'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si'

XUÂN MINH 05/10/2024 09:42 GMT+7

TTCT - Khi người mua không còn quan trọng tiêu chí bền - chỉ thích bấm điện thoại là hàng giao tới tận cửa - người bán sẽ sẵn sàng thích nghi, kết quả là một số quốc gia đang phát triển trở thành nghĩa địa đồ si.

'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si' - Ảnh 1.

Ảnh: earth.org

Thời trang rẻ, đẹp, nhanh tàn phá môi trường là chuyện không mới. Mọi thứ chỉ trầm trọng hơn khi công nghệ mua sắm ngày càng thuận tiện và ông vua mới của thời trang nhanh xuất hiện.

Năm 2023, Công ty Shein (Trung Quốc) đạt doanh thu hơn 30 tỉ USD và trở thành bá chủ mới của ngành thời trang nhanh toàn cầu. Thành lập tại Nam Kinh vào tháng 10-2008, sau hơn một thập kỷ, Shein đã trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. 

Khi người mua không còn quan trọng tiêu chí bền - chỉ thích bấm điện thoại là hàng giao tới tận cửa - người bán sẽ sẵn sàng thích nghi, kết quả là một số quốc gia đang phát triển trở thành nghĩa địa đồ si.

Ông vua mới của thời trang nhanh

Theo NPR, Shein dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để liên tục giới thiệu các mẫu mã mới hợp xu hướng với giá chỉ tầm 10-15 USD nên rất được lòng các bạn gái tuổi teen và cả mẹ của họ. Shein tung ra đâu đó 10.000 mặt hàng mới mỗi ngày trên trang web với đủ kích cỡ, dành cho mọi sở thích. 

Shein không sản xuất hàng loạt với số lượng lớn mà chỉ làm thử vài trăm chiếc. Một khi có nhiều người bắt đầu mua một mẫu nào đó, công ty sẽ sản xuất thêm vì họ chỉ cần 10 ngày để biến một thiết kế thành sản phẩm thực sự.

Shein tiếp cận khách hàng bằng mạng xã hội, email… Nhiều video "đập hộp" hàng hóa của Shein với hashtag #sheinhaul thu hút cả tỉ view trên mạng xã hội. Ta luôn có cảm giác mình tiết kiệm được tiền trong thế giới Shein, từ móng tay giả đến đèn cầy, từ quần áo đến phụ kiện… chúng rẻ gấp nhiều lần hàng hiệu, chỉ bằng nửa giá, thậm chí rẻ hơn so với những đối thủ trong phân khúc thời trang nhanh khác. Rồi ta nhận ra mình có thể tốn 200-300 USD cho mỗi lần mua sắm chơi chơi.

Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, website của Shein có khoảng 600.000 mặt hàng với mức giá trung bình chỉ tầm 10 USD (250.000 đồng). Shein từ chối bình luận về những con số này nhưng xác nhận rằng mô hình kinh doanh của công ty là đột phát và khác biệt (nhờ AI phân tích gu của người mua). Khác biệt còn ở chỗ, Shein gửi các đơn hàng cá nhân bằng đường hàng không đến tận nhà ở 150 quốc gia, điều mà các đối thủ khác đã bị chậm chân.

Theo báo cáo phát triển bền vững của Shein, công ty tạo ra tổng cộng 16,7 triệu tấn CO2 năm 2023 - gần gấp đôi mức 9,17 triệu tấn năm 2022. "Chi phí thực tế của một món đồ trị giá 5 USD… cao hơn rất nhiều so với số tiền 5 USD, nếu chúng ta xem xét tác động đến môi trường" - Sheng Lu, giáo sư về thời trang và công nghệ Đại học Delaware, nói với NPR.

'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si' - Ảnh 2.

Ảnh: Fast Company

Business of Fashion, một ấn phẩm thương mại phân tích báo cáo phát triển bền vững của Shein và kết luận Shein là công ty phát thải nhiều nhất trong ngành thời trang năm 2023, vượt xa Zara, H&M hay Nike.

Giáo sư Lu cho biết phát thải của Shein đặc biệt cao do "ship" hàng bằng đường hàng không, trong khi các thương hiệu lớn khác thường chọn vận tải đường biển có giá rẻ hơn. Các hãng khác cũng có nhà cung cấp và kho hàng ở nhiều quốc gia, từ đó gửi hàng đến người mua. 

Dù đặt trụ sở tại Singapore và có nhà cung cấp ở một số quốc gia, phần lớn hàng thời trang của Shein được sản xuất tại Trung Quốc và được gửi bằng đường hàng không đến địa chỉ riêng cho khách hàng. Trong tháng 7, công ty đã gửi khoảng 900.000 đơn hàng cá nhân đến Mỹ mỗi ngày.

Nghĩa địa quần áo cũ

Ngày 26-9-2021, một bức ảnh chụp từ trên không ở sa mạc Atacama, thành phố Iquique, Chile được đăng tải rộng rãi trên báo chí toàn cầu khiến người xem giật mình: một núi quần áo cũ ở sa mạc hoang vắng.

Không ai biết chính xác Chile nhập bao nhiêu quần áo cũ mỗi năm, song con số ước tính là khoảng 60.000 - 44 triệu tấn. Mỗi ngày tại cảng Iquique, những chiếc cần cẩu khổng lồ miệt mài cẩu các container quần áo cũ trên boong tàu để xếp lên xe tải. Điểm đến đầu tiên của các container là khu thương mại tự do gần đó để trả hàng vào nhà kho của 52 nhà nhập khẩu đồ si. 

Chile là quốc gia nhập khẩu hàng si nhiều nhất ở Mỹ Latin. Tại đây, người ta sẽ mở container và các kiện quần áo sẽ được bán cho người mua sỉ. Người mua không kiểm hàng nhưng bù lại, họ mua rẻ trên tinh thần hên xui, mặc dù một số món sẽ không thể bán nhưng nếu bán được 40% số hàng là có lãi.

Theo nhóm vận động môi trường toàn cầu Ekō (trước có gọi là SumOfUS), khoảng 85% lượng đồ si nhập khẩu vào Iquique vẫn chưa bán được. Luật liên bang Chile quy định vứt bỏ hàng dệt may là bất hợp pháp nhưng người ta cứ lén vào sa mạc hoang vắng mà vứt bỏ những món đồ không còn được ai yêu thích của tất cả các thương hiệu từ bình dân tới cao cấp: Nautica, Adidas, Wrangler, Old Navy, H&M, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger, Forever 21, Zara, Banana Republic… 

Năm này qua tháng khác, nghĩa địa đồ si trong sa mạc Chile chất thành núi. Sáu tháng sau khi tấm hình nổi như cồn, vô tình hay cố ý, bà hỏa đã thiêu rụi núi quần áo cũ, khói đen và chất độc được dịp hòa vào không khí và để gió cuốn đi.

'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si' - Ảnh 3.

Một góc “nghĩa địa đồ si” ở Iquique, Chile. Ảnh: MARTIN BERNETTI/AFP

Tương tự, đồ si đang đầu độc môi trường sống, bãi biển và sinh vật đại dương ở Ghana nhưng chính quyền sở tại hầu như bó tay. Theo Or Foundation, tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Accra, Ghana - quốc gia châu Phi - là một trong những địa chỉ nhập quần áo cũ lớn nhất thế giới từ các nước phát triển với khoảng 15 triệu sản phẩm/tuần.

Cũng như ở Chile, đồ si này sẽ được đưa đến chợ Kantamanto, một khu đất rộng khoảng 7,2ha cách bãi biển Jamestown 1,5km để được tuyển lựa. 40% số quần áo sau khi vòng sơ khảo sẽ bị loại và được xem là rác. 

Tuy nhiên, Accra không có cơ sở hạ tầng xử lý rác vải nên loại rác này cuối cùng bị dạt ra bãi biển Jamestown. Tại bờ biển này, quần áo cũ mủn vì mưa nắng đã che khuất bãi cát, không ai dám xuống tắm. Tầng tầng lớp lớp quần áo cũ ứ đọng trên bãi biển khiến một loài rùa bản địa rất khó đẻ trứng. Nếu không tìm ra giải pháp, loài rùa này sẽ tuyệt chủng.

Theo Solomon Noi, trưởng bộ phận quản lý rác thải của Or Foundation, quần áo cũ mục trên bãi biển và bờ biển chỉ là những gì ta nhìn thấy. Nhiều thứ như áo khoác, quần jean, túi xách, giày, thắt lưng có thể chìm xuống đáy đại dương, ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh và làm hỏng đáy biển.

Tháng 9 vừa qua, Tổ chức Greenpeace châu Phi đã kiến nghị Chính phủ Ghana quản lý việc nhập quần áo cũ và yêu cầu các công ty thời trang phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với sản phẩm sau tiêu dùng của họ. 

Kiến nghị nêu rõ: "Mỗi tuần có tới 500.000 áo, quần các loại từ chợ Kantamanto được đưa đến các bãi rác lộ thiên hoặc đổ trộm ở các bãi rác không chính thức". Greenpeace cho rằng thời trang nhanh chính là chất độc chậm và Ghana đang uống loại chất độc này mỗi ngày.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Những núi quần áo cũ đang gây ô nhiễm nghiêm trọng ở Ghana, Chile đến từ nhiều thương hiệu xa xỉ có, bình dân có. Những tín đồ mua sắm ở nước phát triển thường không bận tâm quần áo họ mặc một lần hoặc vài lần rồi thôi sẽ đi về đâu. Kể cả có biết thì khuất mặt khuất mày, niềm vui của việc mua bộ cánh mới với giá rẻ như cho thật khó cưỡng. 

Kết quả là số lượng quần áo cũ nhập khẩu các quốc gia như Chile và Ghana đang trở thành một thảm họa ngoài tầm kiểm soát chính quyền nước sở tại.

Các tổ chức như Or Foundation đã tiếp cận công ty và các thương hiệu thời trang lớn để yêu cầu họ hỗ trợ các quốc gia như Ghana quản lý chất thải do quần áo si nhập gây ra, như một phần của trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với sản phẩm vào cuối vòng đời. Tuy nhiên, theo Or Foundation, "hầu hết các thương hiệu chưa coi đó là trách nhiệm của họ".

'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si' - Ảnh 4.

Rác kín bờ biển ở Ghana. Ảnh: MUNTAKA CHASANT/SHUTTERSTOCK

Theo công bố của Hiệp hội thời trang Anh, lượng quần áo đã sản xuất hiện nay trên thế giới đủ cho sáu thế hệ nữa mặc. Thừa mứa là thế nhưng lượng quần áo được sản xuất và bán ra vì các xu hướng thời trang theo mùa liên tục nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta "chẳng có gì để mặc" trong tủ quần áo chật cứng của mình.

Giới lập pháp ở Mỹ và châu Âu đã bắt đầu chú ý đến phát thải nhà kính của ngành thời trang và đang xây dựng các dự luật nhằm hạn chế tác động đến môi trường của ngành công nghiệp này. 

Dù sao đi nữa, khó có đạo luật nào có thể hạn chế dòng chảy của những chiếc quần jean giá 100.000, 200.000 đồng, được gói trong túi ni lông được gửi đến thẳng cửa nhà chúng ta.

Theo The Guardian ngày 24-9, California có thể trở thành bang đầu tiên của Mỹ giải quyết các vấn đề môi trường liên quan tới thời trang nhanh thông qua dự luật "hàng dệt may có trách nhiệm". Dự luật hiện đã được cơ quan lập pháp bang thông qua và chỉ còn chờ chữ ký của Thống đốc Gavin Newsom là chính thức thành luật.

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường, chỉ có 15% hàng dệt may ở Mỹ được tái chế. Dự luật yêu cầu các công ty may mặc hoạt động ở California tự xây dựng hoặc tài trợ cho các chương trình đảm bảo quần áo cũ được sửa chữa, tái sử dụng và tái chế để giải quyết vấn nạn lãng phí và sản xuất dư thừa trong ngành thời trang. Đây là hình thức áp đặt trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất đã phổ biến với đồ điện tử và bao bì nhựa.

Dự luật được kỳ vọng sẽ khuyến khích các công ty dệt may tạo ra những sản phẩm có độ bền cao, tái chế nhiều hơn và sản xuất ít hơn.

'Tân vương' thời trang nhanh và 'nghĩa địa đồ si' - Ảnh 3.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận