Sự kiện bà Paetongtarn Shinawatra trở thành tân thủ tướng trẻ tuổi nhất Thái Lan đến nay vẫn là chủ đề tranh luận sôi nổi đối với những người quan tâm đến các diễn biến trên chính trường Thái.
Sự can thiệp ngầm của ông Thaksin?
Truyền thông Thái lập luận việc bà Paetongtarn nhanh chóng được đề cử, đắc cử và trở thành tân thủ tướng Thái Lan có khả năng liên quan đến sự can thiệp của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vào chính trường Thái.
Chuỗi sự kiện mở đầu vào ngày 14-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì ông bổ nhiệm vào nội các một cựu luật sư từng ngồi tù.
Vài giờ sau đó, liên minh cầm quyền tại Thái Lan do Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) dẫn đầu đã họp kín tại dinh thự Ban Chan Song La của gia tộc Shinawatra, để chọn ông Chaikasem Nitisiri làm ứng cử viên thủ tướng.
Chia sẻ với báo giới thời điểm đó, ông Chaikasem cho biết ông đã sẵn sàng đảm nhận vai trò mới, đồng thời sức khỏe của ông đã hồi phục và không gây trở ngại gì đối với công việc.
Tưởng chừng như ông Chaikasem có thể sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng một cách suôn sẻ. Nhưng trong một diễn biến vào phút chót, tên của ông đã bị gạch bỏ và thay vào đó là tên của ứng viên Paetongtarn Shinawatra - con gái của ông Thaksin.
Theo đó, bà Paetongtarn đã nhận được sự đề cử của Đảng Pheu Thai và các đại biểu Quốc hội, với lý do bà nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, bên cạnh những lo ngại về sức khỏe của ông Chaikasem trong tương lai.
Phần đáng chú ý nhất trong diễn biến chọn ứng viên lần này là các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Đảng Pheu Thai dám thách thức đề cử ông Chaikasem, vốn được phê duyệt dưới sự chấp thuận của chủ nhà Thaksin tại dinh thự Ban Chan Song La.
Theo báo Bangkok Post, lý do thật sự ẩn sau sự thay đổi bất ngờ từ ông Chaikasem sang bà Paetongtarn có khả năng liên quan đến những lo ngại về điều 28 và 29 của Đạo luật Đảng phái chính trị Thái Lan, quy định khung hình phạt trong trường hợp người ngoài can thiệp vào hoạt động của các đảng phái chính trị.
Trong trường hợp vi phạm, Ủy ban bầu cử có thẩm quyền đưa vụ việc ra Tòa án Hiến pháp Thái Lan để xét xử.
Vì vậy, sự thay đổi ứng viên vào phút chót ngay lập tức được thực hiện nhằm tránh những rủi ro về pháp lý, liên quan đến sự can thiệp của ông Thaksin. Bằng chứng là hiện tại, các đảng liên minh và Pheu Thai đều an toàn trước việc bà Paetongtarn trở thành tân thủ tướng Thái Lan.
Bước đi trên băng mỏng
Báo Bangkok Post đánh giá con đường phía trước của bà Paetongtarn có thể đầy rẫy những thử thách, đòi hỏi bà phải thận trọng trong từng bước đi. Một trong những thách thức đầu tiên là việc cha bà có khả năng sẽ can thiệp vào quá trình điều hành đất nước.
Theo đó, sự can thiệp chính trị của ông Thaksin có thể sẽ cấu thành hành vi vi phạm Đạo luật Đảng phái chính trị Thái Lan.
Một bước đi sai lầm nếu có của bà Paetongtarn hoặc ông Thaksin có thể sẽ khiến tân thủ tướng Thái Lan phải chịu số phận tương tự như cựu thủ tướng Srettha Thavisin hay cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Do đó, ông Thaksin nên tin tưởng và trao cho con gái ông quyền tự do để thực hiện bổn phận với đất nước. Sự can thiệp của ông có thể khiến bà Paetongtarn gặp phải những rắc rối lớn.
Vì vậy những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng sẽ là quãng thời gian tương đối khó khăn đối với bà Paetongtarn - người phụ nữ nắm trong tay vận mệnh quốc gia khi chỉ mới 37 tuổi.
Tân Thủ tướng Paetongtarn sẽ phải khẳng định năng lực và bản lĩnh trước các bên đối lập tại Quốc hội Thái Lan, mà không cần sự hậu thuẫn của ông Thaksin.
Bên cạnh những rủi ro phát sinh từ sự can thiệp của ông Thaksin, bà Paetongtarn sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các phe đối lập trên chính trường Thái và cần chuẩn bị tinh thần trước cách đối xử có phần gai góc từ các chính trị gia kỳ cựu, những người cũng khao khát chiếc ghế thủ tướng.
Không chỉ vậy, bà Paetongtarn phải chứng minh bản thân có đầy đủ phẩm chất lãnh đạo để dẫn dắt đất nước vượt qua mọi chông gai, đặc biệt là những vấn đề kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận