TTO - Cống là để thoát nước. Nhưng cống rãnh ở Sài Gòn không hẳn như vậy: Cống là cái túi rác khổng lồ và khủng khiếp. 

Những ngày theo công nhân chui xuống cống, mới thấu hiểu công việc nhọc nhằn của họ và thấy thói quen xả rác bừa bãi thật xấu xí.

Đủ thứ rác: kim tiêm, vỏ bao cao su, chai nhựa, bao nilông... đặc rền trong dòng nước hôi thối. Công việc của công nhân móc cống là phải trầm mình trong dòng nước dơ bẩn sền sệt, vớt rác lên để khơi thông dòng chảy.

Môi trường làm việc của công nhân thoát nước TP.HCM qua lời kể của chính họ - Video: NGUYỄN LỘC

Ngập ngụa rác

"Đang hốt rác, phân người từ cầu tiêu xả thẳng ra cống tống vô mặt là chuyện cơm bữa" - ông Nguyễn Công Thưởng (54 tuổi, công nhân thoát nước đô thị) cảnh báo tôi trước khi chui xuống cống hốt rác tại đường Nguyễn Thái Học, Q.1. 

Nắp cống bật mở. Một luồng khí hôi nồng, nóng hầm hập tạt thẳng vào mặt chúng tôi. Ngột ngạt.

Phải mất 15 phút để khơi thông luồng khí, nhất là các loại khí độc tích tụ dưới lòng cống thì các công nhân mới dám thò người xuống miệng cống. Một lớp rác ken đặc lộ ra với mùi thối nồng nặng xộc lên rất bức bí. 

"Mấy ngày đầu không dám xuống, liều mạng xuống được vài phút thì ói lên ói xuống, người đừ ra. Riết rồi cũng quen, 22 năm chui dưới cống này rồi chứ không phải ít" - ông Thưởng nói.

Vừa đặt chân xuống mặt nước trong lòng cống, tôi cảm nhận được một lớp rác dày cộm lềnh bềnh dạt vào cơ thể lướt từ chân cho đến quá ngực. Lớp than bùn bó chân chúng tôi đến tận đầu gối khiến mỗi bước chân nặng trĩu. Rác, rác và rác.

Kim tiêm là thứ rác vô cùng nguy hiểm, và thứ rác này thường xuyên được vớt lên từ cống thoát nước, nơi dòng nước độc hại đến nỗi các loài cá không thể tồn tại - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đó là một thế giới của rác. Rác dập dềnh tứ phía. Rác đóng thành lớp dài hun hút trong lòng cống. Rác dày đến cả hai gang tay. Tứ phía đều rong rêu ẩm ướt với từng đàn gián, đàn côn trùng nằm trong các khe cống, tiếng chuột kêu chút chít, nước thải rỉ nhỏ giọt lách tách chảy xuống đầu của chúng tôi. 

Thỉnh thoảng, nước thải từ các hàng quán ven đường đổ ào ào xuống cống, bắn nước lên tứ tung.

Tốp năm công nhân hì hục dùng rổ gom rác vào từng thùng lớn kéo lên xe ép. Cứ 30 giây lại kéo lên một thùng rác nặng trĩu nào là bao nilông, chai nhựa, vỏ xốp đựng thức ăn, xác động vật... Nhưng, nguy hiểm nhất đó là kim tiêm đã qua sử dụng, nổi bồng bềnh.

Nước cống có vị gì á? Vị mặn, vị của sự dơ dáy. Nhưng đã làm nghề này thì chấp nhận thôi, những lúc nước lớn úp cả mặt trong nước, nước vô miệng hoài. Nếu ai cũng sợ dơ không làm thì ai dọn rác cống cho thành phố này?

Công nhân Nguyễn Văn Nga

Người công nhân hàng ngày vớt đống rác đặc nghẹt rác để giải phóng các ống thoát nước của thành phố - công việc lặp đi lặp lại tưởng chừng không bao giờ kết thúc. "Không có nghề nào dơ hơn nghề này", công nhân Nguyễn Văn Nga nói - Ảnh: NGỌC HIỂN

Rác từ đâu xuống cống?

Các công nhân nói rác cũng có... bản đồ phân bố trên khắp các ngả đường. Dưới lòng cống có loại rác gì phụ thuộc vào dân cư khu vực đó kinh doanh mặt hàng nào.

Ở đường Đoàn Văn Bơ (Q.4), bên dưới cống toàn vảy cá bởi khu vực này có chợ Xóm Chiếu. Nếu khu vực đường Cô Giang - Cô Bắc (Q.1) toàn lòng gà, lòng vịt thì ở đường Cống Quỳnh bên dưới là mỡ bò đóng thành từng cục vì khu vực này có nhiều quán phở: hoặc ống hút nhựa vì rất nhiều quán nước mía, cà phê...

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của công nhân móc cống phải kể đến khu vực xung quanh Chợ Lớn (Q.5) và bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) bởi hóa chất và dầu nhớt thải loại. 

"Hóa chất làm phỏng da, ngứa ngáy liên tục. Còn dầu nhớt đen sì đặc như kẹo đóng bên dưới cống" - ông Hoàng Ngọc Toàn (49 tuổi, công nhân thoát nước) cho biết.

Theo chân các công nhân toát nước TP.HCM xuống tận dưới cống để xem thế giới rác mà họ phải đối mặt hàng ngày. Phần lớn những công nhân gắn bó với nghề này đều có thâm niên 20-30 năm. Công việc chính của họ là duy tu, nạo vét, thu gom rác dưới cống. Họ cũng "trực chiến" vào mùa mưa để khơi thông cống rãnh khắp các ngả đường - Video: NGỌC HIỂN

Ông Toàn nói rác đầy rẫy dưới lòng cống vì con người xả rác không đúng chỗ. Nhiều người dân để rác ngay trên miệng cống, khi gặp mưa sẽ cuốn xuống cống. Rất nhiều người buôn bán lề đường hay nhét rác qua các miệng hố ga. Ngay cả một số người quét rác đường phố cũng lén lút quét rác tém xuống cống...

Suốt cả tiếng đầm đìa trong dòng nước đen kịt hôi hám, mình mẩy tay chân các công nhân ướt sũng, tái nhợt. Có những lúc khuôn mặt các anh chạm vào mặt nước, lấm lem bùn đất.

"Nước cống có vị gì á? Vị mặn, vị của sự dơ dáy. Nhưng đã làm nghề này thì chấp nhận thôi, những lúc nước lớn úp cả mặt trong nước, nước vô miệng hoài. Nếu ai cũng sợ dơ không làm thì ai dọn rác cống cho thành phố này?" - công nhân Nguyễn Văn Nga (43 tuổi) nói.

6,5 tấn rác mỗi ngày/nhóm

Chỉ vài phút, các công nhân đã vớt lên hàng chục kim tiêm nằm lẫn lộn trong lớp rác thải. Theo các công nhân, khu vực nhiều kim tiêm bậc nhất phải kể đến đường Nguyễn Tất Thành (Q.4), có những lúc công nhân vớt lên cả mấy xô lớn rác toàn là kim tiêm.

Mỗi ngày, mỗi tổ công nhân khoảng chục người phải móc từ dưới cống lên hai xe rác với khối lượng rác lên đến hơn 6,5 tấn.

Sau mỗi buổi làm việc, các công nhân phải tắm rửa, giặt áo quần ngay bên vệ đường. Về nhà họ phải tắm rửa thêm lần nữa. Quần áo sau khi phơi xong phải cột trong bao nilông để ngăn mùi hôi. Công nhân Nguyễn Công Thưởng (phải) sau 22 năm trong nghề và sẽ về hưu năm tới chia sẻ: "Nghề này là nghề tận cùng của xã hội rồi" - Ảnh: NGỌC HIỂN


NGỌC HIỂN
Hiểm nguy rình rập, bệnh tật khó tránh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên