Một đứa trẻ sơ sinh đang được điều dưỡng viên điều trị trong lồng ấp, do sinh non nên phần lớn các bé đều gặp vấn đề về hô hấp - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đó là những hình ảnh quen thuộc tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Hiện tại Trung tâm có 150 cán bộ nhưng có đến 90% thầy thuốc ở đây là nữ.
Theo Bác sỹ Nguyễn Thu Hoa - phó giám đốc Trung tâm: Trung tâm hiện đang chăm sóc 377 trẻ, 254 trẻ đang nằm trong lồng ấp, số còn lại nằm với mẹ và sẽ có thầy thuốc đến tận giường của bé.
Đặc biệt trong số đó có khoảng 100 trẻ đang điều trị có trọng lượng dưới 1 kg, bé nhỏ nhất chỉ nặng 500 gr và ra đời ở tuần thứ 24 của thai kỳ.
"Mỗi ca trực của chúng tôi kéo dài khoảng 12 tiếng, trong thời gian ấy chúng tôi chỉ được nghỉ rất ít vì tất cả các con đều thuộc diện cấp cứu, bất kỳ lúc nào cũng phải theo dõi và có can thiệp phù hợp. Để cho bé ăn, các cô dùng xi lanh loại 5 ml bơm nhẹ nhàng từng ml một.
Những bé lớn hơn có thể ăn 2-3 ml sữa sau mỗi 2g, còn các bé non yếu sơ sinh chỉ có thể ăn 1 ml, trước khi cho bé ăn các cô phải kiểm tra xem bé có vấn đề gì không. Chỉ đi lại trong trung tâm, mỗi ngày như vậy tôi phải đi bộ khoảng 3km" - bác sĩ Hoa chia sẻ thêm.
Sau đây là chùm ảnh thường ngày của các điều dưỡng:
Điều dưỡng viên Mạc Thị Huyền đang chăm sóc cho bé Đinh Thị Gái 3 tháng tuổi. Bé Gái bị mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng, giờ đây mọi sinh hoạt của bé Gái đều được các bác sĩ và các điều dưỡng viên tại Bệnh viện chăm sóc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các điều dưỡng viên đang cho các bé uống sữa mẹ, sữa sẽ được mẹ các bé vắt ra các bình chứa rồi được các điều dưỡng viên vận chuyển vào các phòng cách ly nơi trẻ được điều trị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Điều dưỡng viên Lê Anh Thư (bên phải) với thâm niên hơn 20 năm công tác đang điều trị cho các bệnh nhi bị nặng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bác sỹ Nguyễn Thu Hoa, PGĐ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đang khám bệnh cho một trẻ sơ sinh có cân nặng chỉ khoảng 500g - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bàn chân của một trẻ sơ sinh đang được điều trị tại trung tâm. Những trẻ bị nặng được bơm thuốc liên tục vào cơ thể để cung cấp dinh dưỡng và sức đề kháng cho trẻ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Trần Thị Kình cảm thấy rất hạnh phúc khi lần đầu tiên được nhìn thấy cháu ngoại của mình, cháu ngoại của bà Kình sinh non nên sau khi sinh được chuyển ngay đến Trung tâm chăm sóc, hiện tại sức khoẻ của bé đã ổn định và sắp được ra viện - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các bác sĩ và điều dưỡng viên tại đây làm việc 12 tiếng mỗi ngày, do số lượng trẻ sinh non khá lớn nên áp lực công việc là không hề nhỏ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một điều dưỡng viên đang thăm khám cho một trẻ sơ sinh, tại đây có bé chỉ 4, 5 ngày đã có thể ra viện, những trường hợp nặng hơn có thể phải nằm điều trị cả tháng trời. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một điều dưỡng viên làm việc ca trực đêm (20 giờ tối đến 7 giờ sáng) đang nghiên cứu hồ sơ về tình trạng sức khoẻ của các trẻ đang nằm điều trị tại trung tâm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một đứa trẻ sinh non đang được một điều dưỡng viên bế từ khoa đẻ xuống trung tâm chăm sóc. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Người thân của một gia đình có trẻ tử vong do sinh non đang đứng đợi phía ngoài trung tâm, nhiều bé sinh non tiên lượng xấu đều được đưa từ Khoa Đẻ về trung tâm chăm sóc, tuy nhiên nhiều bé không qua khỏi. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bữa ăn trưa của các Bác sĩ và điều dưỡng viên tại Trung tâm, do đặc thù công việc nên các cán bộ tại trung tâm chỉ có khoảng 30 phút để ăn trưa. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hết ca trực, một điều dưỡng viên chuẩn bị trở về nhà. Mỗi điều dưỡng viên làm việc khoảng 12 tiếng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Điều dưỡng viên Nguyễn Thuý Quỳnh trang điểm nhẹ sau khi kết thúc ca trực ban ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một điều dưỡng viên trở về nhà vào lúc 8 giờ tối, ngày hôm sau chị sẽ chuyển ca trực từ ban ngày sang ban đêm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
9 giờ tối, trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh vẫn sáng đèn, một ca trực đêm lại bắt đầu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận