Ngày 30-9, ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sử dụng ba công ty con phát hành trái phiếu
Theo kết luận điều tra, Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng được ông Dũng sáng lập từ năm 1993. Để hoạt động theo mô hình tập đoàn, ông Dũng cho thành lập hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của 45 công ty rồi chỉ định người đứng tên pháp nhân. Các công ty này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Dũng.
Thủ đoạn chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng từ khách hàng của Tân Hoàng Minh
Năm 2021, do vay nợ lớn, các dự án mới chưa thể triển khai và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ vay gần 20.000 tỉ đồng.
Trước bối cảnh nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn, ông Dũng chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho công ty. Và kế hoạch sử dụng các công ty con gian dối phát hành trái phiếu nhằm huy động tiền cho Tân Hoàng Minh được hình thành. Chủ trương được chọn là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ông Dũng thống nhất chủ trương cùng ông Việt sử dụng pháp nhân ba công ty ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng khống như hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần để phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ huy động vốn.
Theo kế hoạch, Tân Hoàng Minh thông đồng với nhóm tại Công ty Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán, hợp thức số liệu, "làm đẹp" báo cáo tài chính năm 2020 - 2021 nhằm hợp thức cho các công ty có đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Ngay từ khi họp bàn lên kế hoạch, nhóm đã thống nhất không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh để phát hành trái phiếu do đơn vị này có nhiều công ty con nên "số liệu tài chính phức tạp". Chủ tịch Tân Hoàng Minh sử dụng các công ty con thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu riêng lẻ có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút nhiều người mua trái phiếu.
Ông Dũng còn chỉ đạo ký các hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" thể hiện việc thanh toán tiền từ Công ty Tân Hoàng Minh sang công ty phát hành. Việc này nhằm tạo lập giá trị "ảo" các gói trái phiếu và trái chủ cho Tân Hoàng Minh để bán trái phiếu rộng rãi cho người dân.
Cơ quan điều tra cáo buộc mục đích của Tân Hoàng Minh là "huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp", trong đó chủ yếu là người dân - những nhà đầu tư không chuyên. Với các thủ đoạn trên, Tân Hoàng Minh đã huy động được gần 14.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành, mua bán chín gói trái phiếu trái pháp luật.
Dùng tiền bán trái phiếu đặt cọc lô đất Thủ Thiêm
Cơ quan điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng. Trong đó tập đoàn này đã sử dụng hơn 5.100 tỉ đồng tiền của người mua trái phiếu sau để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Tại cơ quan điều tra, ông Dũng khai số liệu thu chi liên quan bán trái phiếu đều được cấp dưới báo cáo hằng ngày. Tiền huy động từ bán trái phiếu, chủ tịch Tân Hoàng Minh chỉ đạo cấp dưới sử dụng không đúng mục đích.
Tân Hoàng Minh đã chi trả nợ quá hạn cho hai ngân hàng SHB và Agribank, tổng cộng hơn 1.900 tỉ đồng; mua cổ phần hoặc hợp tác đầu tư nhiều dự án tổng hơn 3.800 tỉ đồng.
Đáng chú ý, năm 2022, Tân Hoàng Minh sử dụng 585 tỉ đồng từ huy động trái phiếu để đặt cọc khi tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM). Thời điểm đó Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng, gấp 8,3 lần giá chào. Tuy nhiên sau đó ông Dũng đã bỏ cọc, xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất này.
Ngoài ra ông Dũng còn sử dụng tiền để đầu tư chứng khoán và thua lỗ 153 tỉ đồng; chuyển tiền từ thiện 62,8 tỉ đồng; số còn lại để chi trả nợ, tiêu dùng cá nhân.
Người mua trái phiếu có cơ hội đòi lại tiền
Cơ quan điều tra xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.
Đến nay ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), trong giai đoạn điều tra, những người mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh đã tố cáo, làm việc với công an nên mới ra được "đáp án" số tiền mà Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.
"Mọi việc đến giai đoạn này đã dễ dàng khi mà toàn bộ số tiền chiếm đoạt trong vụ án Tân Hoàng Minh đã được khắc phục. Việc của người dân là tiếp tục tham gia phiên tòa để có thể giao nộp thêm giấy tờ, chứng cứ liên quan đến mua bán trái phiếu và đề nghị được hoàn trả tiền.
Trên cơ sở đó tòa án sẽ giải quyết đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư khi xét xử vụ án. Thậm chí không phải chờ đến kết thúc phiên tòa phúc thẩm, mà ngay ở giai đoạn sơ thẩm hoặc quá trình tố tụng sắp tới cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể xem xét với những trường hợp đủ điều kiện, tùy thời điểm thích hợp để hoàn trả tiền đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân", luật sư phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận