10/07/2013 14:35 GMT+7

Tản mạn từ một "thượng đỉnh văn học"

NGUYỄN THÁI LINH
NGUYỄN THÁI LINH

TTCT - LTS: Đại hội dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ 3 vừa kết thúc tuần qua tại Kraków - cố đô Ba Lan. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất thế giới của một quốc gia dành cho các dịch giả văn học, do Viện Sách trực thuộc Bộ Văn hóa và di sản quốc gia Ba Lan tổ chức bốn năm một lần.

TTCT giới thiệu bài viết của dịch giả trẻ Nguyễn Thái Linh từ Warszawa, người sau hội nghị đã tâm sự trên Facebook: “Điều mình muốn làm nhất khi rời Kraków là về nhà đóng cửa đọc sách liền 20 năm”...

jB7Wp9Xn.jpgPhóng to
Nguyễn Thái Linh và dịch giả Thụy Điển Anders Bodegard - người đã dịch thơ Szymborska ra tiếng Thụy Điển. Szymborska từng nói nếu không có các bản dịch của Bodegard thì chắc bà không được trao giải Nobel - Ảnh: nhân vật cung cấp

1.Có lẽ không chỉ tôi mà nhiều thành viên khác của đại hội sẽ khó quên những ngày cuối tháng 6-2013, khi liên tục được gặp gỡ, trò chuyện, đối thoại với những người minh triết và giản dị, được sống trong không khí thân ái, chân tình.

​Trong ba ngày, chúng tôi được tham gia hơn 40 hội thảo và thảo luận chuyên đề về hiện trạng văn học và ngôn ngữ Ba Lan cùng với các nhà văn, nhà phê bình văn học hàng đầu Ba Lan, qua đó cập nhật thông tin và hoàn thiện kỹ năng dịch thuật của mình. Rzeczpospolita - một trong những nhật báo lớn nhất Ba Lan - đã gọi đại hội là “thượng đỉnh văn học”.

Phát biểu trong lễ khai mạc được tổ chức trang trọng tại đại giảng đường Đại học Jagielloński (đại học cổ nhất Ba Lan và là một trong những đại học cổ nhất thế giới), viện trưởng Viện Sách Grzegorz Gauden đã vinh danh các dịch giả là những đại sứ của văn học Ba Lan ở khắp năm châu và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những đóng góp của họ cho việc quảng bá văn học Ba Lan ra thế giới.

Tình cảm trân trọng đối với các dịch giả và tâm huyết đối với việc quảng bá văn học Ba Lan ra nước ngoài không chỉ là lời nói, mà còn được Viện Sách thể hiện trong suốt 10 năm hoạt động của mình. Viện đã tài trợ hơn 4,5 triệu USD cho hơn 1.400 đầu sách văn học Ba Lan xuất bản bằng 42 thứ tiếng trên thế giới, giúp đỡ thúc đẩy quan hệ giữa các dịch giả và các nhà xuất bản, đài thọ cho các dịch giả đến Ba Lan làm việc trong thời gian từ 1-3 tháng, trao các giải thưởng dịch thuật... Những nỗ lực này càng đáng trân trọng bội phần trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Không chỉ là “thượng đỉnh văn học”, Đại hội dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ 3 còn là “thượng đỉnh văn hóa” khi lễ khai mạc, các hội thảo, các bữa trưa, lễ trao giải Transatlantyk... đều diễn ra tại các địa chỉ văn hóa nổi tiếng Ba Lan ở cố đô Kraków, khiến các dịch giả được chìm đắm trong không gian văn hóa đậm đặc và thân mật.

Đáng ghi nhận nhất vẫn là tình cảm, lòng biết ơn và sự trân trọng đối với các dịch giả, tiếp nối tinh thần tri ân đầy nhân văn mà nhà văn, nhà báo kiệt xuất Ba Lan Ryszard Kapuściński đã khơi lên tám năm về trước.

Trong lễ khai mạc Đại hội dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ nhất năm 2005, Kapuściński đã phát biểu: “Ngày nay vai trò của dịch giả trong một thế giới đa văn hóa càng đòi hỏi tính trách nhiệm cao hơn - khi người dịch giúp bạn đọc ý thức được rõ ràng về sự tồn tại của những Người khác, về tính đặc biệt, không lặp lại của anh ta...

Với ý nghĩa đó, khi dịch một văn bản, chúng ta mở ra cho những Người khác một thế giới mới, chúng ta giải thích cái thế giới mới đó, và khi giải thích, chúng ta đưa cái thế giới đó lại gần mọi người hơn, tạo điều kiện cho mọi người sống trong lòng nó, biến nó thành một phần sự trải nghiệm cá nhân...

Ngày nay, trong thế kỷ 21 này, những điều kể trên càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi vì thế giới của chúng ta khi phát triển với tốc độ chóng mặt, khi thay đổi và tạo nên sự khác biệt, nó luôn cần đến giải thích, lý giải, trong đó bản dịch văn học là sự trợ giúp đắc lực - nghĩa là công sức của những người có mặt hôm nay là không thể thiếu...”.

Tại đại hội lần thứ 3 này, tinh thần đó đã được phó chủ tịch thành phố Kraków Magdalena Sroka tiếp nối nhất quán: “Ngôn từ là cội rễ căn tính của con người. Dịch một ngoại ngữ ra ngôn ngữ nền văn hóa của mình đòi hỏi sự nhạy cảm phi thường. Trong thế kỷ 21, công việc của dịch giả phục vụ cho việc “làm quen với cái khác”, nó không chỉ có chiều kích văn hóa mà cả chiều kích nhân văn”.

Tình cảm và sự trân trọng dành cho các dịch giả văn học biểu hiện tình cảm và sự trân trọng của người Ba Lan dành cho chính nền văn học nước nhà, một nền văn học luôn đầy sức sống mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà một đất nước nhỏ bé như Ba Lan lại có tới bốn giải Nobel văn học.

Chính bởi tinh thần này mà qua các kỳ đại hội, Ba Lan đã xây dựng được một cộng đồng dịch thuật văn học Ba Lan đầy gắn bó. Đại hội là nơi duy nhất trên hành tinh hội tụ hàng trăm con người đến từ khắp năm châu nói cùng ngôn ngữ duy nhất - tiếng Ba Lan, một trong những ngôn ngữ khó nhất của châu Âu. Các dịch giả coi nhau như bạn bè thân thiết, xem Ba Lan như quê hương chung và đến đại hội như trở về nhà.

Desislava Nedyalkova, dịch giả người Bulgaria, tâm sự: “Tôi mong chờ suốt bốn năm để lại được tham dự đại hội, để gặp lại những người bạn thương mến”. Dịch giả Tạ Minh Châu - từng dịch thơ tác giả đoạt giải Nobel Wisława Szymborska, truyện của Jarosław Iwaszkiewicz, Marian Orłon... - thì cảm kích: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới tình cảm và trân trọng văn học như dân tộc Ba Lan, có thái độ ứng xử văn hóa như dân tộc Ba Lan. Rời đại hội trở về, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao đền đáp được tấm lòng và sự trân trọng của họ”.

Có lẽ đó cũng chính là suy nghĩ của các dịch giả tham dự đại hội nói chung và của các dịch giả Việt Nam nói riêng. Tinh thần ấy, thái độ ấy thật sự khiến các dịch giả từ khắp năm châu ngả mũ kính phục và chắc chắn rất đáng để Việt Nam chúng ta học tập.

arcQD69I.jpgPhóng to
Các dịch giả Việt Nam giao lưu với các đồng nghiệp. Thứ hai từ trái sang: dịch giả Tạ Minh Châu, Lê Bá Thự, Nguyễn Văn Thái - Ảnh: N.T.L.

2. Tới dự đại hội lần này, tôi không khỏi mang một cảm giác trống vắng khi không còn được gặp Wisława Szymborska - nhà thơ tôi yêu quý nhất mà mỗi bản dịch thơ bà là một phần cuộc sống của tôi, là một trang trong nhật ký đời tôi. Tôi vẫn nhớ nụ cười hiền hậu mà tinh nghịch của bà, cái dáng gầy gầy thân yêu của bà mà tôi còn được nhìn thấy trong đại hội lần trước. Nụ cười ấy, dáng vóc ấy giờ đây đã nằm yên nghỉ trong nghĩa trang Rakowiecki, cách nơi diễn ra đại hội không xa.

Mang một bó hoa huệ trắng, tôi tới thăm bà vào buổi chiều cuối cùng ở Kraków. Mộ bà nằm bình dị, chìm lẫn giữa bao ngôi mộ khác giữa nghĩa trang rộng lớn, phải loanh quanh một lúc tôi mới tìm được. Vẫn thế, giản dị và kín đáo như khi bà còn sống. Tôi thầm biết ơn những người quản lý nghĩa trang đã không biến nơi an nghỉ của bà thành một địa điểm du lịch.

Không khí trong nghĩa trang mát dịu vì nhiều bóng cây tỏa xuống, mặc dù ngoài kia Kraków đang giữa những ngày nắng nóng nhất. Tiếng chim hót ríu rít bình yên và trong lành. Cảm giác thanh thản và bình yên kỳ lạ, thanh thản như nhà thơ nói về cái chết của mình:

Nằm nơi đây là tác giả dăm bài thơ, cổ hủ già nua, xưa như dấu phẩy. Đất rủ lòng dành cho bà ấy sự an nghỉ ngàn thu, mặc dù xác chết chẳng thuộc nhóm văn nào hết.

Nhưng trên nấm mồ bà cũng chẳng có gì hơn ngoài bài thơ này, nhành ngưu bàng và một con cú vọ... (trích: Mộ chí)

Tất cả đều đơn giản và bình dị, như viên đá, như đám mây, như một ngày, như sự sống. Nhưng tất cả lại cũng thật phi thường. Như Szymborska đã nói “trong ngôn ngữ của thi ca, nơi mỗi từ đều vô cùng quan trọng thì chẳng có gì là bình thường nữa cả. Một viên đá, một đám mây, một ngày và nhất là sự sống của ai đó trên thế gian này”.

Thật phi thường, bởi không phải vô cớ mà Joseph Brodsky từng khẳng định: nếu bạn biết tiếng Ba Lan hay đây là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn thì đó sẽ là một lợi thế lớn, bởi “thứ thi ca phi thường nhất của thế kỷ được viết bằng thứ tiếng này”.

Đại hội (diễn ra từ ngày 20 đến 22-6) có 250 dịch giả từ 51 quốc gia của 41 thứ tiếng ở khắp thế giới tới tham dự. Sáu dịch giả Việt Nam được mời là Nguyễn Thanh Thư, Tạ Minh Châu, Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Văn Thái, Lê Bá Thự và Nguyễn Thái Linh.

Tại đại hội, bộ trưởng văn hóa và di sản quốc gia Ba Lan đã trao giải Transatlantyk (Con tàu vượt Đại Tây Dương, cũng là nhan đề một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ba Lan Witold Gombrowicz) cho dịch giả người Hà Lan Karol Lesman, người đã dịch hơn 50 tác phẩm văn học Ba Lan trong suốt sự nghiệp 40 năm dịch thuật của mình. Đây là giải thưởng thường niên, trị giá 10.000 euro, dành cho dịch giả có nhiều đóng góp cho việc quảng bá văn học Ba Lan ở nước ngoài.

NGUYỄN THÁI LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên