02/06/2024 11:41 GMT+7

Tản mạn về 'gỗ quý'

"Củi đưa vào lò toàn gỗ quý hiếm, rất xót xa". Một đại biểu nêu ý kiến như thế trước diễn đàn Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội hôm 29-5 vừa qua.

Ông đại biểu nói đúng, chỉ có khác là "gỗ" ấy đã mục, đành đưa "vào lò", xót xa vẫn phải chấp nhận. Đó là thực trạng đáng buồn nhưng không thể khác hơn nữa.

Kể từ khi "chiến dịch đốt lò" bùng phát, mấy năm qua có khá nhiều "gỗ quý" bị cho thôi chức, bị kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương, lãnh đạo bộ - ngành, bí thư và chủ tịch UBND tỉnh - thành, tướng tá công an - quân đội...

Cấp độ tham nhũng bây giờ cũng nghiêm trọng hơn, toàn những đại án, dây mơ rễ má đến tận cán bộ cấp cao.

Tổn thất là rất lớn, có thể nói lớn chưa từng thấy. Viên đạn bọc đường quả là quá nguy hiểm, nó đốn ngã hàng loạt cán bộ quan trọng, được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều chức vụ, có cống hiến, có kinh nghiệm.

Thế mới biết công cuộc giữ gìn sự trong sạch cam go không kém cuộc chiến khốc liệt, dường như vượt qua chết chóc và gian khổ dễ dàng hơn vượt qua sự cám dỗ của vật chất.

Nghiêm túc mà nói, "củi vào lò" không hoàn toàn là "gỗ quý". Trong thực tế, có những cá nhân vốn chỉ là "gỗ rác" nhưng giỏi luồn lách, làm mọi cách ngoi lên với mục đích "vinh thân, phì gia".

Ngoại trừ những người như vậy, phần đông số còn lại đều thuộc loại "sinh ra vốn chẳng phải là quan/ phấn đấu từ từ nên được làm quan".

Họ thực sự là "gỗ quý" nhưng bị thoái hóa, biến chất do ma lực của tiền tài, danh vọng. Không đủ bản lĩnh để vượt qua chính mình, tự bảo vệ tấm thân vàng ngọc, tất nhiên là phải chịu sự trừng phạt.

Phải thẳng thắn thừa nhận việc "gỗ quý" bị đưa "vào lò" có nguyên nhân từ nhiều phía. Cùng với việc cán bộ thiếu rèn luyện bản thân, còn có cơ chế bất cập, kiểm soát quyền lực chưa chặt, kỷ cương phép nước không nghiêm, công tác tổ chức cán bộ sơ hở, đạo đức xã hội xuống cấp...

Đặc biệt là các cấp thẩm quyền chưa sâu sát hiện thực, chưa phát huy hết sức mạnh của quần chúng, chưa lắng nghe đầy đủ và khách quan mọi phản ánh từ nhân dân.

"Gỗ quý" mà không chăm chút, không ngăn chặn mối mọt, trước sau gì chẳng thành "củi". Cán bộ mà không giáo dục, cảnh báo thường xuyên, không kiểm soát và giám sát ngay từ khi mới bước vào quan trường, cứ để cho họ mặc nhiên tự tại, "vào lò" là con đường tất yếu.

Chả có bài học mới nào để rút kinh nghiệm cho những vụ "củi vào lò toàn gỗ quý hiếm". Không gì khác hơn là cán bộ phải tu thân - tề gia, biết tránh xa những việc không được làm.

Còn các cơ quan chức năng thì cần quy hoạch kín kẽ, lựa chọn chính xác trong đề bạt nhân sự, luôn để mắt tới mọi khía cạnh hoạt động của đối tượng cần quản lý, hễ chệch choạc là uốn nắn ngay. Có như vậy mới có thể giữ được "gỗ quý" khỏi bị mục ruỗng, không để đến nỗi phải "xót xa".

Chủ tịch UBND TP Móng Cái Hồ Quang Huy bị kỷ luật cảnh cáoChủ tịch UBND TP Móng Cái Hồ Quang Huy bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Hồ Quang Huy - chủ tịch UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - bị kỷ luật cảnh cáo liên quan vi phạm trong thực hiện dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên