TTCT - Ngay chính cụm từ "thành phố thông minh" do Hãng IBM sử dụng đầu tiên khi muốn nói đến viễn cảnh công nghệ sẽ cải thiện cách các thành phố hoạt động cũng bị xem là "sai lầm". Bản vẽ khu Quayside 2.0 đầy cây xanh, vắng bóng công nghệ.Chỉ mới cách đây mấy năm, "thành phố thông minh" là một đề tài thời thượng, thu hút sự chú ý không chỉ của giới công nghệ mà còn của quan chức, giới quản lý ở nhiều nước muốn tìm một phương thuốc nhiệm mầu giải quyết các vấn đề muôn thuở của các đô thị. Nay thực tế khắc nghiệt cho thấy một mình công nghệ không phải là chiếc đũa thần như mơ ước.MIT Technology Review, một tạp chí công nghệ của Trường đại học MIT, sử dụng dự án xây dựng một khu phố thông minh tại Toronto, Canada làm trường hợp nghiên cứu vì sao ý tưởng thành phố thông minh thất bại. Năm 2017, Sidewalk Labs, một công ty con của Google (Alphabet) được chọn để thiết kế, xây dựng và quản lý Quayside, một khu vực rộng 2.000 mẫu tây dọc theo hồ Ontario hiện chỉ có vài tòa nhà thấp tầng và các kho chứa ngũ cốc, sẵn sàng để chuyển mình thành một "thành phố thông minh" bên trong thành phố Toronto náo nhiệt.Lúc đó, ngay chính tạp chí MIT Technology Review cũng có bài bình chọn dự án này là một trong 10 đột phá công nghệ, có khả năng "thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi" ở các khu đô thị. Ý tưởng của Sidewalk Labs là dựa vào các công nghệ mới để tối ưu hóa cuộc sống đô thị, gồm xe taxi tự hành, khi khách cần gọi sẽ có xe không người lái chạy đến đón nên người dân khỏi cần sở hữu xe hơi; lề đường được sưởi ấm để khỏi lo chuyện tuyết đọng; việc thu gom rác sẽ được tự động hóa…Đặc biệt, vô số cảm biến, vô số camera sẽ tạo ra một con mắt thần theo dõi mọi hoạt động trong thành phố nhằm giải quyết ngay mọi sự cố bất thường. Cốt lõi của dự án là ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, ngăn ngừa tội phạm, thu hút dân cư có thu nhập cao để tạo ra cuộc sống như ở Vườn địa đàng!Cứ tưởng dự án Quayside thành công sẽ mở đầu cho một phong trào xây dựng các thành phố thông minh khắp Canada, trong đó Google và các công ty con của nó sẽ đóng vai trò tiên phong. Thế nhưng sau hơn hai năm rưỡi lúng ta lúng túng, Sidewalk phải tuyên bố từ bỏ dự án, lúc đó nêu lý do là đại dịch Covid-19 đã gây nên những trở ngại kinh tế không thể lường hết.Tuy nhiên, theo MIT Technology Review, thất bại của Sidewalk trước hết là do sự phản đối của cư dân Toronto bởi không ai muốn làm những con chuột bạch trong một phòng thí nghiệm khổng lồ, sống trong một không gian giả tạo y như một mê cung con người xây cho chuột chạy.Ý tưởng xây dựng thành phố thông minh đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng: con người với tất cả mọi sự phức tạp cố hữu sẽ sống trong đó. Các thành phố thông minh được thiết kế để loại bỏ tất cả các đặc tính làm nên sức hút của một thành phố; New York, Rome, Cairo và ngay cả Toronto là những thành phố lớn, đông dân, nhộn nhịp nổi tiếng không phải vì chúng vận hành hữu hiệu 100% như được lập trình sẵn. Chúng nhộn nhịp vì sự hỗn độn, bất ngờ, đa dạng; chúng thu hút người dân về đây vì họ sẽ tương tác với cái họ chưa biết, chưa lường trước, mỗi ngày sẽ như một cuộc phiêu lưu dạo chơi, có rủi ro nhưng cũng có sự thú vị. Không ai muốn sống trong một khuôn khổ được kiểm soát đến tận bước đi, từng cọng rác, từng kilowatt điện sử dụng.Nói cách khác, cách tiếp cận của Sidewalk hay các hãng tương tự, được đánh giá là quá kiêu ngạo, tức muốn áp đặt điều họ cho là lý tưởng lên cuộc sống của người khác, trong khi vấn đề không phải ở chỗ công nghệ làm được gì - người ta chỉ muốn nó nên làm gì cho họ. Sidewalk đã không thể trấn an người dân về sự riêng tư khi một công ty tư nhân có quyền thu nhập đủ loại dữ liệu về cuộc sống của họ, cho dù mục đích là làm cho cuộc sống đó trơn tru, hoàn chỉnh hơn. Làm sao các cư dân bình thường có thể chịu cho Sidewalk ghi nhận mọi lộ trình đi lại trong ngày của họ, dù để thiết kế các chuyến xe buýt tự động đến đón khách?Ngay chính cụm từ "thành phố thông minh" do Hãng IBM sử dụng đầu tiên khi muốn nói đến viễn cảnh công nghệ sẽ cải thiện cách các thành phố hoạt động cũng bị xem là "sai lầm". Xây dựng thành phố thông minh đồng nghĩa với việc xem các thành phố hiện hữu là kém hay không thông minh mặc dù đây là chiếc nôi ấp ủ biết bao sáng tạo, cả văn hóa lẫn khoa học. Không thể chỉ tạo ra các ứng dụng gì đó giúp việc quản lý mà bảo đây là thành phố thông minh trong khi cái thần thái toát ra từ một thành phố là con người, luôn luôn là con người.Tháng 5-2020, CEO của Sidewalk, Daniel Doctoroff viết trên Medium một lá thư chia tay với dự án Quayside và mặc dù thừa nhận thất bại nhưng vẫn nói Sidewalk sẽ tiếp tục các dự án "thông minh" khác như đồ gỗ robot, cơ sở hạ tầng thế hệ mới, hệ thống điện thông minh…Hiện nay, Waterfront Toronto - cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ phát triển khu Quayside - đã công bố một kế hoạch phát triển mới, bỏ qua các yếu tố công nghệ, nhấn mạnh đến chuyện môi trường như xây các khu chung cư giá phải chăng, bổ sung khu rừng 2 mẫu tây, một vườn trồng rau trên cao, các địa điểm văn hóa và cam kết mức phát thải sẽ được trung hòa. Khác với viễn cảnh trước đây, khu Quayside 2.0 không còn các đoàn taxi tự động hay các drone bay trên trời; thay vào đó là cây xanh khắp nơi, thậm chí bancông của các căn hộ chung cư cũng trồng cây xanh, lề đường là các tiệm cà phê ngoài trời và đường phố nhiều xe đạp. Có thể nói với những nhà thiết kế mới, Quayside 2.0 không chỉ là sự bác bỏ hẳn đề xuất năm 2017 của Sidewalk, nó còn là một tuyên ngôn bác bỏ ý tưởng thành phố thông minh chỉ dựa vào công nghệ.Khu Quayside hiện hữu.Ở mức độ nào đó, sự đảo hướng này cũng phản ánh tâm lý của xã hội đang thay đổi - từ chỗ lạc quan với công nghệ sang hoài nghi, từ chỗ yên tâm thụ hưởng thành quả công nghệ dù đó chỉ là chiếc điện thoại di động sang nỗi lo bị lừa đảo, ăn cắp thông tin, bị mất danh tính. Quan trọng hơn, hiện đang có sự chán chường về mạng xã hội, nơi cảnh mạnh ăn hiếp yếu, đám đông hùa nhau ném đá nạn nhân nhan nhản hằng ngày.Không ai không tự hỏi liệu công nghệ làm gì giúp con người ngoài việc tạo điều kiện dễ dàng cho quảng cáo thâm nhập mọi ngóc ngách; cuộc sống có công nghệ có thể đem lại năng suất cao hơn nhưng liệu chất lượng sống có tốt hơn. Thành phố thông minh dựa vào công nghệ sẽ là một thế giới lạnh lùng, còn thành phố dựa vào cộng đồng mới thật sự đầy sức sống. ■ Tags: Thành phố thông minhĐô thị thông minhKhu công nghệ caoCuộc sống đô thịSidewalkQuayside
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.