Cuộc họp đã trở thành một cuộc than vãn “tổng lực” khi phóng viên kêu ca cả mấy tháng rồi không có nhuận bút, các biên tập viên lớn tuổi than thở lương đã thấp, chậm và đặc biệt chẳng có đóng bảo hiểm y tế nên anh em bị bệnh là cả một sự thiệt thòi...
Phóng to |
Mặc cho khó khăn, các tay máy thể thao vẫn bám “trận địa” - Ảnh: Đức Trọng |
Tân tổng biên tập ngao ngán quá bèn tuyên bố: “Thôi, đừng than thở nữa nghe buồn quá. Đề nghị tài vụ chi cho mỗi người 200.000 đồng nhân dịp Tết dương lịch để lấy khí thế...”. Không để sếp nói hết, chị thủ quỹ thét lên: “Chúng ta có 37 người mà trong két chỉ còn 1,7 triệu đồng thì làm sao chi mỗi người 200.000 đồng đây?”.
Câu chuyện trên tôi đã nghe nhiều người trong cuộc kể lại. Và tờ báo ấy, cách đây hơn 10 năm là một trong ba tờ báo thể thao có uy tín nhất VN, với lượng phát hành mỗi kỳ trên 100.000 bản, nhưng nay chỉ còn vài ba ngàn tờ mỗi kỳ! Anh H. - tay máy chụp ảnh thể thao có tiếng của báo T - than anh phải lo mỗi số báo cả chục tấm ảnh, vậy mà thu nhập được khoán mỗi tháng chỉ có 5 triệu đồng (cả lương lẫn nhuận bút) - một số tiền không đủ để khấu hao cho dàn máy trị giá vài trăm triệu đồng của anh. Hỏi sao không “tháo chạy” thì anh nói: “Thứ nhất, lỡ gắn bó với tờ báo lâu quá rồi, không nỡ bỏ đi khi nó bên bờ vực. Thứ hai, mình cũng lớn tuổi rồi, ráng cho đến 60 để về hưu luôn”.
Mà nào chỉ có báo T, hai tờ cũng nằm trong tốp “vang bóng một thời” của làng báo thể thao như S và H đều có số lượng phát hành trên 100.000 bản/kỳ cũng rơi vào tình trạng bi đát không kém, nghĩa là số lượng phát hành hiện tại đều rơi xuống dưới 5.000 bản/kỳ.
Giải thích cho sự sa sút của báo in lĩnh vực thể thao, nhiều người cho rằng nó là nạn nhân của việc Internet phát triển chóng mặt. Điều đó là không thể chối cãi, song tại sao ở các nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh... các tờ báo thể thao nổi tiếng như France Football, L’Equipe, Kicker, Soccer... tuy giảm nhưng vẫn còn sống được?
Trả lời câu hỏi này, có thể tạm rút ra hai nguyên nhân: Thứ nhất, nhu cầu người đọc thể thao ngày nay “cao” hơn trước đây và đội ngũ viết báo thể thao không bắt kịp. Xem xong một trận đá bóng, một trận đấu quần vợt, người hâm mộ không thể kiên nhẫn chờ đợi mua tờ báo giấy, mà ở đó khả năng bình luận của các nhà báo lại không hơn mình! Và đó là lý do vô vàn diễn đàn bóng đá, quần vợt, bóng bàn... ra đời để người hâm mộ tự thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, phân tích và bình luận của mình. Thứ hai là một khó khăn khách quan, xuất phát từ sự nghèo nàn của thể thao VN. Ưu thế của báo thể thao là điều mà người đọc không thể có: việc tiếp cận các ngôi sao thể thao trong nước, các câu chuyện hậu trường của một giải thể thao. Đáng tiếc thay, hoạt động thể thao trong nước thì nhạt, trình độ lại không cao nên người hâm mộ chẳng thèm quan tâm. Trên các trang báo in chuyên về thể thao, chúng ta có thể thấy phần dành cho thể thao quốc tế luôn áp đảo. Mà thể thao quốc tế thì khả năng khai thác của nhà báo với người hâm mộ là ngang nhau!
Rõ ràng, đứng trước những thay đổi chóng mặt của thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, lĩnh vực báo chí thể thao VN đã không có những thay đổi phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận