Về vụ “” xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Hà Tiên, Kiên Giang, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng và chuyên gia y tế đều cho rằng không thể chấp nhận việc hợp tác bằng việc “tận thu” người bệnh.
Với việc bệnh viện và nhà đầu tư đặt máy CT tại bệnh viện có thỏa thuận mỗi ngày chụp tối thiểu cho 5 bệnh nhân, nhiều ý kiến cho đó là sự áp đặt vô đạo đức, không thể vì lý do thiếu trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh mà cơ sở y tế liên doanh, liên kết với đối tác bằng mọi giá.
Làm sao để kiểm soát những hợp đồng “tận thu” người bệnh?
Ông Phạm Xuân Dũng (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA |
* Ông Phạm Xuân Dũng (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Phải đặt quyền lợi người bệnh lên hàng đầu
Việc liên doanh liên kết giữa bệnh viện công và các doanh nghiệp thực tế đã mang lại một số lợi ích nhất định trong một số tình huống cho người bệnh và cho bệnh viện.
Tuy nhiên, dù liên doanh liên kết bằng hình thức nào cũng phải lấy người bệnh làm trung tâm, đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân nhất.
Khi liên doanh liên kết phải giúp người bệnh được tiếp cận phương pháp chẩn đoán, điều trị mới hoặc được phục vụ nhanh chóng, thuận tiện.
Sau đó mới đến lợi ích của bệnh viện và của đối tác trong liên kết. Đối tác không thể đặt điều kiện với bệnh viện phải thực hiện được chỉ tiêu số lượng bao nhiêu ca chụp chiếu hay xét nghiệm.
Do vậy, khi đàm phán với đối tác, bệnh viện phải luôn chú ý hai vấn đề chính: lợi ích của bệnh nhân là hàng đầu và tránh lạm dụng kỹ thuật trong chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu... khi thực hiện liên doanh liên kết.
Tất cả thỏa thuận liên kết đều phải dựa trên hai nguyên tắc này. Để tránh lạm dụng thì phải quy định rất chặt chẽ.
Ông Phan Thanh Hải - Ảnh: DUYÊN PHAN |
* Ông Phan Thanh Hải (phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM, chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM):
Như vậy là không có đạo đức
Chúng tôi từng thảo luận với nhiều công ty về liên doanh liên kết và không chấp nhận việc đối tác đặt vấn đề phải thực hiện cho được bao nhiêu ca chụp chiếu, xét nghiệm cho bệnh nhân như kinh doanh.
Khi hợp tác, hai bên có thể thỏa thuận chia tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trên nguồn thu và phải dựa trên chỉ định đúng, nguồn bệnh đang có là bao nhiêu của cơ sở y tế đó. Không thể khẳng định hoặc bắt buộc là phải đạt bao nhiêu ca mỗi ngày.
Nếu đặt điều kiện số ca thực hiện mỗi ngày là gây áp lực cho cơ sở y tế, khiến họ phải tìm cách tạo ra nhu cầu giả để đạt chỉ tiêu theo thỏa thuận liên kết, gây thiệt thòi cho người bệnh vì bị chỉ định không đúng, không cần thiết.
Theo tôi, khi hợp tác mà đặt điều kiện như vậy là không thể chấp nhận, không có đạo đức.
Khi hai bên hợp tác thì chỉ cần biết là chia tỉ lệ bao nhiêu mỗi bên và thương thảo với nhau, có nhiều chia nhiều, có ít chia ít chứ không thể đặt điều kiện, ràng buộc như vậy.
Ông Đặng Văn Chính - Ảnh: THÚY ANH |
* Ông Đặng Văn Chính (chánh thanh tra Bộ Y tế):
Nên để thời gian đầu tư dài hơn
Xã hội hóa y tế thời gian qua đã thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước, và Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn
thực hiện hoạt động này bằng thông tư 15. Nhưng sau một thời gian thực hiện thì hoạt động này đã bộc lộ một số vấn đề cần điều chỉnh, Bộ Y tế cũng đang xem xét để sửa đổi thông tư 15.
Cụ thể, một trong những vấn đề nảy sinh là giao cho giám đốc bệnh viện quyết định hoạt động xã hội hóa sau khi cấp trên có chủ trương, nhiều nơi giám đốc bệnh viện thực hiện chưa chặt chẽ, hợp đồng lỏng lẻo.
Muốn hoạt động xã hội hóa vận hành tốt, hành lang pháp lý phải đảm bảo minh bạch về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, như vậy nhà đầu tư cũng yên tâm hơn và sẵn sàng đầu tư thời gian dài.
Và để tránh họ có thỏa thuận “tận thu”, nên để hợp đồng góp vốn thời gian dài hơn, nhiều bệnh viện chỉ cho hợp đồng góp vốn trong thời gian ngắn, vô hình trung đã tạo áp lực cho cả nhà đầu tư và bệnh viện.
Thời gian của hợp đồng làm sao vừa đủ để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi hợp lý, như vậy họ mới yên tâm đầu tư.
Nếu hành lang pháp lý đủ điều chỉnh ba vấn đề: có giá trần dịch vụ y tế, quản lý chặt chất lượng dịch vụ và minh bạch về quyền, nghĩa vụ của bệnh viện và nhà đầu tư thì quản lý hoạt động xã hội hóa sẽ tốt hơn, đảm bảo mục tiêu đầu tư lâu dài của nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang:
Kiểm soát chuyện thao túng vì lợi nhuận Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Viên - giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) - khẳng định việc doanh nghiệp đầu tư máy chụp CT cho đơn vị này là thực hiện đúng theo chủ trương chung, không nhằm mục tiêu vụ lợi. Theo ông Viên, sau khi được trang bị, máy chụp CT tại bệnh viện này phát huy tác dụng khá tốt, giảm tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên. Bệnh nhân không chỉ ở tại chỗ mà ở các huyện lân cận như Kiên Lương, Giang Thành, thậm chí từ Campuchia cũng sang điều trị nhờ có máy này. Giá bình quân cho mỗi lần chụp CT tại Hà Tiên là 800.000 đồng, doanh nghiệp đầu tư thu toàn bộ số tiền này, bệnh viện không được hưởng lợi. Cho đến nay, nguồn bảo hiểm y tế vẫn chưa cho thanh toán bất kỳ trường hợp chụp CT nào. “Thanh tra Bộ Y tế đã mời chúng tôi lên làm việc xung quanh một số bất cập về việc ký hợp đồng giao “chỉ tiêu” như báo chí đã nêu. Khi nào có kết luận của bộ, chúng tôi sẽ xem xét có tiếp tục hợp đồng hay không” - ông Viên nói. Ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng chủ trương xã hội hóa trang bị thiết bị y tế đắt tiền là đúng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có vấn đề gì hay không là chuyện khác. Vài năm nay, Kiên Giang thí điểm cho đấu thầu cung cấp hóa chất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thấy có vấn đề gì, riêng việc thí điểm cung cấp máy chụp CT ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên thì “đã nghe có dư luận không tốt”. “Hiện tại thanh tra Bộ Y tế đang xem xét. Trên cơ sở ý kiến của bộ, địa phương sẽ cân nhắc hướng xử lý. Tất nhiên, tốt nhất vẫn là tỉnh tự đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện công. Còn nếu tiếp tục xã hội hóa, phải cân nhắc việc xây dựng quy chế chặt chẽ để kiểm soát chuyện thao túng vì mục tiêu lợi nhuận” - ông Huỳnh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận