11/05/2016 07:53 GMT+7

Tân tổng thống Philippines: Vị tổng thống “vô nguyên tắc”

D.KIM THOA (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA ([email protected])

TTO - Ông Rodrigo Duterte mang khá nhiều biệt danh vì kiểu làm chính trị không giống ai của ông. Nhưng kiểu mạnh mẽ đó dường như đang lấy được lòng dân.

Ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines - Ảnh: Reuters
Ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines - Ảnh: Reuters

Ông Rodrigo Duterte, 71 tuổi, thị trưởng 7 nhiệm kỳ tại thành phố miền nam Davao, Philippines, vừa trở thành tổng thống mới của quốc gia có hơn 7.100 hòn đảo ở Đông Nam Á.

Chiến thắng của ông Duterte sẽ tạo nên bước chuyển chính trị đáng kể ở Philippines.

Bắt đầu chiến dịch tranh cử với việc tự cho mình là người ngoài cuộc, dám nói thẳng, nói thật (đôi khi… thẳng quá), ông Duterte giành thiện cảm cử tri bằng những cam kết mạnh mẽ về việc xóa bỏ đói nghèo, chấm dứt tham nhũng và diệt trừ tận gốc tội phạm.

“Duterte Harry”

Vào ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử (7-5), ông Duterte nói rõ sẽ tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn của mình trong việc điều hành đất nước nếu đắc cử tổng thống.

Những tuyên bố hùng hồn kiểu như khi ông Duterte nói về đám tội phạm ma túy: “Tôi không hề kiên nhẫn, tôi cũng không trung dung, hoặc các anh giết tôi hoặc tôi sẽ giết những lũ ngốc các anh” đã khiến dư luận đặt cho ông biệt danh là “Duterte Harry”, nhại theo tên một nhân vật chính trong bộ phim Dirty Harry (Harry bẩn thỉu) năm 1971 vốn là người không hề xem trọng luật pháp.

Không phải vô lý khi giới truyền thông so sánh ông Duterte với tỉ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống bên Mỹ. Độ “sốc” trong phát ngôn của hai chính khách này có lẽ ở mức “một chín một mười”.

Ông Duterte tai tiếng với những chuyện tếu táo về tình dục và cưỡng hiếp. Ông thường phô phang về khả năng “làm chuyện ấy” và cả tác dụng của những viên Viagra.

Thậm chí trong một sự kiện tranh cử, ông nói có hai bà vợ và hai cô con gái rồi đùa rằng ông nuôi cả một mớ “em út” trong các khu nhà trọ rẻ tiền để lúc cần là đưa tới khách sạn “vui vẻ”!

Có một chuyện mà nhiều cử tri bực bội với ông khi nói về vụ nhà truyền giáo nữ người Úc bị cưỡng hiếp tập thể và giết hại trong vụ bạo loạn xảy ra năm 1989 ở Davao, khi ông đang là thị trưởng.

Ông đã hài hước quá đà: “Trông cô ấy cứ như một diễn viên xinh đẹp người Mỹ vậy. Thật uổng quá. Họ đã xếp hàng đợi và cưỡng hiếp cô ấy. Tôi rất phẫn nộ vì việc cô ấy bị hiếp. Đó là một chuyện. Nhưng cô ấy quá xinh đẹp. Đáng lẽ thị trưởng phải là người đầu tiên (cưỡng hiếp) mới phải chứ”.

Từng đắc cử cương vị thị trưởng thành phố Davao tới 7 nhiệm kỳ trong 22 năm, ông Duterte tự hào vì dưới quyền điều hành của ông, Davao đã sạch bóng tội phạm. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận thành tích đó có được là nhờ việc áp dụng những biện pháp cực đoan.

Trong một diễn văn năm ngoái, ông tuyên bố chiến lược ứng phó tội phạm của ông là “giết sạch”. Gần đây ông nhắc lại quan điểm, nếu đắc cử ông sẽ săn lùng ráo riết bọn tội phạm, thậm chí thề sẽ tự tay giết chúng và rồi cấp cho mình một lệnh ân xá của tổng thống!

Ông cũng hứa quét sạch tội phạm chỉ trong vòng nửa năm sau khi đắc cử - một việc mà giới cảnh sát Philippines nói là không thể.

Dù vậy, không ít người dân hài lòng vì điều đó. Một tài xế xe buýt ở Davao, anh Giovanni Perucho, kể: “Cảnh sát đã làm đúng chức trách tại thành phố này. Đó là nhờ thị trưởng Duterte. Bọn tội phạm sợ ngài thị trưởng, và cảnh sát cũng sợ ông ấy. Họ biết họ phải làm việc của mình”.

Với phong cách đó, người ta cũng không ngạc nhiên khi ông từng đe dọa sẽ giải tán luôn quốc hội và thành lập một chính phủ cách mạng trong trường hợp phải đương đầu với các nghị sĩ cứng đầu không chịu hợp tác.

Chính sách đối ngoại chưa rõ

Cũng giống tỉ phú Donald Trump, ông Duterte bị phe phản đối gọi là “một ca khó đỡ”, một kiểu lệch chuẩn về phép tắc ngoại giao truyền thống khi ông đưa ra những bình luận “chả có tí ngoại giao” nào về Úc, Mỹ và Trung Quốc - ba đối tác trọng yếu trong những chính sách đối ngoại của Philippines.

Philippines là một trong những quốc gia đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.

Tuy nhiên, ông Duterte từng cảnh báo nếu trở thành tổng thống sẽ cắt đứt quan hệ với Úc và Mỹ sau khi đại sứ những nước này chỉ trích ông về bình luận liên quan tới vụ cưỡng hiếp tập thể nhà truyền giáo người Úc.

Ông cũng không giấu giếm mối ngờ vực về quan hệ đồng minh quân sự lâu nay giữa Mỹ và Philippines.

Ngay cả ở một đất nước có tới hơn 80% dân số là người theo đạo Thiên Chúa thì ông Duterte cũng chẳng ngại nêu quan điểm chỉ trích Giáo hoàng Francis cùng đoàn tùy tùng trong chuyến thăm Philippines năm ngoái đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại thủ đô Manila.

Ông nói mong Giáo hoàng sẽ không tới Philippines nữa. Tất nhiên sau đó ông Duterte có gửi thư xin lỗi Vatican về ý kiến đó nhưng rất nhiều người không quên chuyện này.

Giới phân tích dự đoán việc ông Duterte đắc cử sẽ làm suy yếu đồng peso của Philippines nếu căn cứ vào chính sách kinh tế không chắc chắn của ông.

Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Philippines đã giảm điểm lần thứ 10 trong 11 ngày trong không khí bầu cử với những băn khoăn của giới đầu tư.

Tổng thống chuẩn bị bãi nhiệm Benigno S. Aquino cho rằng việc ông Duterte trở thành tổng thống cũng tương tự với việc chính thể Philippines quay trở lại với chế độ độc tài.

Ông Aquino lo sợ ông Duterte sẽ phá hỏng nền dân chủ Philippines, cũng như sẽ phung phí các thành quả kinh tế đạt được trong 6 năm qua khi Philippines là một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất châu Á với 6,2%.

Kêu gọi hội nghị thượng đỉnh đa phương về Biển Đông

Ngay sau khi nắm chắc phần thắng, ông Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông thông qua đối thoại đa phương, trong đó có sự tham gia của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc và những nước có quyền lợi liên quan.

Theo Reuters, ông Rodrigo Duterte nói Trung Quốc cần phải tôn trọng vùng đặc quyền 200 hải lý theo luật pháp quốc tế và nên hợp tác với Philippines trong việc khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi. Ông nói: “Tôi tin vào sự chia sẻ”.

Quan điểm của ông Duterte cho tới nay vẫn gây bối rối với công luận cũng như giới ngoại giao quốc tế vì sự mâu thuẫn trong lập trường hành xử với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.

Lúc thì ông nói muốn đối thoại với Bắc Kinh, nhưng ngay sau đó lại nói sẽ đích thân chèo thuyền tới và cắm cờ Philippines lên đảo bị Trung Quốc chiếm đóng và nếu có bị bắn, ông sẽ thành anh hùng dân tộc!

D.KIM THOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên