vai trò quản lý đất đai, trao quyền sử dụng đất, phân phối quyền sử đụng đất, nghĩa là Nhà nước ở thế chủ động. Còn người dân muốn có đất phải làm đơn xin.Bởi vậy mới có quy định khi người dân không có giấy chứng nhận, tức người dân tiếp cận đất đai trong tình trạng bất hợp pháp, thì quyền sử dụng đất lúc này không được xem là tài sản của người dân. Và khi tranh chấp thì chỉ có UBND giải quyết, các bên tranh chấp không có quyền đi gõ cửa tòa án.Thậm chí, việc giải quyết tranh chấp đất đai có thời còn được độc quyền giao cho UBND, không kể đất đã có giấy chứng nhận hay chưa. Sau đó, luật cải cách theo hướng giao cho tòa án giải quyết tranh chấp đất đã có giấy chủ quyền, UBND giải quyết tranh chấp đất chưa có giấy chủ quyền. Cách này tồn tại đến nay nhưng đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN Hòa giải tranh chấp đất đai ở phường: chỉ nên khuyến khíchTheo Luật đất đai 2013, việc hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai. Tòa án chỉ nhận đơn khởi kiện khi có biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã.Dự thảo Luật đất đai đang lấy ý kiến không có nội dung thể hiện việc hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã có bắt buộc hay không.Thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã có ưu điểm là các bên tranh chấp không tốn án phí và có thể áp dụng thủ tục công nhận hòa giải thành ngoài tòa. Tuy nhiên, nếu là thủ tục bắt buộc, việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã chưa thể phát huy được tính hiệu quả trên thực tế. Cụ thể, tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai gây áp lực lớn cho UBND cấp xã, trong khi kết quả hòa giải chỉ là một "thủ tục" nhỏ trong quá trình giải quyết tranh chấp.Trong khi đó, khái niệm tranh chấp đất đai có phạm vi khá rộng, có thể là quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, ngoài hợp đồng hoặc, cũng có thể là quyền sử dụng đất, kể cả những tranh chấp về giao dịch liên quan đến đất đai, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng... Vì vậy những gì liên quan đến đất đai đều được quy về tranh chấp đất đai khiến số lượng vụ việc cần hòa giải ở UBND cấp xã rất nhiều.Hơn nữa, thành phần hội đồng hòa giải được quy định có "người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó", nhưng thực tế những người này lại rất ngại tham gia, lo mâu thuẫn với các bên tranh chấp. Nhiều trường hợp thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã kéo dài vì không mời được đúng thành phần theo luật định. Khi đó, thủ tục hòa giải ở UBND cấp xã trở thành rào cản, làm chậm quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án.Theo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa, việc hòa giải tại tòa án có thẩm phán tham gia và có thể được tòa án công nhận. Nếu bắt buộc phải hòa giải ở xã nữa thì quy trình giải quyết tranh chấp đất đai buộc phải hòa giải hai lần, không cần thiết.Tuy nhiên, với ưu điểm không tốn phí và giữ được hòa khí, tình làng nghĩa xóm giữa những người láng giềng, việc hòa giải tranh trong chấp đất đai nên được khuyến khích. Điều khoản này nên sửa thành "Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở, hòa giải tại ủy ban nhân dân cấp xã hoặc hòa giải tại tòa án". Tuyệt đối không quy định hòa giải bắt buộc như một thủ tục "con".TS Thái Thị Tuyết Dung Tags: Tranh chấp đất đaiDự thảo Luật đất đaiGiải quyết tranh chấpPhó hiệu trưởngĐH Kinh tế luậtLuật đất đaiQuyền sử dụng đấtTS Nguyễn Ngọc Điện
Bầu cử Mỹ: Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.