13/01/2018 13:47 GMT+7

“Tân trang” nhà cửa đón Xuân đề phòng tai nạn thương tích

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh niềm vui “thay áo mới” cho ngôi nhà, lại gặp không ít những nguy hiểm luôn “rình rập” nếu chúng ta bất cẩn.

“Tân trang” nhà cửa đón Xuân đề phòng tai nạn thương tích - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: cbndata.com

Không hẹn mà cùng, những ngày trước Tết cổ truyền ai ai cũng thường tất bật dọn dẹp nhà cửa, quét vôi, sơn tường, lau đèn, lau quạt bàn, quạt trần, lan can... "thay áo mới" cho nhà cửa để đón Xuân. Bên cạnh niềm vui "thay áo mới" ấy, lại gặp không ít những nguy hiểm luôn "rình rập" nếu chúng ta bất cẩn sẽ gây thương tích cho mình. Để hưởng trọn niềm vui của ngày Tết, chúng ta đừng để những điều đáng tiếc xảy ra làm cho những ngày Tết không còn trọn niềm hạnh phúc.

Những tai nạn thường gặp khi "tân trang" nhà cửa đón Xuân:

Điện giật – một tai nạn nguy hiểm có thể gây tử vong tức thì

Khi lau dọn nên lưu ý tắt công tắc điện, dùng khăn khô, đứng trên một vật dụng cách điện. Để nguồn điện, các ổ cắm điện cách xa tầm với của trẻ em. Lấy băng dính bịt kín những ổ cắm điện không dùng đến. Không sử dụng các dụng cụ điện hỏng, hở, rò điện. Khoan cắt tường hoặc đóng đinh sắt vào tường coi chừng có dây điện âm tường sẽ gây nên điện giật.

Té ngã – cũng nguy hiểm khôn lường

Một cú "té ngã", bạn có thể nghĩ "vô hại", nhưng tùy trường hợp "tai nạn" ấy có thể gây chấn thương sọ não, gãy cột sống, gãy tay, gãy chân, bong gân. Vậy khi đứng trên ghế hoặc thang phải đảm bảo sự vững chắc, cần kiểm tra thang còn đủ độ vững không vì cả năm không sử dụng bây giờ mới lấy ra, cần phải có người phụ giúp để giữ vững thang hoặc ghế cao. Leo lan can coi chừng trơn trợt vì có dính nước hay dầu nhớt lâu ngày, lan can có bị mục hay hư hỏng không. Khi lau nhà bằng nước nên ngồi xổm, lau sạch bằng khăn khô, ngăn không cho trẻ em và người già đi lại khi sàn nhà còn ướt. Đặc biệt lưu ý các vật dụng điện đang đặt trên sàn nhà cần phải được đặt lên cao nếu bạn lau sàn nhà bằng nước.

Vật nhọn đâm

Các vật dụng làm bếp nếu không được xếp gọn gàng, tránh xa tầm tay trẻ em có thể vô tình gây nên thương tích cho chính bạn cũng như con bạn vui đùa gần đó. Những vật sắc nhọn ở cánh quạt, lan can, khi lau cũng cần phải lưu ý có thể sẽ đâm xước vào tay gây chảy máu.

Ngộ độc

Có người có thể cảm thấy "buồn cười" nghĩ rằng "dọn dẹp nhà cửa làm gì mà bị ngộ độc", nhưng các bạn nên nhớ rằng khi dọn dẹp nhà cửa các lọ hoặc bình đựng các hóa chất xăng dầu..., ngày thường chúng ta cất nơi kín, nhưng khi dọn dẹp chúng ta đem ra để lau rửa, chúng ta thường hay để tạm bên ngoài sàn nhà, nhất là những nhà có trẻ em và nơi trẻ em có thể lấy được chúng bất cứ lúc nào. Bạn thử tưởng tượng rằng trẻ em sẽ uống nhầm lọ "hóa chất" này thì sẽ ra sao. Vì vậy khi lấy ra cần trông coi trẻ em và ngay lập tức nên để nơi kín đáo, tránh xa tầm tay của trẻ em.

Một số xử trí khi cần thiết

Khi đã lỡ xảy ra tai nạn, bạn cần biết một số xử trí cần thiết để tai nạn ấy không gây thương tích nặng nề hơn.

- Trẻ em uống nhầm bình lọ hóa chất xăng dầu..., ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để xử trí kịp thời. Không được gây kích thích cho bé ói, như thọc tay vào miệng... vì hóa chất có thể gây bỏng nặng hơn. Xăng dầu có tính bay hơi sẽ làm bé hít sặc vào phổi gây nguy hiểm hơn.

- Bị vật nhọn đâm, hoặc đứt da chảy máu. Nên rửa sạch vết thương bằng nước thường, băng bó vết thương, đến cơ sở y tế để được tham vấn nếu vết thương đủ trầm trọng.

- Trước một trường hợp té ngã, tùy theo tình trạng tai nạn của nạn nhân mà bạn chọn cách xử trí tốt nhất cho nạn nhân để tránh những thương tích nặng nề hơn. Nếu hiện trường bị đe dọa, chẳng hạn té rơi vào trong ao, lu, hồ nước, tường chuẩn bị đổ, hỏa hoạn... thì di chuyển nạn nhân khẩn cấp, còn nếu hiện trường an toàn nên sơ cứu ngay tại chỗ. Nếu sau khi té ngã, nạn nhân bất tỉnh, coi chừng đã bị chấn thương sọ não và kèm chấn thương cột sống cổ cũng như trường hợp sau khi té nạn nhân đau lưng, không cử động chân tay được, có khả năng nạn nhân đã bị chấn thương cột sống, không nên xoay trở nạn nhân hoặc bồng xốc nạn nhân sẽ làm gãy di lệch, chèn ép tủy cổ làm nạn nhân tử vong tức thì hoặc sẽ làm cột sống gãy di lệch nặng. Bạn có thể nhẹ nhàng lấy dị vật trong miệng nạn nhân, lau đàm nhớt giúp dễ thở. Để nạn nhân nằm yên tư thế ban đầu chờ cấp cứu của y tế đến xử lý. Trong trường hợp sau té, nạn nhân vẫn tỉnh táo, nhưng sau đó đau đầu kèm nôn ói, hoặc cảm thấy thấy tức ngực khó thở hay đau bụng dữ dội nên đưa nạn nhân vào bệnh viện kiểm tra.

- Trường hợp bị gãy chân, gãy tay, nếu bạn biết những kỹ năng sơ cấp cứu chấn thương thi dùng nẹp cứng bất động tạm thời chân tay bị gãy trước khi vận chuyển vào bệnh viện. Trường hợp vết thương chảy máu, băng ép vết thương, chuyển nạn nhân vào bệnh viện.

- Trường hợp bị điện giật: có thể gây các tổn thương bỏng da, mất ý thức, mất trí nhớ, co giật, liệt, tổn thương nội tạng do té ngã, … đặc biệt là ngưng tim, ngưng thở. Nếu bạn không có kỹ năng sơ cấp cứu, tốt nhất bạn nên cách ly nạn nhân ra khỏi nguồn điện, cúp cầu dao, sử dụng vật cách điện (sào gỗ khô) tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân và nên gọi cấp cứu đến hỗ trợ. Bạn nên nhớ một điều rằng: "Khi chưa biết phải làm gì, tốt hơn hết hãy gọi số 115".

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên