Trong hiệp 1, ông Ivankovic cho các cầu thủ dâng cao pressing, gây sức ép, tranh chấp liên tục. Do đó mà họ dẫn trước 2-0. Thậm chí tỉ số còn có thể đậm hơn nếu Wu Lei không bỏ lỡ một quả phạt đền. Nhưng khi sang hiệp 2, các cầu thủ Trung Quốc đã xuống sức nhanh chóng. Tuy nhiên, HLV Ivankovic đã phản ứng quá chậm. Phải từ phút 74, ông mới đưa ra phương án thay người, và ông cũng chỉ dùng có ba quyền thay người trong tổng số năm quyền được cho phép. Chính điều này khiến tuyển Trung Quốc lúng túng và để Singapore gỡ hòa 2-2.
Trận hòa này đặt Trung Quốc vào thế bất lợi ở bảng C. Ở trận còn lại, Thái Lan có trận hòa quý giá 1-1 trước chủ nhà Hàn Quốc. Nhờ đó, đại diện Đông Nam Á giữ được vị trí thứ hai dù bằng 4 điểm như Trung Quốc nhưng hơn hiệu số. Cả Thái Lan và Trung Quốc đều còn ba trận đấu ở phía trước. Trong đó có cuộc đối đầu trực tiếp với nhau vào tháng 6 tới. Trận hòa Hàn Quốc chắc chắn giúp tuyển Thái Lan có được sự tự tin. Còn nhớ ở trận lượt đi, họ chỉ thua sát nút 1-2 trước Trung Quốc. Nhưng Thái Lan cho thấy họ hoàn toàn có thể chơi hay và tạo đột biến.
Kết quả hòa 2-2 trước Singapore cùng sức nóng từ Thái Lan đã gây ra cho HLV Ivankovic rất nhiều sức ép. Ông tiếp quản chiếc ghế nóng ở Trung Quốc từ tháng 3, với mục tiêu vực dậy đội tuyển sau một kỳ Asian Cup 2023 thất vọng. Nhưng đến lúc này lối chơi của ông sử dụng có lẽ chưa thật sự phù hợp với các cầu thủ Trung Quốc.
Những tờ báo Trung Quốc đã bắt đầu đặt dấu hỏi như "Ông Ivankovic có phù hợp vào lúc này?", hoặc "Vì sao ông Ivankovic thay người quá chậm dù cầu thủ đã xuống sức?". Báo Sina đưa vấn đề đi xa hơn khi đặt vấn đề: "Vì sao bóng đá châu Á đang tiến bộ, nhưng Trung Quốc lại thụt lùi?". Và dĩ nhiên họ cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chiến thuật dành cho chiến lược gia người Croatia.
Dù chỉ mới nhậm chức HLV trưởng đội tuyển chưa lâu nhưng HLV Ivankovic đã gặp phải một sức ép lớn từ CĐV cũng như truyền thông Trung Quốc.
Nhật Bản, Hàn Quốc đi dạo ở vòng loại World Cup
Việc World Cup mở rộng số đội lên con số 48 mang đến động cơ mạnh mẽ cho các nền bóng đá trung bình. Nhưng đồng thời, nó cũng biến giai đoạn vòng loại thành cuộc dạo chơi với các đại gia.
Cụ thể nhất là ở châu Á, khu vực có 8 suất chính thức và 1 suất đá play-off liên lục địa đến World Cup 2026. Ở lượt trận thứ 3 của bảng B, vòng loại thứ 2, Nhật Bản phải chạm trán với CHDCND Triều Tiên - đội tuyển được đánh giá là đối thủ chính của họ ở bảng đấu này. Nhưng rồi HLV Moriyasu đã để cả Endo, Asano, Kubo... ngồi dự bị. Kubo thậm chí còn không vào sân một phút nào.
Người Nhật hiếm khi chủ quan ở những trận đấu quan trọng. Vì vậy, điều đó chỉ có thể lý giải rằng trận đấu này thực sự không quan trọng với họ. Thật vậy, ở 2 lượt đấu đầu tiên, Nhật Bản đã đè bẹp Myanmar cùng Syria cùng với tỉ số 5-0. Thực lực giữa họ và các đội bóng ở bảng B là quá cách biệt. Do đó, vé vào vòng 3 xem như đã nằm gọn trong tay thầy trò HLV Moriyasu.
Kể cả khi bước vào giai đoạn vòng loại thứ 3, những đại gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia cũng không việc gì phải quá lo lắng. Vì sự thay đổi của World Cup, giai đoạn vòng loại thứ 3 năm nay tăng lên đến 18 đội, chia làm 3 bảng đấu. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ chắc chắn giành vé. Và 2 đội tiếp theo mỗi bảng lại cùng bước vào vòng 4 để tranh 2 tấm vé còn lại...
Với liên tục những cơ hội được trao như vậy, thật khó tưởng tượng viễn cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc mất vé đến World Cup 2026. Trong trận gặp Thái Lan, tuyển Hàn Quốc chơi áp đảo tuyệt đối. Dù tung ra đến 20 cú dứt điểm nhưng rồi Hàn Quốc vẫn bị cầm hòa nuối tiếc. Dù vậy, Son Heung Min và các đồng đội không phải quá lo lắng bởi sự cạnh tranh khốc liệt chỉ tồn tại với các đội bóng trung bình, khi Singapore cầm hòa Trung Quốc, khiến cuộc đua giành chiếc vé thứ 2 của bảng C trở nên vô cùng kịch tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận