Những năm gần đây, rừng bị mất dần khiến nhiều đoạn đê bị yếu và uy hiếp hàng ngàn hộ dân phía trong đê - Ảnh: Thanh Tú |
Đoạn đê này làm chưa xong thì đoạn đê khác phải được “cấp cứu” khẩn cấp vì rừng phòng hộ bị xói lở. Khoảng 55.000ha đất nông nghiệp của dự án ngọt hóa Gò Công và đời sống 300.000 người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Rừng phòng hộ đê biển Gò Công có tổng chiều dài khoảng 21km (từ cửa sông Soài Rạp - thị trấn Vàm Láng tới Đèn Đỏ - xã Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang). Trước năm 1997, trung bình độ dày của đai rừng (khu vực rừng phòng hộ chắn sóng) khoảng 300 - 400m.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đai rừng đã bị sóng biển tàn phá, xâm thực rất nhanh. Người dân cho biết cách nay 10 năm, đai rừng ở cách khoảng 200m, nay đã bị sóng biển đánh sập.
Theo Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Tiền Giang, những năm qua rừng phòng hộ nơi đây bị xói lở bình quân 8 - 10m/năm, có đoạn xói lở 20m làm diện tích rừng bị xói lở 5 - 7ha. Các giải pháp như kè mái đê phía biển đã được áp dụng tại đoạn đê xung yếu không rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời bởi rừng phòng hộ tiếp tục bị mất dần qua từng năm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê biển. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã đề xuất với UBND tỉnh nghiên cứu giải pháp kè “mềm” để chống xói lở đê biển và UBND tỉnh chấp thuận về mặt chủ trương cho lập dự án công trình giảm sóng, chống xói lở, gây bồi bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Gò Công Đông.
Theo đó, dự án thực hiện bốn đoạn bị xâm thực nghiêm trọng từ Tân Điền đến Tân Thành với tổng chiều dài 3.800m. Trước mắt, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn đang thực hiện thí điểm 1,4km kè mềm ở Tân Điền với kinh phí khoảng 56 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận