03/10/2013 14:25 GMT+7

Tan nát xóm chân đèo

Đ.NAM - T.VŨ - L.GIANG - TH.LỘC
Đ.NAM - T.VŨ - L.GIANG - TH.LỘC

TT - Hai ngày sau cơn bão số 10 (bão Wutip - Con bướm) kinh hoàng quét qua Quảng Bình, chúng tôi trở lại thôn Tân Lý (xã Lý Hòa, huyện Bố Trạch). Họng gió xoáy dưới chân đèo Lý Hòa đã phá nát từng căn nhà của xóm nghèo nơi đây. Bão tan, những gia đình đã nghèo lâm vào cảnh khánh kiệt.

CE65LZ0F.jpg
Bà Phạm Thị Hoa (53 tuổi) ngồi thẫn thờ trước căn nhà bị tốc mái hoàn toàn của mình ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch. Bà Hoa hiện sống một mình nuôi hai cháu - Ảnh: Thuận Thắng

Cánh rừng sát đèo Lý Hòa trên quốc lộ 1 trơ trụi không còn một tàn cây. Gió từ phía biển đập vào hông con đèo khiến cả vùng dân cư bên dưới nằm trong vùng xoáy của bão. Không một căn nhà nào lành lặn. Nhiều nhà sập hoàn toàn, nhiều nhà khác mái bị lột sạch, tường gạch đổ ngả nghiêng, người dân phờ phạc, mệt mỏi.

Khổ đến thế là cùng

Bà Phạm Thị Hoa kéo cái chăn còn ẩm ướt đắp lên người mẹ ruột đã ngoài 80 tuổi đang ốm nằm liệt giường trong căn nhà bị gió bão lột sạch từ trước ra sau. Bà Hoa bị dị tật từ nhỏ, hai chân yếu, đi lại bằng cách chống cả hai tay hai chân dưới đất. Căn nhà bà và mẹ đang ở là nhà tình nghĩa của chính quyền xây tặng năm 2011. Không đủ sức lao động, sống nhờ trợ cấp xã hội mỗi tháng 88.000 đồng, mọi sự đều nhờ vào đôi vai của đứa em dâu. Kéo vạt áo lau những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò, bà Hoa nức nở: “Thằng em út tôi mất năm 2007 vì bão biển nhấn chìm tàu, để lại mẹ già cùng hai con nhỏ. Cuộc sống bây giờ đều cậy vào vợ nó và đôi gánh ve chai hằng ngày quanh chân đèo này. Chừ bão phá luôn căn nhà, năm người chúng tôi chẳng biết sống ra răng”.

Nếu người trong xóm không chỉ dẫn, chắc không ai nghĩ rằng đó là nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lựu. Căn nhà rộng chưa đến 6m2 trống hoác, vậy mà đó lại là tổ ấm suốt bốn năm nay của họ. Cả hai vợ chồng chị Lựu, anh Xí đều mắc chứng bệnh tâm thần... Họ tình cờ gặp nhau trên vùng cao nguyên Đắk Lắk trong một bận đi hái cà phê thuê cho người ta. Cảm thông hoàn cảnh của nhau, vậy là hai bờ vai ấy nghiêng vào nhau để rồi một năm sau đó họ dìu nhau về quê ngay bên dưới chân đèo Lý Hòa xây tổ ấm. Không đủ tiền làm nhà, nhưng không thể không có nơi chui rúc, vậy là hằng ngày cả hai vợ chồng chị lên núi đào đá tổ ong. Viên nào còn lành lặn thì bán cho người ta lấy tiền đong gạo, viên nào gãy bể đem về tích cóp dựng nhà. Nói là mái nhà chứ đúng ra đó chỉ là mấy tấm tôn ximăng xếp vào nhau. Khổ đến thế là cùng, vậy mà bão không tha họ.

Chia tay chị Lựu, chúng tôi ngược dốc tìm lên nhà bà Phan Thị Cúc, 75 tuổi, sống một mình. Thấy có khách vào nhà, bà Cúc mừng rỡ, bởi bà tưởng mấy con trai của bà nghe tin mà về thăm. “Nhà tôi có ba đứa con, chồng chết mấy năm rồi, nhà nghèo quá nên mấy đứa phải đi làm ăn xa tận trong Nam” - bà Cúc tâm sự. Biết các con khó khăn nên mấy hôm nay bà Cúc cứ lầm lũi một mình mà không dám nhờ người ta gọi điện. Căn nhà rộng chừng 30m2 của bà Cúc không một tấm tôn nào còn nguyên vẹn.

“Mái bạt không đủ che mưa”

Đó là tâm sự của thầy giáo Nguyễn Bá Linh, giáo viên Trường THCS Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, sau cơn bão dữ cuốn đi toàn bộ mái nhà. Tình cảnh của thầy Linh cũng như của rất nhiều giáo viên ở Quảng Bình trong những ngày này, khi nhà cửa số thì bị sập, số thì bị cuốn mái, trong cảnh màn trời chiếu đất... Chúng tôi ghé nhà thầy Linh tại thôn Đông Nẫm, xã Cự Nẫm. Cơn bão đã cuốn đi phần lớn mái tôn khiến căn nhà trống hoác. Để có cái che mưa, thầy mua tạm tấm bạt lớn về phủ trọn lên mái nhà ở tạm. “Nhưng tấm bạt ni chỉ đủ che nắng chứ không che nổi mưa. Tình cảnh ni không biết tới khi mô nữa vì gia đình quá túng, con đông, nợ nhiều nên không biết lấy chi lợp lại nhà nữa” - thầy Linh cho biết.

Tại làng Tứ Phúc, xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch), chúng tôi gặp cô Ngô Thị Túy, giáo viên Trường mầm non Hoàn Trạch, đang lượm từng tấm tôn rách nằm vương vãi trên bụi tre và khắp nơi trong vườn nhà. Ba mất sớm, mẹ qua đời hai năm trước, cô Túy sống một mình. Bão qua, phần mái của nhà chính và mái hiên, bếp, nhà vệ sinh lần lượt bị cuốn đi khắp xóm. Ngay sau bão, các giáo viên trong trường cùng đến nhà cô phụ giúp lợp tạm một phần nhà để có chỗ vào ra. Những phần toang hoác còn lại không biết khi nào có tiền làm. Năm nay 42 tuổi, cô Túy có 25 năm thâm niên trong nghề dạy trẻ, song lương chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng vì mới vào biên chế nhà nước từ hai năm trước. “Nếu sửa nhà cho chắc, chịu được mưa bão thì mất cả chục triệu đồng, mà rứa là tui chịu thua rồi” - cô Túy nhìn căn nhà bất lực.

Cách nhà cô Túy chừng 5km là nhà cô Lê Thị Lới, giáo viên Trường mầm non Vạn Trạch (Bố Trạch), cũng trong tình cảnh tương tự. Chồng đi làm ăn xa, không có tiền gửi về nên cô cùng hai con gái đang đi học phải sống nhờ vào đồng lương hơn 3 triệu ít ỏi. Bão qua đã cuốn gần nửa mái nhà khiến mấy mẹ con sống trong nỗi sợ hãi. Cô Lới tâm sự: “Để rứa thì mưa không ở được, mà lợp lại thì không biết lấy tiền mô!”.

Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp

Chiều 2-10, đoàn công tác xã hội báo Tuổi Trẻ đã đến thôn Tân Lý (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) để trao tiền hỗ trợ cho 60 hộ nghèo khó khăn nhất vừa bị bão tàn phá. Tổng số tiền cứu trợ là 60 triệu đồng. Cũng trong chiều 2-10, đoàn công tác xã hội báo Tuổi Trẻ đã trao cho cô Ngô Thị Túy và thầy Nguyễn Bá Linh mỗi người 5 triệu đồng hỗ trợ lợp lại mái nhà.

yGfRM2bQ.jpg
Thầy giáo Nguyễn Bá Linh (phải) - giáo viên Trường THCS Hưng Trạch - nhận 5 triệu đồng hỗ trợ từ đại diện báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tiến Long
wSZPjsFe.jpg
Chị Nguyễn Thị Lựu bật khóc khi nhận được tiền cứu trợ từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: T.Thắng
PIafySfU.jpg
Trao tiền cứu trợ cho bà Phan Thị Cúc sống một mình, nhà bị bão hất tung toàn bộ mái ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch - Ảnh: T.Thắng
Đ.NAM - T.VŨ - L.GIANG - TH.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên