13/06/2012 23:11 GMT+7

Tản mạn Ơ - rô

CHỌT
CHỌT

TTC - Chẳng bao lâu nữa, các tín đồ túc cầu giáo ở Việt Nam sẽ trải qua những đêm trắng thú vị để thưởng thức vòng chung kết giải bóng đá vô địch châu Âu mà người ta vẫn gọi tắt là Ơ-rô (Euro 2012 khai mạc vào tối 8-6). Trước giờ khai cuộc sân chơi hấp dẫn này, bỗng dưng lại nhớ chuyện ngày xưa…

Ơ-rô đầu tiên diễn ra vào năm 1960 tại Pháp, 24 năm sau, người Việt mê bóng đá mới chính thức được xem truyền hình trực tiếp Ơ-rô - đó cũng là Ơ-rô diễn ra trên đất Pháp.

Ngồi ở năm 2012 để chờ ngày Ơ-rô khai mạc trên đất Ba Lan và Ukraine, bỗng lan man nhớ lại Ơ-rô 1984 và không khỏi giật mình vì những sự thay đổi đến độ cứ nghĩ nó như là một giấc mơ.

Ngày ấy, truyền hình TP.HCM được xem là năng động hơn cả đài quốc gia. Nhờ cái chảo vệ tinh khổng lồ của đài Hoa Sen nằm ở góc đường Điện Biên Phủ - Phan Liêm (quận 1), mà dân ghiền bóng đá mới được xem Ơ-rô trực tiếp. Có điều, xem “chùa” nên chẳng có gì là chắc chắn. Thức dậy lúc 1 giờ sáng, hồi hộp còn hơn xem bóng đá, đó là không biết hôm nay có tín hiệu hay không? Nhiều đêm, nghe nhạc hiệu chán chê rồi thì hai ông bình luận viên Bình-Tỉnh xuất hiện với vẻ mặt thiểu não: “Xin lỗi quý vị, chúng tôi đã không nhận được tín hiệu từ đài Hoa Sen”! Thế là ấm ức tắt đèn đi ngủ.

Cũng thời điểm năm 1984 ấy, ti-vi màu bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với hai nhãn hiệu mà bây giờ đã biến mất trên thị trường, đó là Thompson và Nec. Chỉ một chiếc tivi 14 inchs thôi, đã có giá tương đương 5 lượng vàng! Tôi còn nhớ rõ như in chuyện một ông anh gom góp tiền mua được một cái vậy là trở thành tụ điểm của cả xóm tập trung xem Ơ-rô 1984. Cái cảm giác lần đầu được xem bóng đá bằng ti-vi màu thật khó quên.

Chẳng bù bây giờ, xem bóng đá phải là ti-vi LED màn hình lớn 40-50 inchs. Thậm chí Ơ-rô năm nay, dân ghiền bóng đá có điều kiện kinh tế còn đua nhau đi sắm Smart ti-vi điều khiển bằng giọng nói, bằng cử chỉ cho thêm phần hiện đại! Đài truyền hình quốc gia thì bỏ ra vài triệu đô-la để mua bản quyền đàng hoàng, thông báo giờ nào là chính xác đến từng giây. Người xem có được nhiều sự lựa chọn, nếu không thích cách anh chàng bình luận của đài này thì dễ dàng chuyển qua đài khác. Thậm chí, mới đây đạo diễn Lê Hoàng còn hỏi: “Ơ-rô vẫn xem được HD chứ? Bây giờ xem bóng đá bằng chuẩn HD quen rồi, xem qua cáp không đã mắt”!

Qua chuyện Ơ-rô mới thấy đời sống người VN mình tiến quá xa, kỹ thuật số cũng tiến như vũ bão. Chuyện 28 năm trước nhớ lại mà cứ ngỡ như là chuyện 100 năm!

Bước tiến không chỉ là ở đời sống kinh tế, ở sự phát triển của công nghệ, mà cả trong lĩnh vực bóng đá. Tại Ơ-rô 1984, người Việt mê bóng đá đã được chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ vàng bóng đá Pháp với những cái tên không thể nào quên như Platini, Tigana… Đó là những tài năng vĩ đại của bóng đá thế giới. Nhưng ngày ấy họ làm sao giàu có khủng khiếp như những Ronaldo, Rooney… bây giờ. Bóng đá ngày ấy chưa trở thành một nền công nghiệp thể thao hái ra tiền tấn như bây giờ. Ngày ấy, bóng đá là cuộc chơi của những vị HLV già nua, dựa chủ yếu vào kinh nghiệm. Còn bây giờ, đất dụng võ cho những vị HLV lớn tuổi ngày càng thu hẹp, bởi những “vị tướng” U-50 mới đủ năng động để nắm bắt, sử dụng công nghệ số phục vụ cho công tác huấn luyện. Bóng đá thế giới (đặc biệt là ở châu Âu) ngày nay đã có khái niệm gọi là “cầu thủ trong suốt”. Nghĩa là người ta tìm hiểu và nắm rõ từ gen trở đi trong mỗi cầu thủ chơi đá bóng, để từ đó mới định ra cho mỗi cầu thủ một chế độ tập luyện riêng, dinh dưỡng riêng…

Tất cả đều tiến bộ vũ bão, chỉ trừ một thứ. Thứ gì? Chính là bóng đá VN! Và thế là lại nhớ đến ông Mai Liêm Trực với câu nói bất hủ: Bóng đá VN đi sau xã hội 20 năm.

9jntunyk.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 453 (1-06-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

CHỌT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên