21/08/2024 10:50 GMT+7

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An

Lần đầu tiên đạo diễn Tấn Lộc và Arabesque giới thiệu hình thức kết hợp nghệ thuật múa đương đại và thiên nhiên (ambiance dance) đến Hội An qua vở múa Rơm.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 1.

NSƯT Tố Như tái xuất đầy năng lượng trong Rơm - Ảnh: DAINGO

"Chúng tôi sẽ diễn vở múa Rơm ngay trên cánh đồng lúa chín bát ngát của Hội An, dưới sắc vàng ấm áp của hoàng hôn và giai điệu sâu lắng của âm nhạc dân gian đương đại...", đạo diễn - giám đốc nghệ thuật Nguyễn Tấn Lộc mô tả về tác phẩm Trái tim lúa Hội An.

Chia sẻ mộc mạc, ngắn gọn là vậy, nhưng để mang được một sân khấu múa (diễn ra từ ngày 22 đến 25-8) ra giữa đồng vào đúng mùa gặt là cả một thách thức, cũng là ước mơ mà Tấn Lộc ấp ủ từ rất lâu.

Rơm không chỉ là một buổi diễn múa, đó là dịp tôn vinh sự khéo léo và tinh thần bền bỉ của người dân Việt. Khi buổi diễn diễn ra vào khoảnh khắc dịu dàng của hoàng hôn, giữa miền rơm rạ và hương lúa chín, giữa bao la cánh đồng, khán giả sẽ cảm nhận được điều gì đã định hình nên nền văn hóa đặc biệt này.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 2.Đạo diễn Tấn Lộc

Từ ước mơ đưa múa ra đồng

Sinh tại Sài Gòn nhưng có 10 năm lớn lên ở quê ngoại, từ nhỏ Tấn Lộc gắn bó đặc biệt với đời sống ruộng đồng, phơi lúa, đốt rơm, mê ngửi mùi rơm rạ...

Từ 2011 khi dựng vở Sương sớm, anh đã muốn mang sân khấu múa ra đồng, nhưng có nhiều yếu tố khách quan và khó kiểm soát: giấy phép, bối cảnh, thời tiết, thời điểm mùa vụ, âm thanh ánh sáng, sự ủng hộ của địa phương và khán giả...

Năm 2016, múa Rơm lần đầu được Tấn Lộc dàn dựng và diễn một trích đoạn ngắn tại Liên hoan múa đương đại quốc tế ở TP.HCM.

Đến năm 2024, ngay khi nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ UBND TP Hội An - vùng đất anh yêu mến, thân thuộc từng ngõ ngách, Tấn Lộc và Arabesque gấp rút chuẩn bị để đưa kịp Rơm về giữa cánh đồng đúng mùa lúa chín.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 3.

Các diễn viên nam trình diễn múa cùng trống trong một phân đoạn trong vở RƠM - Ảnh: DAINGO

Cả tháng nay, các ê kíp của Rơm tất bật ngày đêm. Cái "khổ" nhất với Rơm là... ngứa và nóng. Phải đến phòng tập chật hẹp, nóng hầm hập và không có máy lạnh của Arabesque tại TP.HCM mới thấu hết nỗi niềm này.

Nhưng dưới yêu cầu cao của Tấn Lộc cùng tình yêu múa, họ tự thúc đẩy bản thân nỗ lực đến 200%. Vì sân khấu ngoài trời không có nhiều hiệu ứng hỗ trợ, nghệ sĩ không dốc hết thực lực, không đủ năng lượng và đam mê sẽ khó chinh phục được khán giả.

Bù lại, khi tất cả đều cháy hết mình, sức cộng hưởng tại hiện trường sẽ mang đến những cảm xúc thăng hoa khó quên cho cả khán giả lẫn người biểu diễn.

Các cộng sự "than thở" lần nào làm với anh Lộc cũng cực quá cực, chịu hết nổi, nhưng diễn xong là "tha thứ hết" vì tất cả đều xứng đáng. Nói như đạo diễn Tấn Lộc, vở múa nào cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, cũng trặc giò trặc cẳng... nhưng cực mà vui.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 4.

Các diễn viên múa trong vở múa đương đại Rơm - Ảnh: DAINGO

Những tâm hồn đồng điệu

Rơm được Tấn Lộc dựng thành vở múa hoàn chỉnh dài 60 phút, có sự góp mặt của các biên đạo và nghệ sĩ kỳ cựu thuộc Arabesque cùng các diễn viên múa trẻ. Nhạc sĩ Đức Trí làm giám đốc âm nhạc, dàn nhạc dân tộc quen thuộc biểu diễn trực tiếp.

Nhạc sĩ Đức Trí thẳng thắn nói nếu Rơm không phải của Tấn Lộc, anh sẽ không nhận lời vì lịch trình quá bận. Là anh em thân thiết từ đầu thập niên 1990, cả hai có sự đồng điệu của những tri âm.

"Bản thân chất liệu múa của Rơm cũng cho tôi rất nhiều cảm hứng. Tôi nghĩ Rơm là cơ hội mà nhiều đạo diễn, biên đạo muốn có, giống như ước mơ thành hiện thực của anh Lộc vậy.

Chúng tôi có quá nhiều năm làm việc cùng nhau, đúc kết nhiều kinh nghiệm để tạo ra tác phẩm ưng ý. Rơm rất đẹp và chỉn chu, thể hiện rõ ngôn ngữ sáng tạo, khá trọn vẹn về ngôn ngữ múa" - Đức Trí nhận xét.

Đức Trí cũng nhấn mạnh vai trò của anh trong Rơm không phải viết nhạc mà là cố vấn. Bản chất âm nhạc của Rơm và nhiều vở khác của Arabesque đa phần mang tính sáng tạo và ngẫu hứng, giống như jazz.

Các nghệ sĩ biểu diễn tự sáng tạo ra âm nhạc dựa trên các chất liệu cổ truyền. Đức Trí sẽ cố vấn sao cho âm nhạc đạt hiệu quả cao nhất dựa trên những sáng tạo đó.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 5.

Biên đạo Nguyễn Tấn Lộc và nhạc sĩ Đức Trí tại hậu trường chuẩn bị cho vở múa RƠM

Theo Đức Trí, trình diễn nhạc live ngoài trời cho Rơm không khó vì những nhạc cụ như sáo trúc, trống... vốn được sinh ra từ những nơi dân dã như thế và rất hợp để quay về. Âm lượng đàn tranh, đàn kìm có thể hơi nhỏ nhưng đã có micro hỗ trợ.

"Lần hợp tác này không phải để chứng tỏ chúng tôi làm được gì, mà để các bạn trẻ thấy được sức sáng tạo và lao động là không giới hạn về độ tuổi hay độ nổi tiếng. Ai cũng có thể làm được.

Ngay cả người lâu năm trong nghề như chúng tôi vẫn có đủ lửa, vẫn có những tác phẩm mang tính nghệ thuật bên cạnh công việc kiếm tiền hằng ngày. Chúng tôi mong đó là cảm hứng để các bạn trẻ tin vào những gì mình đang theo đuổi. Điều đó mới thực sự quan trọng và ý nghĩa" - Đức Trí tâm sự.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 6.

Biên đạo, diễn viên múa Vũ Minh Thư và một vai diễn trong RƠM - Ảnh: DAINGO

Một góc nhìn khác về Rơm

Với Rơm, đạo diễn Tấn Lộc muốn mang đến cho khán giả một góc nhìn khác và trải nghiệm mới về ụ rơm quen thuộc.

Ụ rơm mộc mạc bên nhà là "chứng nhân" của bao thế hệ từ lúc bé thơ, trưởng thành đến khi tóc bạc. Khi bao thế hệ rời đi rồi trở về, ụ rơm vẫn luôn ở đấy, lúc vơi lúc đầy, như cái cuống rốn neo giữ và gắn kết những tình cảm bình dị thân thương của gia đình Việt.

Trong mắt Tấn Lộc, rơm không phải thứ bỏ đi mà có tiếng nói, có tâm tư tình cảm riêng. Rơm lên sân khấu, rơm múa cùng diễn viên.

Nơi giữa cánh đồng, giữa nhịp điệu tuần hoàn của trồng trọt và thu hoạch, rơm rạ giản dị hiện lên như một biểu tượng của sự kiên cường, sáng tạo và bền vững của làng quê Việt Nam.

Đây là lần đầu Arabesque giới thiệu hình thức biểu diễn ambiance dance gần gũi với thiên nhiên và chạm đến đa giác quan, là một dấu ấn nữa của Arabesque trong hành trình mang múa Việt Nam và văn hóa Việt đến gần hơn với cộng đồng.

Rơm cũng là bước thử nghiệm đầu tiên của Arabesque trong ước mơ thực hiện chuỗi chương trình lan tỏa văn hóa, cảnh đẹp và tình người Việt ở khắp mọi miền đất nước.

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 7.

Biên đạo múa Trần Văn Thịnh và vai diễn trong RƠM - Ảnh: DAINGO

Chúng tôi trân trọng lòng yêu mến và tâm huyết của Arabesque Vietnam khi mang một sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo đến với Hội An.

Với Rơm, du khách sẽ lần đầu tiên được thưởng thức nét đẹp mộc mạc của xóm làng nông thôn, cánh đồng mùa gặt và sản phẩm thủ công từ rơm.

Vở múa cũng là một phần trong định hướng tương lai nhằm mang các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp đến với Hội An.

Ông Nguyễn Văn Lanh (phó chủ tịch UBND TP Hội An)

Tấn Lộc và Arabesque mang múa Rơm ra giữa đồng lúa chín Hội An- Ảnh 8.Xem clip trích đoạn múa đương đại Sương sớm và Rơm

TTO - Chương trình Én vàng với chủ đề Miền vũ khúc giới thiệu trích đoạn 2 vở múa đương đại Sương sớm và Rơm của biên đạo múa Tấn Lộc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên