Đoàn công tác đang đọc quyết định thanh tra (ảnh Đức Trong) |
Đoàn do ông Nguyễn Tấn Hùng, chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Dương, làm trưởng đoàn. Đi cùng đoàn gồm có công an và quản thị trường.
Vào thời điểm đọc quyết định, ông Nguyễn Tấn Hùng yêu cầu công ty Tân Hiệp Phát hợp tác với đoàn để thanh tra đầu vào, đầu ra của toàn bộ dây chuyền sản xuất trong nhiều ngày.
Ông cũng đề nghị công ty cung cấp các hóa đơn chứng từ cho đoàn thanh tra để đoàn lấy các mẫu ngẫu nhiên mang đi xét nghiệm.
Sau khi công bố quyết định, hiện đoàn thanh tra đang làm việc với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát. Phía công ty cũng giải thích với các phóng viên có mặt ở đây sẽ cho đi xem dây chuyền sản xuất sau khi làm việc với đoàn.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trước đó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi văn bản yều cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm và dây chuyền sản xuất sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát để xác minh xử lý thông tin phản ánh trên một số báo chí về việc khách hành phát hiện “con ruồi” trong chai nước Number one của Công ty.
Tân Hiệp Phát bị chất vấn có "gài bẫy" khách hàng?
Có mặt khi đoàn thanh tra công bố quyết định, các phóng viên báo chí đã đề nghị đại diện Công ty Tân Hiệp Phát trả lời nhiều câu hỏi được dư luận quan tâm, liên quan hành xử của Tân Hiệp Phát khi tiếp nhận thông tin khách hàng phản ánh phát hiện dị vật trong sản phẩm, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh của công ty là có phù hợp đạo đức, văn hóa kinh doanh?
Công ty cho rằng mình bị các đối thủ cạnh tranh phá hoại, vậy có dấu hiệu, chứng cứ gì về việc này?
Nhiều báo tiếp tục đặt câu hỏi về vụ anh Định, anh Minh ở Tiền Giang sau khi đưa sản phẩm được cho là lỗi ra giá với công ty, nếu công ty không chi số tiền đó thì ảnh sẽ đưa thông tin ra báo chí. Những việc đó chưa phải dồn công ty đến đường cùng nhưng công ty vẫn báo với công an và vẫn đưa tiền cho anh ấy để công an bắt. Việc làm như vậy có phù hợp với đạo đức và văn hoá của một công ty lớn như Tân Hiệp Phát hay không?
Các báo hỏi tiếp: Dư luận cho rằng Tân Hiệp Phát thỏa thuận với người phát hiện sản phẩm lỗi, sau đó "gài bẫy" để bắt người. Thái độ ứng xử của Tân Hiệp Phát được cho đang quay lưng với khách, thách thức dư luận. Tân Hiệp Phát nói gì về vấn đề này?
Báo Tuổi Trẻ có mặt tại cuộc họp cũng nêu trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ P. Trảng Dài) đã được công ty thỏa thuận, sau đó báo công an bắt khi bà Hà đang nhận 49 triệu.
Bà Hà không bị khởi tố vì công an xác định công ty đã có thỏa thuận đưa tiền để lấy lại sản phẩm. Đến nay bà Hà vẫn đeo đuổi vụ kiện và Tân Hiệp Phát vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho bà Hà. Tân Hiệp Phát nói gì về chuyện này?
PV Tuổi Trẻ cũng dẫn chứng chứng khách hàng từng phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát có ruồi, vật thể lạ , liệu có phải dây chuyền sản xuất của công ty có vấn đề hay không?
Hiện tại đã có nhiều người tiêu dùng mang sản phẩm lỗi của Tân Hiệp đến các cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ về mặt phát lý, ý kiến của công ty Tân Hiệp Phát về vấn đề này thế nào?...
Sau khi tiếp nhận hàng loạt các câu hỏi của các cơ quan báo chí, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho biết sẽ chuyển toàn bộ câu hỏi cho ban giam đốc để sớm trả lời trong ngày 13-2.
Khoảng 10g sáng nay, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau khi công bố quyết định thanh tra, đoàn thanh tra đã vào dây chuyền sản xuất trong nhà máy của công ty. Báo chí được cách ly để đại diện nhà máy hướng dẫn xem các quy trình sản xuất.
Tất cả các phóng viên có mặt được công ty cho phép chụp ảnh, ghi hình nhưng phải tắt điện thoại.
Tân Hiệp Phát: Quy trình kín, vật lạ không thể lọt vào sản phẩm
Bà Trần Uyên Phương - phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát trả lời báo chí - Ảnh: Đức Trong |
Đến khoảng 12g30 trưa nay, sau khi cho báo chí xem dây chuyền sản xuất của nhà máy, bà Trần Uyên Phương - phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát đã cử nhân viên phát ra đi một thông cáo, chính thức trả lời một số câu hỏi của các phóng viên đã đặt ra trước đó.
Theo đó, công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục khẳng định quy trình sản xuất trà đóng chai và nước tăng lực “hoàn toàn khép kín từ khâu thổi chai, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn và đóng thùng nên không thể có vật lạ lọt vào sản phẩm”.
Vì vậy, công ty khẳng định sản phẩm có vật lạ trong quá trình sản xuất là không thể xảy ra. Nhưng việc sản phẩm hư hỏng do quá trình vận chuyển và lưu thông là có thể xảy ra.
Trả lời lời câu hỏi về đạo đức, văn hóa kinh doanh khi thỏa thuận với anh Minh ở Tiền Giang, chị Hà ở Đồng Nai rồi “gài bẫy” công an bắt, Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng công ty phân biệt khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng và hoạt động tống tiền là vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi tôn trọng các khiếu nại chính đáng và không thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Khi phát hiện hoạt động tống tiền, chúng tôi sẽ ngay lập tức báo cho các cơ quan chức năng để giải quyết. Đó là nguyên tắc đạo đức làm việc của chúng tôi” - thông cáo ghi.
Theo Tân Hiệp Phát, trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hà (từng bị công ty này báo công an bắt bà Hà sau khi công ty đã thỏa thuận hỗ xong việc hỗ trợ 49 triệu để lấy các chai nước còn đậy nắp, có ống hút và vén cục - PV), giờ đây công ty mong muốn được giải quyết qua con đường của tòa án.
Trả lời vụ việc anh Minh ở Tiền Giang và bà Hà giống ở điểm thỏa thuận tiền hỗ trợ với công ty xong rồi thì đều bị công an bắt, Tân Hiệp Phát cho biết hai vụ việc do hai cơ quan khác nhau thụ lý nên giống nhau hay không nên để các cơ quan này phân xử.
Trong thông cáo trả lời, phía Tân Hiệp Phát cho rằng công ty đã bị tống tiền rất nhiều, nhiều người cố ý cạnh tranh không lành mạnh.
Khi bị tống tiền Tân Hiệp Phát phải cầu cứu đến các cơ quan chức năng để họ thực hiện tiến trình nghiệp vụ của pháp luật.
Dù cho rằng mình bị các đối thủ cạnh tranh phá hoại nhưng Tân Hiệp Phát vẫn chưa đưa ra những dấu hiệu, chứng cứ gì về việc cạnh không lành mạnh như đề nghị của báo chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận