Vợ chồng cùng làm việc nhà với nhau thật vui - Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Nhiều ông chồng cho rằng đàn ông thì phải làm việc lớn chứ không phải làm mấy việc vặt vãnh trong nhà. Vợ của họ phải làm tất cả các việc như nấu ăn, chăm con, đón con, dạy con học...
Nói ra thì mọi người thấy khó tin nhưng tình cảm của tôi trong cuộc hôn nhân đã bị mất mát, bào mòn bởi tính lười biếng của chồng tôi. Tôi luôn cảm thấy không được chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ từ người bạn đời của mình. Tôi luôn thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Chị H. chia sẻ
1.001 lý do không làm việc nhà
Ngày trẻ, chị N.T.H. (38 tuổi, ngụ ở Thủ Đức, TP.HCM) là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng. Còn chồng chị là một anh chàng khá đẹp trai, tính tình vui vẻ. Cả hai cùng có công việc ổn định nên sau một năm yêu nhau, hai anh chị quyết định kết hôn.
Những ngày yêu nhau lãng mạn, đầy ắp tiếng cười trôi qua rất nhanh. Bước vào cuộc hôn nhân, chị H. dần cảm nhận mình đã lấy phải một anh chồng lười. Tuy nhiên, chị vẫn suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng đơn giản. Chị sẽ dùng tình yêu của mình để "cảm hóa" anh ấy.
Thế nhưng, càng ra sức "cảm hóa" chị càng cảm thấy rất thất vọng. Chồng chị vẫn rất ngại khi chị ngỏ ý cùng làm với chị những công việc nhà. Thấy việc nhờ và chờ đợi chồng làm giúp còn lâu và khó hơn mình tự làm, chị H. lại cặm cụi làm trong "tủi thân".
Sau cùng, chị đặt hy vọng biết đâu khi vợ chồng chị có một đứa con, anh có thể vì con mà chăm chỉ hơn không?
Biết tin chị mang thai, chồng chị vẫn vui như bao người đàn ông biết tin mình sắp được làm bố. Tuy vậy, niềm hy vọng cuối cùng cũng không mang lại kết quả như chị mong muốn. Chồng chị vẫn có đủ mọi lý do để tiếp tục "né" làm việc nhà.
"Ngay cả việc chở vợ đi khám thai anh ấy cũng làm biếng". Chị H. kể mà không ngăn được những giọt nước mắt tuôn rơi. Lý do mà anh ấy đưa ra là công việc anh rất bận. Anh ấy nói: "Việc này em tự đi được, cần gì anh phải chở để mất công cả hai người", mà không hề để ý đến cảm nhận của chị.
Với lối suy nghĩ này, những lần chị đi công tác dù muốn được chồng ra đón nhưng anh lại "ca" điệp khúc "nhà mình xa sân bay, nếu đón em anh sẽ phải chạy xe hơn chục cây số, sau đó gửi xe vào đợi... trong khi em chỉ cần bắt taxi là được chở về đến nhà".
Còn việc nhà khi nào chị mở lời, kiểu gì anh ấy cũng đưa ra những lý do như "nhà vẫn còn sạch sao phải lau", "chén thì cứ để đó sáng mai anh rửa cho" nhưng sáng mai có công việc gì anh lại đi mất.
Còn khi chị trao đổi về nấu ăn thì anh nói "hôm nay mình đi ăn cơm quán", hoặc "mua tạm cái gì về ăn đi em"...
Những năm đầu sống chung chị cũng cố thông cảm với anh vì con người ai chẳng có khuyết điểm. Thế nhưng, khi bé đầu ra đời, bé thứ hai ra đời... trong nhà thêm bao việc nhưng anh vẫn không có gì "chuyển biến".
Mọi việc đều đổ hết lên vai chị, kể cả đưa rước con cái. Chị vẫn phải đi làm kiếm tiền không thua kém gì anh, kèm theo "một núi" việc nhỏ như lau nhà, nấu ăn, phơi đồ, đưa đón con đến trường... chị đều phải "ôm" hết.
Nhiều năm trôi qua chị thấy thiếu hẳn một sự sẻ chia từ bạn đời. Gương mặt chị vắng bóng nụ cười, chị ngày càng ít nói chuyện cùng anh, tình cảm vợ chồng cứ thế xa cách...
Đến một ngày nhìn lại, chị thấy ngoài hai đứa con và tài sản chung, chị và anh không còn thêm điểm chung gì nữa.
Khi các con lớn hơn, công việc của anh gặp nhiều trở ngại, anh lại thêm nhậu nhẹt... Một tháng anh ăn cơm với mẹ con chị được vài bữa.
Đến lúc này, chị thấy không khí gia đình thật ngột ngạt với tần suất cãi vã giữa chị và anh ngày một tăng lên. Cuối cùng chị đành phải quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này.
Theo chị H., các ông chồng không nên nghĩ việc nhà là việc nhỏ và "dành" cả núi công việc nhỏ này cho người vợ của mình. Các ông chồng cứ thử làm tất cả những việc nhỏ này trong một ngày đi để thấy việc "nhỏ" có tốn nhiều công sức, thời gian hay không?
Sao vợ luôn "cằn nhằn" mấy việc không đáng?
Một thời gian dài anh N.V.P. (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng cảm thấy hôn nhân của mình "có vấn đề".
"Tôi thật sự không hiểu tại sao vợ tôi luôn không hài lòng về tôi! Những vấn đề vợ tôi đề cập mỗi khi tôi về đến nhà là: sao anh về muộn thế, anh có biết em rất mệt không, sao em cũng đi làm mà về nhà phải làm vô vàn công việc như thế, anh không giúp em chứng tỏ anh không thương em...", anh P. bức xúc nói.
Cứ lúc anh P. về đến nhà là vợ anh lại trút những bực tức này lên anh. Anh P. kể từ nhỏ đến lớn, mẹ anh không bắt anh làm một việc gì cả. Suốt 28 năm anh đã quen sống như thế, giờ vợ anh cứ muốn anh phải làm những công việc thế này quả là làm khó với anh.
Anh P. chia sẻ, anh không có thói quen và cũng không thích làm mấy công việc này. Anh cho rằng chuyện thương vợ và không làm việc nhà không liên quan gì đến nhau nhưng vợ anh lại quả quyết hai việc rõ ràng có liên quan.
Cô ấy phân tích nếu một người đàn ông yêu thương người phụ nữ của mình chắc chắn sẽ vì cô ấy mà chung tay cùng làm những việc cô ấy muốn.
Nhiều lần anh và vợ lớn tiếng cãi nhau cũng chỉ vì những công việc nhà. Anh P. giải thích anh cần tập trung để phát triển sự nghiệp nên đề xuất tìm người giúp việc để giải quyết vấn đề này.
Thế nhưng, vợ anh không đồng ý vì cho rằng kinh tế gia đình không dư dả, cô ấy muốn khoản tiền có thể thuê người giúp việc dành đầu tư cho con cái học hành.
Với lại điều cô ấy muốn hơn cả là cô ấy cần sự chia sẻ từ người chồng, muốn anh đưa đón con để cha con gần nhau, có tình cảm với nhau hơn, cô ấy cũng không tin tưởng người ngoài đưa rước con... Những bất đồng nhỏ trong gia đình cộng lại trong nhiều năm tháng bỗng thành chuyện lớn...
"Cho đến một ngày tôi không muốn về tổ ấm của mình nữa. Tôi không thấy ấm áp. Chưa bước vào nhà tôi đã sợ những tiếng cãi vã", anh P. kể. Còn vợ anh cũng cảm thấy thật nặng nề với cuộc hôn nhân này. Cuối cùng hai vợ chồng đành chia tay nhau.
Sau này khi đã bước sang cuộc hôn nhân tiếp theo, lúc thấy người vợ mới của mình bắt đầu cằn nhằn về "tính lười" vốn có của anh, anh P. đã giật mình và bắt đầu có ý thức về việc nên chia sẻ công việc nhà với vợ.
"Trong tình yêu cũng như hôn nhân, mỗi người đều phải học cách sống vì người khác. Nếu không hiểu được điều đó, một ngày nào đó sẽ đánh mất hạnh phúc của chính mình", anh P. tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận