09/10/2024 17:19 GMT+7

Tân sinh viên Dương Thị Kim Duyên: Bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời

Mẹ tâm thần bị lạm dụng, sinh con được 8 tháng thì mẹ qua đời. Đứa trẻ lớn lên không biết cha là ai, bà ngoại một tay nuôi dưỡng với bao cực khổ. Nay bà đã 85 tuổi, cháu mới bước vào năm nhất đại học.

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 1.

Dương Thị Kim Duyên, tân sinh viên Trường đại học Quy Nhơn - Ảnh: TRẦN MAI

Dương Thị Kim Duyên, tân sinh viên Trường đại học Quy Nhơn, có một hoàn cảnh bi thảm. Nhưng cô gái chấp nhận số phận và bước về phía trước.

Bà Lê Thị Ngộ

Sinh con được 8 tháng thì mẹ Duyên đổ bệnh, qua đời. Tôi tiếp tục nuôi cháu và nghĩ sự ra đời của nó là duyên trời, nên tôi đặt tên Kim Duyên.

Con của con đây, đặt tên là gì?

Buổi trưa đầu tháng 10, bà Lê Thị Ngộ (85 tuổi, tổ dân phố An Bàng, thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) lủi thủi nhóm bếp nấu ăn. Bà bảo từ ngày Duyên đi học, căn nhà trở nên trống trải. Có hôm thức dậy, bà quen miệng gọi cháu, xong mới nhớ Duyên đã rời nhà đi học hơn một tháng qua.

Bà có tận 12 người con, nhưng chỉ mẹ Duyên là không bình thường. Ngày nào cô cũng đi lững thững khắp làng trên xóm dưới, bà Ngộ phải vất vả đi kiếm về.

18 năm trước, bà Ngộ thấy bụng con lớn dần, bà nghĩ chắc con bị bệnh nên đưa đi khám, bác sĩ nói đang mang thai. "Nghe bác sĩ nói mà tôi hoảng. Nó điên khùng sao lại mang bầu được", bà Ngộ tâm tình. Kể đến đây, bà Ngộ thở dài, tuổi già ngồi lâu thấy mệt, bà nằm vội xuống võng, tay xoa lấy trán.

Ngày Duyên chào đời, bà Ngộ không thể nào quên được. Bà ôm đứa cháu đỏ hỏn, nói với mẹ Duyên: "Con của con nè, đặt tên gì nhỉ?". Mẹ Duyên ngơ ngác nhìn, bà Ngộ hiểu không thể "đánh thức" được thần trí của con.

"Sinh con được 8 tháng thì mẹ con Duyên đổ bệnh, qua đời. Tôi tiếp tục nuôi và nghĩ sự ra đời của nó là duyên trời, nên tôi đặt tên Kim Duyên", bà Ngộ nói.

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 2.

Bà Ngộ đã 85 tuổi, bà mong Duyên sẽ có một cuộc đời tốt đẹp - Ảnh: TRẦN MAI

Hai nhân vật đặc biệt trong lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Thừa Thiên Huế: Dương Thị Kim Duyên và Nguyễn Đức - Thực hiện: NHẬT LINH - TRẦN MAI- NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ

Cháu gái hiểu chuyện và là học sinh giỏi, bí thư chi đoàn

Có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, bà cháu nương nhau. Duyên lớn lên rất hiểu chuyện, luôn giúp bà mọi công việc. Ngoài đi học, rảnh ra là Duyên xin việc làm thêm, từ phục vụ quán cà phê, trà sữa, đến đan móc hoa, ship đồ, bán quần áo…

Có hôm nhà không có tiền đi chợ, bà ốm không có tiền mua thuốc. Cảm giác bất lực vây lấy Duyên, trên đường từ trường về nhà, nước mắt cứ thế trào ra. Cô tự vỗ về, trấn an mình và lại tìm kiếm công việc để có tiền.

Duyên học giỏi, năm nào cũng mang giấy khen về nhà, bà Ngộ vui lắm. Thành tích học tập 12 năm liền của cô là học sinh giỏi và tiên tiến. Cô là học sinh giỏi cấp trường các môn lịch sử, địa lý và vật lý trong suốt 3 năm THPT. Duyên cũng là bí thư Đoàn có thành tích xuất sắc trong phong trào Đoàn ở trường THPT và được kết nạp Đảng tại trường.

Nhưng ngày Duyên đậu đại học, bà lại bế tắc, chẳng biết lấy đâu ra tiền lo cho cháu.

Có lúc bà Ngộ nói: "Hay là con nghỉ học chữ, kiếm nghề gì học, bà già rồi không đủ tiền". Duyên năn nỉ: "Bà mượn giúp con tiền đóng học phí. Con vô trường sẽ cố gắng làm thêm tự lo". Khuyên cháu nghỉ học nhưng bà Ngộ thú thật nếu Duyên nghỉ thật, bà cũng không để điều đó xảy ra.

"Trước hôm Duyên đi học, tôi mới chạy vạy mượn quanh xóm và các con hỗ trợ được 11 triệu đồng cho nó đóng học phí", bà Ngộ tâm sự.

Duyên đi học, bà ngoại 85 tuổi một mình cô quạnh trong ngôi nhà nhỏ ở quê. Vừa rồi trở trời, bà đổ bệnh, thở không nổi. Bà lo 4 năm nữa Duyên ra trường không biết bà còn sống để nhìn tấm bằng đại học của cháu không.

"Mới đây tôi gọi hỏi cháu còn tiền không, nó nói còn. Nhưng tôi tính nộp học phí, đóng tiền trọ thì tiền đâu nữa mà còn. Chắc nó biết tôi già không làm ra tiền nên nói còn cho tôi đỡ lo thôi", bà Ngộ trầm ngâm.

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 3.

Bà Ngộ lo sẽ không còn trên đời để chứng kiến Duyên lấy tấm bằng đại học - Ảnh: TRẦN MAI

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 4.

Duyên thường xuyên điện thoại về cho bà. Cô lo bà ở nhà một mình, trái gió trở trời không có ai bên cạnh - Ảnh: TRẦN MAI

Không sợ áp lực, chỉ cầu xin bà sống lâu để kịp phụng dưỡng bà

Tại TP Quy Nhơn, Duyên thuê trọ cùng một người bạn. Sắp xếp được thời gian, Duyên sẽ đi làm thêm tự trang trải tất cả chi phí học tập. Bước vào đại học, Duyên cũng được tín nhiệm là bí thư Đoàn của lớp.

Duyên bảo rằng cô biết rõ hoàn cảnh của mình nên mong muốn học sư phạm cho đỡ học phí. Nhưng năm nay điểm ngành sư phạm quá cao nên Duyên chọn ngành kinh tế - Đại học Quy Nhơn.

"Tôi nghĩ tất cả khó khăn trải qua đủ lớn để tôi đối diện với những áp lực trong bốn năm học sắp đến. Ít ra giờ tôi cũng lớn hơn trước, có thể đi làm nhiều việc hơn. Chỉ cần bản thân cố gắng, chẳng khó khăn nào ngăn mình lại được", Duyên tâm tình.

"Bà là chỗ dựa của cuộc đời tôi. Tôi mong bà khỏe cho đến lúc tôi ra trường, tìm kiếm việc làm chăm lo cho bà. Cả đời bà nuôi nấng, tôi hy vọng trời thương, cho tôi có cơ hội được phụng dưỡng bà", Duyên nói.

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 5.

Những tháng ngày đại học bắt đầu bằng sự cực khổ, nhưng Duyên quyết tâm trụ lại giảng đường - Ảnh: TRẦN MAI

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 6.

Hai bà cháu, hai tâm trạng lo lắng cho nhau. Điểm chung là mong Duyên có tương lai tốt đẹp, một cuộc đời hạnh phúc - Ảnh: TRẦN MAI

Muốn mình mạnh mẽ như những nhân vật của Tiếp sức đến trường

Nói về học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, Duyên bảo đó như điểm tựa giúp Duyên đứng dậy trong những lần gục ngã. Nhất là những lúc bế tắc năm lớp 11 và 12, Duyên từng nghĩ sẽ dừng học đi làm. Nhưng rồi Duyên nhớ đến những nhân vật của học bổng Tiếp sức đến trường, nhớ đến những sinh viên vươn lên từ nghèo khó và thành công, cô lại vượt qua suy tư tiêu cực.

Trong buổi trao học bổng diễn ra ngày 9-10, Kim Duyên kể từ khi ra đời cô chưa một lần được nếm mùi sữa mẹ. Bà ngoại là người nuôi Duyên lớn, vừa làm cha, vừa làm mẹ cưu mang Duyên giữa đời.

"Điều mà em muốn nhất đó là sớm thành công, ra trường có việc làm để phụng dưỡng bà ngoại của mình. Bà chính là động lực để em vượt qua mọi khó khăn", Duyên kể.

Chương trình đã dành tặng cho Duyên một món quà bất ngờ, đó là clip ghi lại lời nhắn nhủ của bà ngoại Duyên dành cho cháu. Thấy bóng dáng hiền hậu của ngoại, Duyên bật khóc nức nở. Người dẫn chương trình cũng không cầm được nước mắt, ôm chầm lấy cô bé, động viên. 

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên: Bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 8.

Kim Duyên chia sẻ tại lễ trao học bổng - Ảnh: NHẬT LINH

Lời nhắn gửi của bà ngoại tân sinh viên Dương Thị Kim Duyên

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Tân SV Quảng Ngãi Dương Thị Kim Duyên - bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời - Ảnh 8.

Tân sinh viên liệt nửa người nhường laptop 'tiếp sức' cho bạn khác - Ảnh 5. Tân sinh viên liệt nửa người vào Đại học Vinh: Tự mình trở thành điều kỳ diệu

Biến cố từ vụ tai nạn giao thông làm cậu học trò nhỏ xứ Nghệ liệt nửa người. Mọi việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày phải nhờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ và "người bạn" là chiếc xe lăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên